| Hotline: 0983.970.780

Chè Thái Nguyên xuất khẩu sang Trung Quốc: Tại sao không?

Thứ Sáu 08/11/2019 , 08:43 (GMT+7)

Con số thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là thị trường tiềm năng cho việc xuất khẩu sản phẩm chè của Việt Nam.

07-41-42_che1
Công bố giải thưởng Quốc tế đặc biệt và khen thưởng cho Cty CP chè Tân Cương Hoàng Bình.

Ngược lại với thực tế trên, con số xuất khẩu của vùng thủ phủ Trà Việt - chè Thái Nguyên lại liên tục có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, trước những diễn biến và dự báo đầy khởi sắc từ thị trường lớn Trung Quốc, cả cơ quan quản lý cũng như người làm chè Thái Nguyên xuất khẩu đều đã xây dựng lộ trình để sẵn sàng khai thác tối đa khi thời cơ đến.
 

Chênh lệch

Khi tìm hiểu về việc xuất khẩu chè sang riêng thị trường Trung Quốc, hầu hết các cơ quan chức năng cũng như những doanh nghiệp xuất khẩu chè tại Thái Nguyên đều có rất ít thông tin. Tưởng rằng, với thương hiệu mạnh của mình, chè Thái Nguyên sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong cán cân xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế giá bán của sản phẩm chè Thái đã khiến cho thương hiệu đóng đinh của nó giữ vị thế độc tôn tại thị trường truyền thống trong nước.

Giá chè Thái Nguyên tiêu thụ trong nước luôn cao hơn các vùng chè khác và tương đối ổn định, hiện đang ở mức 150.000 - 280.000 đồng/kg chè thành phẩm đối với sản phẩm loại trung bình; từ 280.000 - 450.000 đồng/kg chè xanh đặc sản; chè đặc sản cao cấp có giá 2.500.000 - 3.000.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá chè xuất khẩu hiện dao động 1,7 - 2,0 USD/kg thùy chủng loại (giá rất thấp so với giá nội tiêu).

Sự chênh lệch lớn về giá như vậy nên có thể lý giải được xu hướng xuất khẩu “êm đềm” của chè Thái Nguyên. Tuy nhiên, với riêng với thị trường Trung Quốc, con số thống kê cho thấy, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu thứ 4 về chè của Việt Nam. Đáng nói, trong 9 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng chè sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018, đạt 3.384,4 USD/tấn, tăng 66,2%.

Qua tháng 10, tình hình càng tươi sáng hơn, chè xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tuy chỉ đạt 1.401 tấn, nhưng giá trung bình rất cao với 4.036 USD/tấn, nên kim ngạch đứng thứ 3 thị trường với 5,65 triệu USD (giảm 22% về lượng nhưng tăng mạnh 190,4% về giá và tăng 126,3% về kim ngạch, sau Pakistan và Nga).

Đánh giá của cơ quan chuyên môn, Trung Quốc còn dư địa rất lớn nên dự báo, tốc độ, giá trị nhập khẩu chè của Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng.
 

Cuộc cạnh tranh lớn

Để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chè thì không nhất thiết phải nhìn vào năng suất, sản lượng. Đánh giá hiệu quả phải dựa vào giá trị của sản phẩm. Nếu chè xuất khẩu với giá 2 USD thì phải mất cả tấn chè mới tương đương được với chỉ 1kg chè mà thị trường quốc tế tiêu thụ.

Mặt khác, nếu tự mãn với giá bán cao gấp nhiều lần so với mức giá xuất khẩu trung bình thì lẽ nào chè Thái đứng im trong bản đồ thị trường truyền thống. Những người đam mê, tâm huyết với thương hiệu chè Thái Nguyên lại không nghĩ như vậy. Và đối với ngay cả thị trường Trung Quốc cũng không là ngoại lệ để họ tìm hiểu và sẵn sàng cạnh tranh khi có cơ hội.

Bà Nguyễn Thị Hiền (Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Chè Hà Thái) cho biết, chất lượng trà Việt, đặc biệt là trà Thái Nguyên không thua kém bất kỳ chè của quốc gia nào. Để nghiên cứu về thị trường của Trung Quốc - cường quốc về chè trên thế giới, bà Hiền đã mang chè của doanh nghiệp sang bán với giá cả triệu đồng/kg.

07-41-42_2
Bà Nguyễn Thị Hiền (Chủ tịch HĐQT Cty CP chè Hà Thái) giới thiệu một số sản phẩm chè.

Bà Hiền cũng bỏ ra không ít tiền để mua các sản phẩm trà của họ về để tìm hiểu. Bà Hiền cho rằng, một số nước đã lấy sản phẩm chè nguyên liệu búp khô xuất khẩu của Việt Nam để đấu trộn, chiết xuất rồi mặc áo, đóng nhãn mác mới. Họ bán với giá gấp hàng chục lần so với giá thu mua. Cái yếu, cái thiếu trong sản phẩm chè xuất khẩu của chúng ta bị tích lũy trong cả quá trình từ trồng, chăm sóc, chế biến đến quảng bá tiêu thụ.

Trong 3 năm liên tiếp, tại cuộc thi Chè quốc tế từ 2016 đến 2018 được tổ chức ở Canada, sản phẩm chè của Cty CP chè Hà Thái và Cty CP chè Tân Cương Hoàng Bình đã xuất sắc vượt qua hàng chục sản phẩm chè tiêu biểu của nhiều quốc gia để giành 3 thứ tự vinh quang nhất là giải đặc biệt, giải vàng và giải bạc.

Bà Trần Thị Phương Thảo (Giám đốc Cty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu Thái Minh, TP Thái Nguyên) cho biết, thành công lớn về thương hiệu như vậy phải tương xứng với vị trí về xuất khẩu trên trường quốc tế. Có rất nhiều những sản phẩm chè của Việt Nam (không phải là chè Thái Nguyên) đang được xuất khẩu với giá 100, 500, 1.000 USD và còn hơn thế nữa. Tại sao lại không tạo ra được nhiều những sản phẩm chè Thái Nguyên có giá cao như vây?

Theo đó, bà Thảo cho rằng, để khai thác thị trường đang khởi sắc như Trung Quốc thì chè Thái phải tạo ra những sản phẩm đủ sức cạnh tranh để đi theo đường chính ngạch. Những cân trà biếu, quà tặng với giá hàng triệu đồng/kg cũng sẽ được xuất khẩu với giá cao công khai. Quan trọng hơn cả là việc sản xuất chè an toàn sẽ phải là xu thế tất yếu, là đòi hỏi cấp thiết để đổi thay phương thức. Chỉ đổi thay mới có sản phẩm chè có giá trị, chất lượng cao, đổi thay mới vươn được ra tầm thế giới. Nếu không thì chỉ bằng lòng chấp nhận giá trị thương hiệu chè Thái Nguyên vốn dĩ đã đứng yên từ bấy lâu nay.

Con đường tất yếu để giành lợi thế được ông Hoàng Văn Dũng (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên) phân tích, dù vẫn xác định nội tiêu là thị trường tiềm năng song hướng đi tất yếu, sống còn trong tương lai của chè Thái Nguyên phải đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc tăng với giá cao sẽ là bàn thắng để ghi điểm lớn thay vì thắng lợi sân nhà như hiện nay. Đệ nhất danh trà phải có vị trí đầu kéo để chè Việt Nam xác lập lại vị trí cao hơn, tương xứng hơn trên thế giới.

Thái Nguyên xác định, tiếp tục đẩy mạnh sản xuất trà xanh chất lượng cao. Một số giải pháp đã được cụ thể như xây dựng, quy hoạch vùng nguyên liệu, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống, đổi mới hình thức sản xuất, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất… Xuyên suốt trong toàn bộ thực tiến sản xuất, nhiệm vụ cốt lõi là phải nâng cao chất lượng theo hướng đảm bảo ATVSTP, phù hợp với tiêu chuẩn và đáp ứng thị hiếu Quốc tế.

Xem thêm
1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

HanoPhavico xứng danh người đồng hành tin cậy của các hộ chăn nuôi

HanoPhavico không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình thay đổi tư duy chăn nuôi theo hướng khoa học, hiệu quả, bền vững.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.