| Hotline: 0983.970.780

Châu Thành A có nhiều mô hình lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha

Thứ Tư 16/08/2023 , 12:50 (GMT+7)

Hậu Giang Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A cho biết huyện đang mở rộng mô hình đạt hiệu quả hướng đến đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao năm 2024.

Huyện Châu Thành A đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân dân hưởng ứng phong trào hiến đất mở đường giao thông nông thôn xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Hồ Thảo.

Huyện Châu Thành A đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhân dân hưởng ứng phong trào hiến đất mở đường giao thông nông thôn xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Hồ Thảo.

Xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) là lộ trình không có điểm kết thúc, ngay sau khi đạt chuẩn NTM, huyện Châu Thành A tiếp tục huy động, thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí theo hướng huyện NTM nâng cao.

Huyện Châu Thành A xây dựng các tiêu chí theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang về việc ban hành Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao. Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, nâng chất, giữ vững huyện đạt chuẩn NTM (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021-2025). Tập trung xây dựng đạt 9 tiêu chí huyện NTM nâng cao.

Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A cho biết, huyện đang xây dựng 3/6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao gồm: Thạnh Xuân, Trường Long Tây, Tân Hòa. Ngoài ra huyện Châu Thành A còn phấn đấu thêm xã Nhơn Nghĩa A đạt chuẩn xã NTM nâng cao.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền nhân dân hưởng ứng thực hiện thành công phong trào hiến đất mở đường giao thông nông thôn, tạo diện mạo sáng - xanh - sạch - đẹp trong các khu dân cư... Tỷ lệ hài lòng của người dân trên địa bàn đối với kết quả xây dựng NTM nâng cao của huyện đạt từ 95% trở lên.

Trước những kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở huyện Châu Thành A, ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồ Thảo.

Ông Võ Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Hồ Thảo.

Xin ông cho biết việc đẩy mạnh việc phát triển và nâng cao chất lượng các hợp tác xã, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả gắn với phát triển các loại hình du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Châu Thành A?

Để đẩy mạnh việc phát triển và nâng cao chất lượng các hợp tác xã, UBND huyện triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Huyện ủy Châu Thành A, lãnh đạo phát triển kinh tế tập thể. Để tạo điều kiện cho các HTX hoạt động tốt UBND huyện đã triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ HTX như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất. Chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX và hỗ trợ các HTX nông nghiệp xây dựng mô hình sản xuất theo Nghị định 62 của Chính phủ. Cụ thể, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ cho các HTX từ năm 2020 đến nay là 2,651 triệu đồng, với diện tích 763 ha.

Bên cạnh đó, hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị của các HTX bước đầu đã có những hiệu quả nhất định. Đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới hoạt động đúng bản chất và mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều HTX chuyên ngành được ưu tiên tập trung phát triển để tạo ra sản phẩm như: Xoài cát, ba ba, cua đinh, sản xuất lúa chất lượng cao...

Đồng thời, các HTX này tìm được hướng đi phù hợp, phát triển sản xuất kinh doanh gắn với sản phẩm có lợi thế, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chú trọng thị trường đầu ra và định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm. Đây thực sự là hướng đi có hiệu quả trong xây dựng HTX kiểu mới, điển hình có HTX chăn nuôi ba ba Thạnh Lợi với sản phẩm ba ba và cua đinh, thực hiện liên kết với doanh nghiệp, vừa là thành viên vừa là đối tác tiêu thụ đầu ra cho HTX.

Theo đó, nhân rộng mô hình sản xuất vùng lúa chất lượng cao tại HTX nông nghiệp Phước Trung, HTX nông nghiệp Phước Lộc, HTX nông nghiệp Hiếu Lực, hàng năm thực hiện liên kết hầu hết các hộ sản xuất lúa để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm lúa gạo. HTX nông nghiệp Mùa Vàng ứng dụng công nghệ sạ lúa, rải phân, phun thuốc bằng máy bay.

Một số HTX phát triển sản phẩm theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) như HTX xoài cát Bảy Ngàn với sản phẩm xoài cát Hậu Giang... Hình thức liên kết với các doanh nghiệp là có hợp đồng ký kết nhằm bao tiêu sản phẩm đầu ra góp phần ổn định được khâu tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động.

Bên cạnh đó để gắn với các loại hình du lịch nông thôn trên địa bàn huyện đã nhân rộng mô hình khu du lịch Mường Đình, cơ sở nuôi dê Ngọc Đào để lan tỏa từng bước có nhiều mô hình liên kết du lịch sinh thái gắn với HTX trong tương lai.

Châu Thành A triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa giúp đạt năng suất cao. Ảnh: Hồ Thảo.

Châu Thành A triển khai mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa giúp đạt năng suất cao. Ảnh: Hồ Thảo.

Được biết, huyện Châu Thành A có hơn 5.564 ha vườn cây ăn trái. Bên cạnh tập trung phát triển cây ăn trái, các địa phương trong huyện còn thường xuyên vận động người dân tham gia mở rộng và nâng chất các cánh đồng lớn trên địa bàn. Xin ông chia sẻ về một vài mô hình điển hình hiệu quả hiện nay để tiếp tục nhân rộng?

Cụ thể mô hình số hóa trong sản xuất lúa diện tích 103ha với 62 hộ tham gia thực hiện tại xã Trường Long Tây. Mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng mít đạt tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc. Mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng xoài đạt tiêu chuẩn VietGAP và truy xuất nguồn gốc theo công nghệ Blockchain tại HTX xoài Bảy Ngàn.

Theo đó là mô hình sản xuất lúa bằng quy trình VietGAP tại HTX Phước Trung và HTX Hiếu Lực. Mô hình sản xuất lúa theo quy trình sản xuất lúa đạt chuẩn GlobalGAP. Mô hình trồng chanh không hạt đạt tiêu chuẩn GlobalGAP tại xã Thạnh Xuân.

Về chăn nuôi có mô hình nuôi lươn đạt tiêu chuẩn VietGAP tại xã Nhơn Nghĩa A. Mô hình canh tác cây nhãn đạt sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn xã Nhơn Nghĩa A. Mô hình chứng nhận VietGAP liên kết tiêu thụ sản phẩm sầu riêng xã Tân Hòa...

Huyện Châu Thành A có nhiều mô hình đạt lợi nhuận hơn 100 triệu đồng mỗi năm/ha. Ảnh: Hồ Thảo.

Huyện Châu Thành A có nhiều mô hình đạt lợi nhuận hơn 100 triệu đồng mỗi năm/ha. Ảnh: Hồ Thảo.

Thưa ông, đến nay huyện Châu Thành A có bao nhiêu sản phẩm được tỉnh công nhận đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Theo ông, thời gian tới cần tiếp tục làm gì để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề độc đáo của huyện Châu Thành A?

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay huyện Châu Thành A đã phát triển 23 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm 4 sao, 11 sản phẩm 3 sao, với các sản phẩm nổi bật như sữa chua dê sấy khô, gạo thơm Hương quê, chao ốc, bưởi non sấy Trần Đệ, homestay Mương Đình... Theo đó huyện đã gửi hồ sơ về tỉnh đề nghị Trung ương đánh giá công nhận sản phẩm 5 sao đối với sữa chua dê sấy khô.

Hướng tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban, ngành, xã, thị trấn phối hợp các chủ thể kinh doanh rà soát các chính sách xem xét đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm được ổn định, quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến sản phẩm OCOP.

Ngoài ra tăng cường công tác tham gia xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, đặc biệt tham gia hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh tiếp thị, mua bán qua kênh sàn giao dịch điện tử như: App Hậu Giang, Facebook...

Đồng thời huyện đã đề xuất về Văn phòng điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh hỗ trợ thành lập điểm trưng bày và bán hàng các sản phẩm OCOP của huyện tại HTX Hiếu Lực và tại điểm coffee house. Qua đó liên kết các chủ thể với nhau để quảng bá và đưa sản phẩm OCOP của huyện vươn xa hơn.

Xin cám ơn ông!

(thực hiện)

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.