| Hotline: 0983.970.780

Báo động khủng hoảng châu chấu sa mạc tại Ấn Độ, Pakistan

Thứ Sáu 15/05/2020 , 05:30 (GMT+7)

Một đàn châu chấu lớn đã di chuyển từ Pakistan tới bang Rajasthan của Ấn Độ, tạo ra mối đe dọa mới đến ngành nông nghiệp quốc gia Nam Á này.

Tổ chức Cảnh báo Châu chấu (LWO) của chính phủ Ấn Độ cho biết một đàn châu chấu sa mạc lớn đã xuất hiện trong đêm 10/5 tại thành phố Beawar, quận Ajmer, bang Rajasthan. Đàn châu chấu đến từ Pakistan và Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo khu vực còn xuất hiện nhiều đợt xâm lấn khác từ loài côn trùng này.

FAO dự báo tình hình đáng lo ngại trong tháng 5 và 6. Ấu trùng nở vào mùa xuân tại tỉnh Balochistan, Pakistan, đã trưởng thành và bắt đầu di cư theo từng đàn.

Cần tăng cường theo dõi và báo cáo tại các khu vực sa mạc dọc hai bên biên giới Ấn Độ - Pakistan, FAO khuyến nghị. Ấn Độ có thể hứng chịu đợt xâm lấn mới từ ngày 22/6.

Châu chấu sa mạc (tên khoa học Schistocerca gregaria) là loài châu chấu râu ngắn, không gây hại nếu còn ở “giai đoạn đơn độc” – thời kỳ không gian sống còn rộng, châu chấu chủ động né tránh nhau. Chúng nguy hiểm khi số lượng gia tăng, tương tác lẫn nhau dẫn đến thay đổi hành vi và chuyển sang “giai đoạn bầy đàn”, trở thành những nhóm lớn có thể di chuyển 150 km mỗi ngày.

Châu chấu sa mạc có thể phá hoại lượng lớn cây trồng. Con trưởng thành đủ sức tiêu thụ lượng thức ăn tương đương trọng lượng cơ thể trong một ngày, một đàn châu chấu khoảng 40 triệu con có sức ăn tương đương 35.000 người. Nếu không kiểm soát số lượng châu chấu, nạn đói tại Nam Á sẽ nghiêm trọng hơn.

Loài côn trùng này còn có tốc độ sinh sản nhanh. Một con cái đẻ 60 – 80 trứng trong vòng đời dài 90 ngày, K L Gurjar, Phó Giám đốc LWO, trả lời Indian Express. Mỗi km2 đất có thể là nơi sinh sôi của 40 – 80 triệu con châu chấu.

Ấn Độ đã đặt mua các thiết bị mới từ Anh để kiểm soát châu chấu sa mạc, Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ Narendra Singh Tomar nói ngày 13/5. Chính quyền các bang Rajasthan, Gujarat và Punjab đang phải ứng phó cùng lúc hai đại dịch châu chấu và Covid-19.

Theo ông Tomar, chính phủ Ấn Độ đã bồi thường cho các nông dân chịu thiệt hại thông qua Quỹ Ứng phó Thảm họa Quốc gia. Châu chấu sa mạc được phát hiện tại Ấn Độ trong năm 2019 và được kiểm soát sau khi nhà chức trách xử lý các khu vực với tổng diện tích hơn 4.000 km2.

Pakistan tuyên bố tình trạng khẩn cấp từ tháng 2 khi nông dân nước này chật vật ứng phó đợt châu chấu tàn phá nặng nhất gần ba thập kỷ.

Nông dân làng Garang, quận Washuk, tỉnh Balochistan, cách biên giới với Iran vài trăm km, cho biết các đàn châu chấu sa mạc đang lớn lên từng ngày. “Từ từ và đều đặn, chúng ăn hết mọi thứ trên đất canh tác. Chúng đang di chuyển đến những cánh đồng tại các làng lân cận”, nông dân Maulvi Satar Baloch nói với thethirdpole.net.

Quận Kharan gần đó cũng đối mặt hiểm cảnh tương tự. Châu chấu tàn phá hoa màu, bất chấp thuốc trừ sâu.

FAO mô tả Pakistan và Iran có nguy cơ bị tàn phá cao. 38% diện tích Pakistan (60% ở tỉnh Balochistan, 25% ở Sindh và 15% ở Punjab) phù hợp để châu châu sa mạc sinh sản. Chúng sẽ xâm lấn những khu vực còn lại nếu không được kiểm soát tại vùng sinh sản. Thiệt hại của ngành nông nghiệp Pakistan có thể lên đến 1,3 tỷ USD.

“Chúng tôi chưa từng chứng kiến nạn châu chấu nào như vậy kể từ năm 1993. Chúng có mặt ở khắp Pakistan”, Mubarik Ahmed, điều phối viên quốc gia về kiểm soát châu chấu tại Pakistan, mô tả. “Châu chấu thường bị chặn lại tại vùng sa mạc ở tỉnh Punjab hoặc Sindh trong mùa hè nhưng năm 2019, chúng đã tìm ra hướng di chuyển mới, xuất hiện lần đầu tiên ở miền bắc Pakistan, thậm chí sang Afghanistan”.

Châu chấu sa mạc còn được ghi nhận ở Bahrain, Iraq, Kuwait, Oman, Arab Saudi, Sudan, Qatar, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Yemen.

Keith Cressman, nhà dự báo chuyên về châu chấu tại FAO, nhận định một số điều kiện thời tiết nhất định đã thúc đẩy tốc độ sinh sôi của châu chấu.

“Mưa là một yếu tố thúc đẩy châu chấu sa mạc sinh sản. Nếu điều kiện phù hơp, quy mô đàn châu chấu có thể tăng 20 lần sau mỗi ba tháng. Trong ba năm qua, tần suất xuất hiện bão trên Ấn Độ Dương tăng, còn góp phần phân tán chúng”, ông nói.

Đây là đợt tàn phá lớn nhất của châu châu sa mạc trong nhiều chục năm tại vùng Sừng châu Phi, với Ethiopia và Somalia là 25 năm, với Kenya là 70 năm.

“Loài côn trùng này thật kinh khủng”, Albert Lemasulani, 40 tuổi, nói trong video quay cảnh anh đi qua một đàn châu chấu ở miền bắc Kenya hồi tháng 4. “Chúng có hàng triệu con... ở khắp nơi… thực sự là ác mộng”.

Lemasulani sống cùng gia đình và nuôi dê với nguồn thức ăn chính cho đàn gia súc là các bụi cỏ. Anh từng chỉ biết đến châu chấu sa mạc thông qua các lời kể. Giờ đây, tình hình đã khác.

“Chúng tôi lo sợ cho tương lai của chính mình vì châu chấu khiến chúng tôi không còn gì để nuôi gia súc”, Lemasulani chia sẻ. Những người khác lo ngại mất mùa. “Nạn châu chấu cũng đáng sợ như Covid-19”.

FAO dự kiến đề nghị các đối tác của tổ chức hỗ trợ khoảng 110 triệu USD cho nỗ lực đối phó khủng hoảng châu chấu vào ngày 20/5, theo Bloomberg. Con số cần thiết có thể lên đến 450 triệu USD do phạm vi cần xử lý rộng.

“Chúng tôi có thể phải cần hơn hai năm để kiểm soát loài gây hại này”, Cyril Ferrand, trưởng nhóm về Phục hồi của FAO tại Nairobi, Kenya, nói ngày 13/5. “Chúng tôi đang ở giữa cuộc chiến”.

Một điều may mắn là châu chấu sa mạc không thể xâm nhập Trung Quốc hay xa hơn nữa về phía đông Ấn Độ bởi rào chắn tự nhiên là gió và dãy núi Himalaya.

“Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để tránh một thảm họa toàn diện”, Cressman, nhà dự báo châu chấu tại FAO, kêu gọi.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.