Rừng tự nhiên được bảo vệ tốt tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Bắc Giang. |
Đến nay, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bắc Giang đã chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2014 - 2018 cho 6.541 chủ rừng trên địa bàn 2 huyện Yên Thế và huyện Lục Ngạn với tống số tiền là 2.794.573.400 đồng (trong đó: Chi trả cho chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn 1.551.724.500 đồng, hình thức chi trả trực tiếp bằng tiền mặt. Chi trả cho chủ rừng là tổ chức và UBND xã 1.242.848.900 đồng, hình thức chi trả qua tài khoản ngân hàng hoặc kho bạc Nhà nước).
Cụ thể, diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng (đã được quy đổi theo hệ số K) là 15.025,70 ha (trong đó huyện Yên Thế 5.372,93 ha, huyện Lục Ngạn 9.652,77 ha).
Theo đó, huyện Yên Thế tổng số tiền đã chi trả là 1.980.791.900 đồng (trong đó: Chi trả cho chủ rừng hộ gia đình cá nhân trên địa bàn 13 xã, với tổng số tiền là 1.237.359.800 đồng; chi trả cho chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã, với tổng số tiền là 743.432.100 đồng).
Huyện Lục Ngạn tổng số tiền đã chi trả là 813.781.500 đồng (trong đó: Chi trả cho chủ rừng hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn trên địa bàn 07 xã, với tổng số tiền là 314.364.700 đồng; chi trả cho chủ rừng là tổ chức, UBND cấp xã, với tổng số tiền là 499.416.800 đồng).
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã mang lại lợi ích kép. Bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng (cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sản xuất công nghiệp; tổ chức, các nhân kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí) có nguồn nước điều tiết thủy điện, đảm bảo sản xuất điện năng; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch, nước cho sản xuất công nghiệp; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng...
Bên cung ứng rừng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng; UBND cấp xã và tổ chức khác được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng), có thêm nguồn thu nhập, góp phần cải thiện đời sống.
Từ đó, các chủ rừng cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên rừng tự nhiên hiện có, nguồn tài nguyên vô giá của đất nước.