| Hotline: 0983.970.780

Chặt 'vòi bạch tuộc' thuốc nổ

Thứ Năm 14/05/2020 , 08:08 (GMT+7)

Bộ độ Biên phòng Quảng Ngãi vừa tổ chức phá bắt một loạt các đối tượng liên quan đến việc mua bán và vận chuyển thuốc nổ.

Đánh cá bằng thuốc nổ. Ảnh: Hà Anh.

Đánh cá bằng thuốc nổ. Ảnh: Hà Anh.

Điểm mới trong số các vụ án lần này là bắt ở cuối đường dây, tức đối tượng sử dụng thuốc nổ đánh cá. K, một ngư dân ở chuyên sử dụng chất nổ cho biết, một số tàu đã “đứng bánh” vì lệ thuộc quá nhiều, quá lâu vào một nghề bị cấm.

Bỏ lưới sang thuốc

Báo chí viết về việc ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi ra khơi đánh bắt cá bằng thuốc nổ là đề tài đã lặp đi lặp lại vài chục năm.

Tại sao vấn nạn này nói mãi mà không thể chấm dứt, mặc dù biết rằng đây là hình thức đánh bắt cá hủy diệt nhất trên đại dương. Câu chuyện đã kéo dài đến 70 năm. Đó là giai đoạn sau năm 1945, đảo Lý Sơn có 2 đơn vị hành chính là xã Dương Sạ và Vĩnh Long. Ngư lưới cụ đánh bắt cá là lưới đan bằng vỏ cây.

Đó là vỏ cây gai mang về và phải trải qua một công đoạn rất tốn thời gian là phơi, ngâm, tước, se sợi, đan, nhuộm, hấp. Dệt được 1 giàn lưới thì mất nhiều công sức, nhưng chóng hư hỏng. Đến năm 1951 thì ngư lưới cụ đánh cá của người dân ở đảo rẽ sang bước ngoặt khác.

Năm 1951, thực dân Pháp từ Tourane (Đà Nẵng) nhảy dù xuống chiếm đảo Lý Sơn và đổi tên đảo là Polu Canton.

Lính Pháp và người dân có sẵn trong tay các loại lựu đạn, bom đạn lép cưa lấy thuốc và độ chế thành quả nổ để ném xuống biển bắt cá. Đây là phương pháp đánh cá được nhiều sản lượng mà không mất công đan lưới.

Và kể từ đó đến nay, qua nhiều thời kỳ, chính quyền quản lý đều ra những văn bản cấm triệt để nghề sử dụng chất nổ đánh cá, tuy nhiên bà con vẫn tiếp tục sử dụng lén lút bằng mọi cách và với số lượng rất lớn. Có thời điểm, cả đảo có gần 200 tàu cá làm nghề bằng cách đánh thuốc nổ.

Tai nạn từ việc sử dụng chất nổ đánh cá xảy ra rất nhiều. Ông Phạm Văn Nhân, quê ở thôn Bắc Lý Thành Xuân, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, là người từng tản cư ra đảo Lý Sơn trước năm 1975 kể lại, ngư dân Cù Lao Ré (Lý Sơn) thời điểm đó chủ yếu sử dụng thúng nhỏ để đánh đánh bắt cá bằng thuốc nổ xung quanh đảo.

Tai nạn xảy ra thường do thợ dòm cá phát tín hiệu không đúng nhịp và ngư dân ném thuốc nổ do trời quá nắng, bị lóa mắt, không nhìn thấy khói đang cháy trên mẩu dây cháy chậm “cực ngắn”, dẫn đến thuốc nổ “xòe” luôn trên tay. Tay nạn khủng khiếp nhất là mùa hè năm 1971, một vụ nổ đã cướp đi sinh mạng cùng một lúc 11 ngư dân.

Những tai nạn khủng khiếp như vậy vẫn không đủ sức “dọa” bà con ngư dân ở đây tự động từ bỏ hẳn nghề sử dụng chất nổ đánh cá. Những năm sau giải phóng, thuốc nổ cưa từ bom mìn cũ dồi dào nên nguồn cung không khó, giá cũng không quá cao.

Đến thập niên 90, các đường dây mua bán chất nổ phải đi tận sang các vùng giáp ranh của Lào để vét sạch bom chưa nổ, vận chuyển về đảo Lý Sơn.

Cắt được từng nhánh

Thâm niên ném thuốc cũng là một trong những nguyên nhân “bắt rễ sâu”, khiến cho công tác đấu tranh phòng, chống triệt để nạn sử dụng chất nổ gặp nhiều khó khăn. Cao điểm, mỗi tàu cá ra khơi cần 200kg thuốc nổ mỗi chuyến.

Có cung thì ắt có cầu, hình thành lên những đường dây mua bán chất nổ trong đất liền vận chuyển ra đảo Lý Sơn. Các vụ việc bắt giữ thuốc nổ lên đến hàng trăm kg/vụ ở các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam thì điểm đến cuối cùng bao giờ cũng có tên đảo Lý Sơn.

Nhiều năm trước, điểm tập kết chất nổ từ thành phố Đà Nẵng về Quảng Ngãi được tập kết tại khu vực Dốc Sỏi. Thuốc nổ rời khỏi khu vực nào và bắt đầu đi vào Quảng Ngãi thì giá cả đội lên, vì dân buôn bán xem như đi vào cửa tử.

Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi tổ chức mai phục, chặn bắt quyết liệt. Tuy nhiên, so với số lượng thuốc nổ mà ngư dân ở đảo Lý Sơn đang sử dụng thì số thuốc nổ bị chặn lại vẫn là con số chưa lớn.

Vụ bắt giữ nhiều nhất là 1.179kg thuốc nổ. Tuy nhiên, để bắt được đối tượng này thì Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã phải mất rất nhiều thời gian đeo bám, theo dõi và cuối cùng kết thúc án vào lúc 9 giờ ngày 25/4/2019.

Đồn biên phòng Bình Hải chặn bắt đối tượng đưa thuốc nổ ra đảo Lý Sơn. Ảnh: Hà Anh.

Đồn biên phòng Bình Hải chặn bắt đối tượng đưa thuốc nổ ra đảo Lý Sơn. Ảnh: Hà Anh.

Trương Duy Chuyển chỉ là một mắt xích trong đường dây mua bán thuốc nổ. Ngoài đối tượng này thì còn những nhánh khác nằm ở tỉnh Quảng Nam, liên quan các đối tượng ở khu vực cửa biển trước khi đưa ra đảo Lý Sơn.

Trong số các mắt xích này thì có những đối tượng từng được đưa vào “sổ đen” nhiều năm. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn có trường hợp thoát án, vì người bị bắt có cách đối phó, làm cạn nguồn điều tra, hoặc do nhiều lý do khác dẫn đến việc mở rộng điều tra gặp khó khăn.

Chính quyền huyện đảo Lý Sơn đã rất nhiều năm đề cập đến việc giúp ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, giã từ hẳn nghề sử dụng chất nổ đánh cá.

Một số tàu cá của ngư dân ở phía bắc của đảo đã mạnh dạn đào tạo bạn chài, chuyển đổi sang nghề lưới rút và đánh bắt thành công, có những tàu cá thu về vài tỷ đồng/năm đánh bắt.

Đoàn tàu làm nghề lưới rút vây của huyện đảo Lý Sơn hiện nay vẫn được các ngư dân xếp vào diện đánh bắt thành công và nổi tiếng. Vậy nhưng tại sao các ngư dân đánh cá bằng thuốc nổ vẫn không từ giã nghề ném thuốc nổ và chuyển đổi sang nghề mới?

Tấn công đoạn cuối

Trong nhiều năm qua, Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi thường tấn công, triệt phá những đường dây buôn bán chất nổ. Rất nhiều đối tượng bị bắt giữ khi trên đường vận chuyển thuốc nổ rời khu vực Dốc Sỏi về địa bàn tuyến biển.

Thủ đoạn chung của các đối tượng là ngụy trang trên hàng hóa, xé lẻ vận chuyển bằng xe gắn máy. Thuốc nổ là loại vật chất có trọng lượng lớn, vận chuyển 50kg thuốc nổ, đối tượng chỉ cần dồn vào những giỏ hàng nhỏ rồi trà trộn vào dòng người để đưa về các cửa biển.

Có những đường dây được tổ chức chặt chẽ thì sử dụng tàu đánh cá làm phương tiện vận chuyển số lượng lớn, đi tắt qua các bãi ngang để ra đảo Lý Sơn.

Trong chuyên án vừa được Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi phá bắt vào đầu tháng 4 vừa qua, các trinh sát phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi đã mật phục và bắt quả tang ông Đinh Văn Giàu, SN 1973, quê ở huyện Lý Sơn đang cất giấu 114kg thuốc nổ, 400 kíp nổ điện, 200 kíp nổ số 8 và 49m dây cháy chậm.

Qua theo dõi, lực lượng trinh sát bắt tiếp ngư dân Nguyễn Văn Chiến, SN 1992, là thuyền trưởng tàu cá QNg 96293 TS. Kiểm tra phương tiện, Bộ đội Biên phòng phát hiện, thu giữ 144,5kg thuốc nổ, 185 kíp nổ điện, 480 kíp nổ số 8 và 26m dây cháy chậm.

Còn những ai là đối tượng nằm trong chuỗi cung ứng thuốc nổ và vận chuyển với số lượng lớn ra đảo Lý Sơn? Liệu đối tượng này có tiếp tục thoát tội và quay trở lại cung ứng thuốc nổ cho ngư dân? Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi vẫn đang mở rộng điều tra để đem lại sự bình yên trên biển đảo.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.