Theo đó, nạn châu chấu đã tấn công sâu vào một số vùng trồng trọt trọng điểm ở bang Rajasthan sau khi tràn sang từ biên giới Pakistan. Hiện chính quyền các quận huyện thuộc hai bang láng giềng là Madhya Pradesh và Uttar Pradesh cũng đã buộc phải ban hành cơ chế cảnh báo về sự nguy hiểm của “giặc châu chấu”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, thiệt hại do châu chấu sa mạc gây ra đã ảnh hưởng năng suất mùa màng đến khoảng 90.000 ha cây lương thực thuộc 20 quận huyện ở bang Rajasthan.
Nguyên nhân dịch hại châu chấu lan rộng được cho là do những cơn gió cuốn theo mưa thuận lợi đã đẩy tốc độ di chuyển của châu chấu phát tán khắp nơi. Các bầy đàn châu chấu tiếp tục sinh sôi nhanh chóng hiện đang đe dọa sẽ nở rộ gây ra thảm họa nông nghiệp, đe dọa an ninh lương thực tại quốc gia đông dân số thứ hai thế giới.
Các chuyên gia dịch hại cây trồng cho rằng, một thách thức lớn có thể sẽ xuất hiện khi châu chấu sa mạc bắt đầu vào mùa sinh sản do từ năm ngoái, châu chấu trưởng thành đã xâm nhập vào các vùng nông nghiệp của Ấn Độ, sau một chu kỳ 26 năm. Và hiện nay bầy đàn này kết hợp với những “đám mây châu chấu” mới đến sẽ có khả năng gây hại nhiều hơn, dài hơn.
Đặc biệt, nạn châu chấu mới xuất hiện ở Ấn Độ mới chỉ có tuổi đời từ khoảng 10-12 ngày tuổi và chúng có khả năng bay rất xa để tìm kiếm nguồn thức ăn và sẽ tàn phá bất kỳ thảm thực vật nào nơi chúng đến.
Các nghiên cứu cho thấy, hiện châu chấu đang chuẩn bị vào mùa đẻ trứng và sẽ nở rộ sau chừng hai tháng nữa. Theo Chương trình Lương Nông Liên Hợp quốc (FAO), sức hủy diệt và độ phàm ăn của một đàn châu chấu điển hình là rất lớn. Kích thước của những bầy đàn này có thể liên tục thay đổi, từ dưới một km vuông đến vài trăm km vuông.
Ước tính, mỗi km vuông có khoảng 40 triệu cá thể và chúng có thể tiêu thụ một lượng thức ăn tương đương 35.000 người hoặc quy ra mỗi con có thể ngốn hết 2,3 kg thực phẩm.
Hiện nay giải pháp phòng chống của hầu hết các quốc gia vẫn chủ yếu dựa vào các hóa chất organophosphate. Loại thuốc bảo vệ thực vật này được pha chế với liều lượng nhỏ để đánh châu chấu sa mạc bằng máy phun không người lái hoặc gắn trên các phương tiện di chuyển. Mỗi máy bay không người lái ở bang Rajasthan có thể phun một lượng thuốc trừ sâu trên phạm vi gần 2,5 mẫu Anh (tương đương trên 1 ha) trong vòng 15 phút.
Tại bang Uttar Pradesh, người dân địa phương đã được ngành nông nghiệp yêu cầu gây tiếng ồn bằng cách đập mâm nồi xoong chảo để xua đuổi châu chấu sa mạc.
Fao hiện cũng đã cảnh báo sớm về nhiều cuộc tấn công của châu chấu ở dọc theo các tỉnh thành biên giới Ấn Độ-Pakistan. Tuy nhiên thách thức không nhỏ hiện nay là các quốc gia Nam Á này cũng đang chật vật đối phó với đại dịch Covid-19.