| Hotline: 0983.970.780

Chia sẻ rủi ro với ngư dân

Thứ Ba 23/12/2014 , 11:12 (GMT+7)

Để chia sẻ rủi ro với ngư dân, Bình Định đã thành lập Quỹ hỗ trợ ngư dân góp phần đắc lực hỗ trợ, chia sẻ khó khăn...

Lý do vì có nhiều tàu cá của ngư dân tỉnh Bình Định gặp tai nạn trên biển, nặng thì chìm tàu, nhẹ thì tàu hư hỏng nặng, có trường hợp bị mất mạng. 

Bình Định là một trong những tỉnh có đội tàu cá khai thác xa bờ lớn nhất nước với trên 7.344 chiếc, trong đó có 2.744 tàu có công suất từ 90 CV trở lên, cùng 21.800 thuyền viên thường xuyên hoạt động khai thác, đánh bắt khơi xa với các nghề: Câu cá ngừ đại dương, lưới vây ngày, lưới vây đêm, câu mực...

Những năm gần đây, ngư dân đã chú trọng đầu tư nâng công suất tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ và lắp đặt các thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động khai thác hải sản xa bờ.

Để ngư dân có thể hỗ trợ nhau trên biển, ngành nông nghiệp Bình Định đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân và chính quyền các địa phương ven biển trong tỉnh thành lập các tổ đoàn kết khai thác hải sản.

Đến nay, ngư dân Bình Định đã thành lập được 318 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 1.144 tàu tham gia. Ngoài ra, riêng tại huyện Hoài Nhơn - huyện phát triển mạnh nghề đánh bắt hải sản và có số tàu cá đánh bắt khơi xa chiếm đến 50% số tàu cá ở tỉnh này đã thành lập được 1 HTX khai thác hải sản với 6 tàu cá tham gia.

Nhờ hỗ trợ, chia sẻ nhau trong việc tìm kiếm nguồn lợi thủy sản và hỗ trợ trong việc đảm bảo an toàn tàu cá, hầu hết các tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển đều hoạt động rất hiệu quả.

Tuy vậy, nghề đánh bắt hải sản trên biển ở Bình Định vẫn còn “nhức nhối” là còn khá nhiều tàu cá có công suất nhỏ, cũ kỹ, không đủ khả năng chịu đựng sóng to gió lớn, nhất là khi xảy ra bão tố, dễ dẫn đến tai nạn khi hoạt động khai thác trong mùa mưa bão.

Càng đáng lo ngại hơn khi trong bối cảnh do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên thời tiết ngày càng “đỏng đảnh”. Thực tế, trong những năm gần đây thời tiết, khí hậu trên biển ngày càng diễn biến phức tạp, mỗi năm có rất nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện, không theo quy luật, rất khó dự báo, nên ngư dân thường xuyên bị rủi ro rình rập khi đang hoạt động khai thác, đánh bắt trên biển.

Đầu tháng 7/2013 Bình Định bắt đầu vận động thành lập Qũy hỗ trợ ngư dân nhằm chia sẻ phần nào khó khăn với những tàu cá rủi ro bị nạn trên biển để giúp ngư dân sớm ổn định đời sống.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp thêm kinh phí vào Quỹ hỗ trợ ngư dân, đồng thời thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ ngư dân, nhất là những gia đình gặp rủi ro trên biển để kịp thời giúp bà con vượt qua khó khăn, yên tâm ra khơi bám biển SX”, ông Nguyễn Hữu Hào khẳng định.

“Điều đáng mừng là từ khi thành lập đến nay, Quỹ hỗ trợ ngư dân Bình Định đã thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh”, ông Nguyễn Hữu Hào, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Định cho biết.

Theo ông Hào, đến nay Quỹ đã nhận được sự đóng góp, hỗ trợ của 26 tổ chức và 50 gia đình ngư dân trong và ngoài tỉnh với tổng số tiền trên 5,912 tỷ đồng. Đáng chú ý là Chi nhánh Ngân hàng NN-PTNT Bình Định là đơn vị đầu tiên và cũng là thành viên sáng lập Quỹ đã đóng góp 1 tỷ; tiếp đến, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) hỗ trợ 1,2 tỷ; TCty SATRA hỗ trợ 500 triệu; Bảo Việt Bình Định 100 triệu...

Năm 2014, Quỹ hỗ trợ ngư dân Bình Định đã thực hiện 3 đợt hỗ trợ ngư dân. Trong đó, tháng 6/2014 hỗ trợ 3 tàu cá của ngư dân gặp tai nạn trên biển bị thiệt hại nặng, mỗi tàu 50 triệu đồng và hỗ trợ cho 30 tàu trong chương trình phát động phong trào vươn khơi bám biển, mỗi tàu 5 triệu đồng.

Tháng 7/2014, hỗ trợ 3 tàu ngư dân bị thiệt hại nhẹ, mỗi tàu 10 triệu đồng. Tháng 11 vừa qua, Quỹ tiếp tục hỗ trợ cho 2 hộ gia đình có ngư dân bị chết do tai nạn trên biển, mỗi hộ 5 triệu; hỗ trợ cho 21 thuyền viên bị chìm tàu được cứu sống, mỗi thuyền viên 2 triệu... Sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ ngư dân đã góp phần giúp những trường hợp gặp nạn vượt qua khó khăn.

Để đảm bảo an toàn cho ngư dân, ngành nông nghiệp Bình Định đã củng cố lực lượng phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) chuyên ngành thủy sản; phối hợp với Đài Thông tin duyên hải Quy Nhơn tổ chức phổ biến, tập huấn hướng dẫn ngư dân các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và tổ chức sản xuất khai thác theo tổ, đội đoàn kết.

Sở NN-PTNT Bình Định đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với ngành chức năng thường xuyên cung cấp cho các địa phương ven biển địa chỉ và thông tin liên lạc của thường trực Ban chỉ huy PCTT-TKCN chuyên ngành thủy sản tỉnh; các điểm neo đậu tàu thuyền trú tránh bão để chính quyền địa phương thông báo cho ngư dân biết.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Phân biệt rõ giữa thương lái và 'cò lúa'

CẦN THƠ Doanh nghiệp mua lúa qua thương lái, nông dân bán lúa cho thương lái để lấy tiền mặt. Vì vậy, cần xem thương lái là đối tác đồng hành trong chuỗi lúa gạo.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.