| Hotline: 0983.970.780

Chè Thái Nguyên cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn

Thứ Tư 27/07/2016 , 14:10 (GMT+7)

Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng xuất khẩu chè nhưng chỉ đạt 3,5 - 4 điểm trên thang điểm 10 của thế giới về chất lượng chè xuất khẩu...

15-51-19_2
Cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ góp phần nâng cao chất lượng chè Thái Nguyên

 

Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm chè, tiến đến việc quản lý chặt chẽ về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với quá trình trồng, chăm sóc và chế biến chè, ngành nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện việc ký cam kết đối với một số chủ cơ sở, doanh nghiệp và HTX sản xuất, chế biến chè trên địa bàn.

Thực trạng

Nếu như năm 1997, Thái Nguyên mới có 10.952 ha chè; năng suất bình quân đạt 31,48 tạ/ha; sản lượng chè búp tươi đạt 25.540 tấn; đến năm 2009, diện tích là 17.309 ha, năng suất đạt 98,96 tạ/ha.

Có thể thấy, sau hơn 10 năm, dù diện tích chưa tăng gấp đôi nhưng sản lượng chè đã tăng gấp 4 lần. Chỉ 2 năm sau, hết năm 2011, khi những nương chè kiến thiết chuyển thành nương chè kinh doanh thì Thái Nguyên có gần 18.200 ha chè, tăng 1.141 ha so với 1 năm trước.

Trong đó có trên 16.600 ha chè cho sản phẩm, năng suất đạt gần 109 tạ/ha, cao hơn năm 2010 gần 2 tạ/ha, sản lượng đạt trên 181.000 tấn (gấp hơn 7 lần so với năm 1997). Thời điểm hiện tại, Thái Nguyên có gần 21.000 ha chè, năng suất đạt 111 tạ/ha. Điều đáng nói là diện tích trên vẫn tiếp tục được nâng lên khi số lượng đăng ký trồng mới và trồng thay thế của người dân còn nhiều.

Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng xuất khẩu chè nhưng chỉ đạt 3,5 - 4 điểm trên thang điểm 10 của thế giới về chất lượng chè xuất khẩu. Rõ ràng, việc tổ chức lại sản xuất chè theo hướng an toàn là đòi hỏi cấp thiết để tạo uy tín, nâng cao giá thành, thu nhập cho người làm chè.

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, sản xuất, chế biến sản phẩm chè tại Thái Nguyên đang theo hướng tích cực: Tăng về diện tích, năng suất, sản lượng trong khi đó chất lượng và giá trị cũng ngày càng tăng cao. Giải pháp tập trung phát triển vùng nguyên liệu chè búp tươi chất lượng cao theo hướng cung cấp nguyên liệu chè xanh chất lượng cao đang phát huy hiệu quả và sẽ là giải pháp kinh tế kỹ thuật mang tính cốt lõi trong sản xuất chè an toàn tại Thái Nguyên.

Cam kết

Ông Ngô Văn Hậu, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Thái Nguyên cho biết, về cơ bản, người làm chè, các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè nhận thức tốt về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng để tạo cơ sở trong quản lý Nhà nước thì phải thực hiện tập huấn và ký cam kết. Trong lần đầu thực hiện, toàn tỉnh Thái Nguyên có 55 cơ sở, HTX sản xuất, kinh doanh chè tham gia cam kết.

15-51-19_3
Cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm sẽ góp phần nâng cao chất lượng chè Thái Nguyên
 

Bà Trần Thị Phương, HTX chè Hà Phương, xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, cho biết, những nội dung yêu cầu phải thực hiện đối với cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, quy định về an toàn thực phẩm… không khó để tìm, hiểu biết và đã được thực hiện. Hầu hết người làm chè đều đã được học tập, ứng dụng. Tuy nhiên, buôn có bạn, bán có phường, tập hợp của những người tham gia cam kết như một sự khẳng định hơn nữa chất lượng sản phẩm chè của chúng tôi.

Ông Ngô Văn Hợi, Chủ nhiệm HTX chè Phúc Thành, xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên, phân tích, có cam kết, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có cơ sở để kiểm tra và xử lý. Thực tế đó đòi hỏi người làm chè phải trung thực, tự giác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, cam kết và kiểm tra, xử lý việc thực hiên cam kết chính là thước đo giá trị, chất lượng để các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè cạnh tranh lành mạnh hơn nữa. Xu hướng đó ngày càng mang lại giá trị, chất lượng cao hơn nữa cho sản phẩm chè Thái.

Nội dung cam kết gồm 6 điểm. Trong đó Cơ sở sản xuất kinh doanh chè phải chấp hành đầy đủ các thủ tục quy định tại Luật an toàn thực phẩm; các nguyên liệu để sản xuất có suất xứ rõ ràng; đủ điều kiện đảm bảo ATTP về thiết bị, nhà xưởng, kho; có nhãn sản phẩm đúng quy định và chỉ xuất bán ra thị trường sản phẩm đảm bảo ATTP theo quy định.

Ông Ngô Văn Hậu (Chi cục trưởng chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trách nhiệm của đơn vị là coi các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè là đối tượng phải phục vụ. Tiến tới, Chi cục sẽ tiếp tục thực hiện ký cam kết đối với những cơ sở khác trên địa bàn, đồng thời triển khai việc kiểm tra đảm bảo thực hiện cam kết.

Xem thêm
Nhiều thị trường sẽ 'theo chân' EU về quy định không gây mất rừng

Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ cũng sẽ theo EU bởi đây là xu thế tất yếu trong chuyển đổi xanh, giảm phát thải carbon, hướng đến phát triển bền vững.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.