Đến bất cứ vùng nông thôn nào ở Tây Ninh, chỉ cần hỏi một người dân bất kỳ về tình trạng vỡ hụi, vay tín dụng đen để rồi mất khả năng trả nợ, tức khắc nhận được câu trả lời: Ôi dào, thiếu gì! Với người dân nghèo, 10 triệu đồng chơi hụi là tất cả gia tài của họ. Hụi vỡ, họ mất tất cả.
CÁN BỘ CŨNG "DÍNH CHƯỞNG"
Những ngày tiếp xúc với người dân 2 xã Tân Bình và Thạnh Tây, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh để tìm hiểu về tình trạng vay nợ, vỡ hụi ở đây, tôi mới thấy hệ lụy của nó lớn như thế nào. Khi mới gặp những người nông dân này, tôi thấy họ có một điểm chung về hình thức, đó là nét khắc khổ, cam chịu, dãi dầu gió sương hằn sâu trên khuôn mặt già trước tuổi. Còn khi trò chuyện, tôi lại thấy họ có những điểm chung rất lớn là đều nghèo đến mức không thể nghèo hơn. Giọng nói rổn rảng, suy nghĩ đơn giản, ít hiểu biết và rất dễ tin. Có lẽ, đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn họ đến cảnh trắng tay vì bị giật hụi.
Về Tân Bình, hỏi bà Lưu Thị Lệ, ấp Thạnh Tân, ai cũng biết. Cách đây 2 năm, bà Lệ là một người giàu có, xài tiền như nước, vàng đeo đỏ tay. Có được cái sự giàu ấy là bởi bà làm chủ hụi. Hàng ngày bà cứ rong ruổi đi khắp các ngõ xóm, đến từng nhà, gặp từng người để thu tiền và giao tiền hụi. Ban đầu chỉ vài người chơi, sau một thời gian, thấy bà làm ăn uy tín, những người chơi ban đầu hốt xong lại chơi tiếp.
Có chút tiền, thay vì đầu tư sản xuất, thì người dân đi chơi hụi, để rồi có thể suốt đời phải ở trong những túp lều thế này |
Dần dà, “tiếng lành” đồn ra khắp thôn xóm, người chơi tăng nhanh. Đùng một cái, bà Lệ tuyên bố vỡ hụi, hàng trăm người té ngửa. Lúc này, số tiền vỡ hụi đã lên đến gần 1 tỷ. Không bao lâu sau khi dây hụi của bà Lệ vỡ, một chủ hụi khác tại Tân Bình là bà Lê Thị Ơn (còn gọi là bà Phon) cũng tuyên bố vỡ. Người dân nghèo xã này lại chịu thêm một cơn “đau tim” nữa.
Rất nhiều người dân ở xã Tân Bình đều tham gia chơi hụi, người nhiều thì 20 - 50 triệu, ít cũng 5 - 10 triệu, không ít người chơi nhiều dây hụi, số tiền lên đến vài trăm triệu. Chị Trần Thị Xuân Hoa ở ấp Thạnh Tân, có cửa hàng vật liệu xây dựng và nuôi heo, kinh tế tương đối khá nên một lúc chị tham gia tới 4 dây hụi, số tiền lên đến gần nửa tỷ.
Chị Hoa kể: “Có được chút tiền không phải dễ, vợ chồng tôi phải làm quần quật, quên ăn quên ngủ. Dành dụm được vài trăm tính chơi hụi để kiếm thêm, lo cho con đi du học, ai ngờ bao nhiêu công sức chúng tôi bỏ ra giờ gần như mất trắng. Đã vậy vợ chồng tôi còn suýt “đường ai nấy đi” vì tôi giấu chồng chơi hụi. Không riêng gì vợ chồng tôi, vụ vỡ hụi này rất nhiều gia đình lục đục vì vợ ham lãi cao, chơi hụi giấu chồng”.
Theo bà Trương Thị Biền, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Tân Bình thì nguyên nhân chính khiến hụi vỡ là vì chủ hụi quá tham lam, lập "hụi ảo". Tức là số người chơi thực tế chỉ bằng 1/5 hoặc ít hơn số người chủ hụi tuyên bố. Bà Biền kể: “Vì gia đình tôi nợ ngân hàng 40 triệu nên lúc lãnh tiền hưu lần 2 được 16 triệu, tôi tính đợi con gái hốt hụi rồi trả hết nợ cho ngân hàng. Con Lệ (chủ hụi Lưu Thị Lệ), cũng là con cháu trong nhà, biết chuyện nên “dụ” tôi. Nó bảo trong lúc đợi hốt hụi thì cô gửi số tiền này cho con, chơi hụi ngày, tội gì để không'.
"Sau khi có sự can thiệp của chính quyền, cả 2 chủ hụi đều phải bán sạch tài sản, từ nhà cửa, đất đai đến tài sản cá nhân để trả nợ. Nhưng số tiền người chơi hụi nhận lại được chẳng đáng là bao so với số tiền họ bỏ ra. Hiện nay bà Lệ đang phải tá túc “nhờ” trên chính ngôi nhà của mình vì đã bị kê biên”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình, cho biết. |
Bà Biền kể tiếp: "Tôi nghe xuôi tai nên giao tiền cho nó. Không được bao lâu thì hụi bể. Sau này tôi mới biết, số người chơi thực không nhiều như thế, mỗi lần hốt, tụi nó lại kêu người nhà, con cháu đến để khui hụi. Người chơi thật thì không hốt được vì bỏ lãi thấp. Toàn chủ hụi hốt xài trước. Mỗi khi người chơi thật hốt được, chủ hụi phải chung cả tiền của những người chơi ảo vào, trong khi tiền thì đã xài trước rồi, lấy đâu ra mà bù mãi được. Vỡ hụi là đương nhiên thôi".
NỢ NẦN CẢ ĐỜI
Có thể nói một câu không ngoa là mạng lưới tín dụng đen đã vươn vòi đến từng gia đình, ở tận hang cùng ngõ hẻm. Hễ ở đâu có người cần vay ở đó có người cho vay nặng lãi. Thủ tục vay rất đơn giản, không cần tài sản thế chấp, người vay và người cho vay chỉ cần thỏa thuận miệng với nhau, xong là tiền tươi trao tay ngay. Nhưng lãi suất thì khiến người vay không thể... tươi được, từ 8 đến 15%/tháng. Nếu vay nóng thì lãi suất có thể tăng lên 20 - 30%/tháng. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn phải bấm bụng vay vì không còn con đường nào khác.
Gia đình chị Triệu Thị Tuyết Thanh (ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu, Tây Ninh) luôn thiếu trước hụt sau vì cả 2 vợ chồng chị đều không có việc làm ổn định, ai thuê gì làm nấy. Mấy năm trước, gia đình chị được ngân hàng chính sách hỗ trợ cho vay lãi suất thấp số tiền 5 triệu đồng, chị mua 1 con bò cái nuôi. Khi bò đẻ cũng là lúc chị phải bán đi để trả nợ ngân hàng. Số tiền lãi còm sau khi bán bò chẳng đáng là bao.
Sau nhiều lần bàn bạc, vợ chồng chị quyết định vay "chợ đen" 10 triệu đồng với lãi suất 8%/tháng để mua ghe lưới, chuyển qua nghề đánh bắt cá trên sông Tha La. Sau một thời gian cật lực làm, anh chị đã trả được một nửa số tiền vay. Nhưng đến lúc này, dụng cụ đánh bắt cá mỗi lúc một hư hỏng nặng hơn. Không có tiền sửa chữa, hoặc mua mới, việc đánh bắt cá gần như không có kết quả. Anh chị đành phải quay về nghề cũ là đi làm mướn và đối mặt với khoản tiền lãi 400 ngàn mỗi tháng.
"Ở Nông trường 2, Cty Cao su Xa Mát (ấp Tân Đông, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, Tây Ninh) vừa xảy ra một vụ vỡ hụi khá lớn. Tổng số tiền theo đơn trình báo của những người bị giật hụi lên đến hơn 1 tỷ, chưa kể những người chưa trình báo. Hụi này do bà Trần Thị Dưỡng làm chủ, có khoảng hơn 40 người là công nhân Nông trường 2 tham gia. Sau khi tuyên bố vỡ nợ, bà Dưỡng hứa sẽ trả dần nhưng không biết đến khi nào mới trả hết được", ông Mai Xuân Tuyến, Ban hòa giải ấp Tân Đông cho hay. |
"Mỗi ngày vợ chồng tôi đi làm thuê, cố gắng lắm cũng chỉ kiếm được chừng 50 - 60 ngàn đồng, chưa trừ tiền ăn, xăng xe. Nhiều tháng không có tiền đóng lãi, tụi tôi lại phải đến năn nỉ họ. May là vay của người quen biết chứ nếu vay của xã hội đen thì không biết có yên thân với họ được không", chị Thanh nói.
Không riêng gì gia đình chị Thanh, rất nhiều gia đình khác ở ấp Tân Tiến này đang phải trả lãi vay chợ đen từ nhiều năm nay, đang trở thành con nợ suốt đời của tín dụng đen. Số tiền lãi của họ nếu cộng lại, có thể đã gấp nhiều chục lần số tiền gốc. Nhiều gia đình còng lưng làm thuê hàng chục năm trời nhưng số tiền gốc vay vẫn còn y nguyên, thậm chí tăng dần vì lãi không trả được bị cộng dồn vào gốc.
Chị Võ Thị Ghép ở ấp Thạnh Tân, xã Thạnh Tây than thở: "Cách đây hơn 10 năm, tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 5 triệu đồng để nuôi bò, chẳng may bò bệnh chết, tôi phải vay 10 triệu đồng bên ngoài để trả ngân hàng, số còn lại dùng chữa bệnh và trang trải trong nhà. Từ đó đến nay, cả 2 vợ chồng tôi cố gắng cách nào cũng chỉ đắp đổi qua ngày, lo cho 2 con ăn học. Còn lãi thì tháng có tháng không. Đến giờ cộng cả gốc lẫn lãi, số tiền tôi nợ đã lên hơn chục triệu rồi. Cứ tình trạng này, vợ chồng tôi chỉ còn nước đợi con lớn học xong, đi làm rồi trả nợ thay cha mẹ thôi chứ không có cách gì trả nổi".