6 đám cháy rừng xảy ra đồng thời đã tàn phá các khu phố của Los Angeles kể từ ngày 7/1, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng và làm hư hại hoặc phá hủy 10.000 công trình. Con số trên dự kiến sẽ tăng lên khi tình hình đủ an toàn để lính cứu hỏa tiến hành tìm kiếm từng nhà.
Khi hàng nghìn người đột nhiên mất nhà cửa và khói dày đặc khiến các quan chức Mỹ phải ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng, lính cứu hỏa đã ghi nhận những tiến triển trong việc ngăn chặn Đám cháy Palisades ở rìa phía tây của thành phố và Đám cháy Eaton ở chân đồi phía đông.
Sau nhiều ngày đám cháy bùng phát ngoài tầm kiểm soát, bất chấp nỗ lực của hàng trăm lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa từ trên không và trên mặt đất, Đám cháy Palisades mới được khống chế 8% và Đám cháy Eaton là 3%. Hai vụ cháy lớn đã thiêu rụi tổng cộng 14.100ha đất, gấp 2,5 lần diện tích Manhattan.
Khoảng 153.000 người đã được sơ tán bắt buộc và 166.800 người khác có thể phải sơ tán. Lệnh giới nghiêm được áp dụng cho tất cả các khu vực sơ tán, Cảnh sát Los Angeles Robert Luna cho biết.
7 tiểu bang lân cận, chính quyền liên bang và Canada đã nhanh chóng viện trợ cho California, tăng cường các đội máy bay cứu hỏa để thả nước và chất chống cháy xuống những ngọn đồi đang bốc cháy và các đội trên mặt đất ngăn chặn đám cháy bằng các công cụ cầm tay, vòi rồng.
"Nhờ số lượng nguồn lực được phân bổ tăng lên, tình hình khu vực này đang được cải thiện hơn nhiều so với đầu tuần này", Cảnh sát trưởng Los Angeles Anthony Marrone phát biểu trong một cuộc họp báo.
Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Hoa Kỳ, tình hình ở khu vực Los Angeles sẽ được cải thiện vào cuối tuần, với sức gió giảm xuống còn khoảng 32 km/h, so với trước đó là 80 km/h.
"Gió đã giảm đáng kể, điều này sẽ có lợi cho lính cứu hỏa", nhà khí tượng học Allison Santorelli của NWS cho biết, đồng thời nói thêm, "tình hình vẫn rất nghiêm trọng do độ ẩm thấp và thảm thực vật khô".
Nhà cửa bị thiêu rụi thành tro
Cư dân Pacific Palisades, những người đã mạo hiểm quay trở lại khu phố bị đám cháy thiêu rụi của họ, bị sốc khi thấy những ngôi nhà chỉ còn lại những ống khói bằng gạch trên đống đổ nát cháy đen và những chiếc xe bị cháy rụi trong khi khói cay nồng nặc trong không khí.
"Đây là ngôi nhà chúng tôi rất yêu quý", Kelly Foster, 44 tuổi, cư dân Pacific Palisades, cho biết trong khi đào bới đống đổ nát, nơi từng là nhà của bà, khi khói bốc lên từ những ngôi nhà lân cận và máy bay thả nước xuống gần đó. Ada, con gái 16 tuổi của bà Foster, cho biết đã cố gắng vào trong nhưng "không thể làm được gì".
Tại khu phố Palisades của Rick McGeagh, chỉ có 6 trong số 60 ngôi nhà còn nguyên vẹn, và tất cả những gì còn sót lại tại ngôi nhà trang trại của ông là một bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh.
"Những gì còn lại chỉ có tro tàn và đống đổ nát", McGeagh, 61 tuổi, một nhà môi giới bất động sản, cho biết.
Đến sáng 10/1, hàng trăm người đã đổ xô đến một bãi đậu xe gần sân vận động Rose Bowl ở Pasadena để nhận quần áo, tã lót và nước đóng chai được quyên góp.
Denise Doss, 63 tuổi, cho biết bà rất muốn quay lại ngôi nhà bị phá hủy của mình ở Altadena để xem có thứ gì có thể cứu vãn được không, nhưng lực lượng chức năng đã ngăn lại vì lo ngại an toàn.
"Ít nhất là để tạm biệt cho đến khi chúng ta có thể xây dựng lại. Tôi sẽ để Chúa dẫn dắt tôi", bà Doss nói.
Nhiều cư dân Altadena cho biết, họ lo ngại các nguồn lực của chính phủ sẽ được chuyển đến những khu vực giàu có hơn và các công ty bảo hiểm có thể cắt giảm những người không đủ khả năng khiếu nại về việc từ chối yêu cầu bồi thường hỏa hoạn.
Ngoài những người mất nhà, hàng chục nghìn người hiện vẫn chưa có điện và hàng triệu người phải đối mặt với tình trạng chất lượng không khí xấu, vì các đám cháy đã thiêu cháy nhiều kim loại, nhựa và các vật liệu tổng hợp khác.
Thiệt hại hàng tỷ USD
Công ty dự báo tư nhân AccuWeather ước tính thiệt hại và tổn thất kinh tế ở mức từ 135-150 tỷ USD, báo hiệu một sự phục hồi khó khăn và chi phí bảo hiểm nhà ở tăng vọt.
Ủy viên Bảo hiểm California Ricardo Lara đã kêu gọi các công ty bảo hiểm hôm 10/1 đình chỉ các hợp đồng không gia hạn và hủy bỏ các hợp đồng đang chờ xử lý mà chủ nhà đã nhận được trước khi đám cháy bắt đầu và gia hạn thời hạn thanh toán.
Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố đám cháy là một Thảm họa Lớn và cho biết chính phủ Mỹ sẽ chi trả 100% số tiền tái thiết trong 6 tháng tới. Trong cuộc gọi với Thị trưởng Los Angeles Karen Bass và Thống đốc California Gavin Newsom hôm 10/1, ông nhắc lại lời cam kết cung cấp cho California các nguồn lực để dập tắt đám cháy và tái thiết.
"Cuộc chiến này sẽ chưa kết thúc, ngay cả khi mọi đám cháy đã được dập tắt, điều này mới chỉ bắt đầu... Vì vậy, chúng tôi sẽ còn phải tiếp tục hỗ trợ trong một thời gian dài", ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo tại Phòng Bầu dục.