Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản cho biết, những năm qua Bộ NN-PTNT đã dành nhiều nguồn lực, tập trung mũi nhọn vào rau, quả, nhất là các sản phẩm chế biến.
Theo ông Toản, sản phẩm rau quả Việt Nam mang tính đặc thù của nền nông nghiệp nhiệt đới, có tính mùa vụ, bảo quản khó khăn. Khi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, phục vụ xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ... mũi nhọn này cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, Cục trưởng Toản chỉ rõ những yếu tố liên quan đến kỹ thuật, hạ tầng, đầu tư, lực lượng lao động... cần được quan tâm và phát triển đồng bộ. Theo ông, động lực để rau củ quả chế biến vươn xa là từ chính tín hiệu của thị trường.
"Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi rất nhiều, tập trung vào các sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Sau đại dịch, hành vi tiêu dùng của người dân trong và ngoài nước thay đổi. Họ có nhu cầu được tiêu thụ những sản phẩm tinh, chất lượng, linh hoạt, đa dụng, giá trị cao hơn đang phát triển", ông Toản nói. Từ những thay đổi này, ngành nông nghiệp phải có những công nghệ để đáp ứng.
Về vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu, ông Toản cho rằng, các doanh nghiệp lớn cần quan tâm hơn nữa tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX... để đẩy mạnh liên kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các thành tố.
Về chất lượng sản phẩm, ông Toản chú trọng yếu tố công nghệ. Tuy nhiên, để có chất lượng đồng đều, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, nhất là khối trường, vụ, viện.
Một vấn đề nữa được ông Toản đặt ra, là việc quản trị giá thành sản phẩm. Thực tiễn cho thấy, nếu muốn vươn tới kinh tế nông nghiệp, khâu sản xuất, chế biến phải xác định được cấu trúc, giá thành sản phẩm. Nếu không, biên độ lợi nhuận sẽ không rõ ràng, khiến doanh nghiệp chịu phí tổn khi nguyên vật liệu đầu vào, vận chuyển đang ở mức rất cao.
Về rào cản của thị trường, ông Toản đề nghị phải nắm rõ lợi thế của từng thị trường, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin từ thị trường. Từ đó, doanh nghiệp, người dân, HTX sẽ có nhận thức đúng, đưa ra phương pháp đúng và hành động đúng trong thực tiễn.
Song song với kích hoạt xuất khẩu, thị trường tiêu thụ nội địa đối với sản phẩm rau, củ, quả chế biến cũng được Cục trưởng Toản quan tâm. Ông đề nghị cần đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, phân tuyến tiêu thụ ngay từ địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bên cạnh đó, các bên liên quan cần quan tâm tới việc hấp thụ chính sách vào thực tiễn. Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần có chính sách tín dụng phù hợp, tạo điều kiện để các đối tượng này được tiếp cận thuận lợi. Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, cần quan tâm tới giá điện theo vùng miền... Từ những thành tố này, sản xuất sẽ phát triển theo hướng hạ giá thành sản phẩm.
"Thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cho 4 khu vực chế biến như các nhà máy chế biến lớn; cơ sở chế biến vừa và nhỏ; đầu tư vào cơ sở chế biến phế phụ phẩm trong lĩnh vực rau, quả; trung tâm kết nối logistics nông sản", ông Toản bày tỏ.
Dựa trên nguồn lực này, năng lực chế biến, bảo quản mới được phát huy, góp phần giải quyết điểm yếu của nền nông nghiệp nhiệt đới, gắn chặt với sinh kế, quyền lợi của người nông dân - chủ thể chính, xuyên suốt trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp...
"Chúng ta cần làm sâu sắc thêm nội hàm phát triển kinh tế nông nghiệp, đó là sự cầu thị hoàn thiện thể chế, thu hút nguồn lực từ chính thực tiễn cơ sở, sự tự nguyện liên kết hệ sinh thái ngành hàng. Các chủ thể cần đề cao tính chủ động, tự lực, tự chủ, tự cường khi tham gia khâu gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp chế biến, góp phần mang lại lợi ích, lợi nhuận cho bà con nông dân", Cục trưởng Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.