Hơn 300ha chè kinh doanh ở Sơn Kim 2 và Sơn Tây SX theo tiêu chuẩn RA. |
Năm 2019 là năm thứ 60 xí nghiệp (XN) chè Tây Sơn – Cty CP Chè Hà Tĩnh đóng chân trên địa bàn xã Sơn Kim 2. Suốt quãng thời gian dài đó, doanh nghiệp này trở thành cứu tinh cho hơn 1.000 hộ dân xã miền núi khó khăn của huyện Hương Sơn.
Nói không ngoa, nếu không có cây chè, người dân Sơn Kim 2 và một phần của xã Sơn Tây đã không biết đi đâu về đâu khi mà Chính phủ đóng cửa rừng, cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo hoạt động không hiệu quả và ngành nghề phụ trên địa bàn “đóng băng”.
Gần 20 năm trước XN chè Tây Sơn cổ phần hóa cũng là lúc doanh nghiệp chuyển sang liên kết với hộ dân sản xuất (SX) chè theo hướng VietGAP. Việc mạnh tay đầu tư hàng tỷ đồng phát triển bộ giống chè, khoa học công nghệ, con người để thâm canh tăng năng suất, chất lượng đã đưa sản phẩm chè Hà Tĩnh vượt qua biên giới các nước Trung Đông.
Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) hướng đến xây dựng thương hiệu chè Quốc tế (RA). |
Đầu năm 2018 để gia tăng giá trị kinh tế cho cây chè, đưa sản phẩm chè Hà Tĩnh tiến sâu hơn vào thị trường khó tính các nước châu Âu, XN chè Tây Sơn bắt tay xây dựng thương hiệu chè Quốc tế (RA). Tiêu chuẩn này yêu cầu sản phẩm phải đảm bảo ATTP tuyệt đối; bảo vệ môi trường nước, đất, không khí, hệ sinh thái trong vùng SX… tuyệt đối.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc XN chè Tây Sơn nói: “Để lấy được chứng chỉ RA chúng tôi phải hoàn thành 119 tiêu chí, trong đó có khoảng 37 tiêu chí chủ chốt. Hiện đơn vị đã hoàn thành đạt khoảng 80% khối lượng các tiêu chí; trong đó, có những tiêu chí rất khó như: Bảo tồn hệ sinh thái vùng SX; bảo tồn động vật hoang dã vùng đệm; kiểm soát rác, hóa chất dùng trên đất SX chè; bảo vê thiên địch; đảm bảo quyền bình đẳng, nâng cao năng lực tự quản lý SX của người dân; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động…”.
Theo ông Sơn, tiêu chí khó nhằn nhất hiện nay là thay đổi nhận thức xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi đạt quy chuẩn cho 100% hộ SX chè. Thay vì đốt, người dân phải thu gom, phân loại rác thải tái chế và rác thải không thể tái chế; không xả rác thải trực tiếp xuống sông suối, ao hồ. Đối với nước thải phải có hố lắng lọc... Vì thế, vừa qua XN chè Tây Sơn đã hỗ trợ cán bộ xuống “cầm tay chỉ việc” giúp một số hộ xây dựng mẫu hố lắng lọc nước thải. Hiện đã có khoảng 40% hộ xây hố, phấn đấu đến tháng 10/2019 sẽ thực hiện xong tiêu chí này.
Hơn 2.000 lao động trực tiếp SX chè với mức thu nhập khá cao. |
“Bình quân mỗi năm XN thu mua hơn 3.800 tấn chè búp tươi, tương đương 850 tấn chè thành phẩm, cao nhất toàn Cty CP chè Hà Tĩnh. Năm 2018, doanh thu của XN đạt 38,8 tỷ đồng; dự kiến năm 2019 đạt trên 40 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Sơn. |
Nỗ lực lấy chứng chỉ RA của XN chè Tây Sơn không chỉ mở ra cơ hội nâng cao doanh thu cho doanh nghiệp này mà còn tạo sự bề vững cho người SX chè ở Sơn Kim 2 và Sơn Tây.
Khoảng 4 năm gần đây, khi cửa khẩu quốc tế Cầu Treo hoạt động cầm chừng, rừng giao khoán cho dân chủ yếu khoanh nuôi bảo vệ, ngành nghệ phụ không có thì cây chè đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 2.000 lao động ở Sơn Kim 2, Sơn Tây và các xã lân cận như Sơn Kim 1; thị trấn Tây Sơn, Sơn Lĩnh…
Ông Nguyễn Luận SX 8 sào chè kinh doanh ở thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây. Trước đây diện tích này trồng cây màu nhưng hiệu quả thấp nên gia đình ông xin chuyển đổi sang trồng chè.
Mấy tháng nay nắng hạn nhưng bình quân mỗi sào thu hoạch đạt 2,5 tạ chè búp tươi, bán với giá 700 ngàn đồng/tạ, tổng thu nhập mỗi tháng của gia đình ông lên tới 14 triệu đồng.
Ông Luận bảo: “Dân Sơn Kim 2, Sơn Tây bây giờ làm không hết việc. Chỉ cần siêng năng, chăm sóc chè đúng kỹ thuật một chút là có của ăn của để”.
Năng suất chè của XN chè Tây Sơn bình quân đạt 15 tấn/ha/năm; cá biệt một số vùng đạt tới 25 tấn/ha/năm. |