| Hotline: 0983.970.780

Chỉ 2% rác thải được chôn lấp đúng cách

Thứ Hai 08/08/2022 , 21:19 (GMT+7)

Luật Bảo vệ môi trường 2020 không khuyến khích cách xử lý rác theo kiểu chôn lấp, theo Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Nguyễn Quang Huân.

Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Quang Huân chia sẻ tại tọa đàm ngày 8/8.

Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Quang Huân chia sẻ tại tọa đàm ngày 8/8.

Tại Tọa đàm “Công nghệ xử lý rác - Lựa chọn nào phù hợp”, ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, khoảng 70% lượng rác ở nước ta đang xử lý theo hướng chôn lấp. Tuy nhiên, chỉ 2% trong số này được chôn lấp đúng cách, đảm bảo tiêu chuẩn hợp vệ sinh, bãi rác phải thu được nước thải rác.

"Đây là một lý do mà trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 không khuyến khích loại hình chôn lấp này", ông Huân nói.

Chia sẻ về một số phương pháp xử lý rác tiên tiến, ông Huân đề cập đến công nghệ xử lý rác thải để sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ như nhà máy xử lý rác thải ở Quảng Bình. Nhưng công nghệ này gặp điểm nghẽn về tài chính. Ngoài ra, việc phân loại rác bằng tay ảnh hưởng tới sức khỏe người lao động.

Một công nghệ cũng tương đối phổ biến tại Việt Nam, là xử lý rác hữu cơ thành phân compost, phân vi sinh. Giống phương pháp trên, công nghệ này gặp khó bởi công tác phân loại rác chưa được thực hiện, kim loại nặng bị lẫn và chỉ phù hợp bón cho cây công nghiệp. 

Công nghệ đốt rác không phát điện là một hướng đi được nhắc tới khá nhiều vài năm trở lại đây. Hai nhà máy ở Cần Thơ và Hà Nội vừa vận hành phát thử, nhưng bước đầu cho thấy công nghệ này gây ô nhiễm, tức là chỉ làm sạch rác dưới đất và xử lý cho lên không khí.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chung nỗi niềm với công tác phân loại rác thải trước khi xử lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Thượng Hiền nhận xét, tốc độ đô thi thị hóa, đời sống người dân liên tục được nâng cao đã tạo áp lực không nhỏ cho việc phân loại, xử lý rác thải từ các đô thị. Ngược lại, việc phân loại chất thải sinh hoạt, chất thải ngầm tại nguồn chưa tốt.

"Đây là vấn đề khó tháo gỡ bậc nhất hiện nay ở các đô thị", ông Hiền nhấn mạnh.

Ông Hiền thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến trình Thủ tướng quy hoạch về bảo vệ môi trường quốc gia trong tháng 11/2022. Để bản quy hoạch này hiệu quả, lãnh đạo Tổng cục Môi trường cho rằng, cần quy hoạch tốt các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển, vận chuyển rác thải,… và vị trí đặt các nhà máy xử lý rác thải.

Đây là cơ sở để các bên liên quan lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp với tính chất, thành phần và điều kiện tự nhiên của các địa phương, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.

Lấy ví dụ về xu hướng đốt rác tạo điện, ông Hiền đề cao vai trò của việc phân loại rác. "Phân loại rác có thể cháy được thì chắc chắn công nghệ chúng ta sử dụng đốt rác để thu hồi phát điện sẽ tốt hơn khi rác không phân loại", ông bày tỏ.

70% lượng rác ở nước ta đang xử lý theo hướng chôn lấp.

70% lượng rác ở nước ta đang xử lý theo hướng chôn lấp.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thượng Hiền còn đề cập tới 3 yếu tố mà bất cứ công nghệ xử lý rác thải nào cũng cần có. Đó là, phải bảo đảm về công nghệ, môi trường, xã hội. Riêng khía cạnh xã hội, bên cạnh đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn, người dân cũng cần hài lòng với công nghệ sử dụng.

"Rõ ràng, vướng mắc ở đây không phải vấn đề công nghệ mà vấn đề là chúng ta lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp với điều kiện kinh tế, tự nhiên, môi trường từng địa phương. Trong đó, vấn đề đặc biệt được quan tâm là lượng tài chính chi trả cho công nghệ, khả năng triển khai ứng dụng có khả quan, hiệu quả không", ông Hiền chia sẻ.

Cũng trong buổi tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ông Nguyễn Linh Ngọc, Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, vấn đề rác của Việt Nam đã chạm ngưỡng báo động đỏ. Tuy nhiên, hiện các cơ quan vẫn "lúng túng" về công nghệ xử lý, về chính sách và về giá thành.

"Nếu rác thải không được phân loại thì sẽ không thể trở thành tài nguyên. Vì vậy, chúng ta phải cương quyết giải quyết vấn đề này ở cả việc xây dựng chính sách hay vận động, tuyên truyền cho người dân", ông Ngọc nhấn mạnh.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.