| Hotline: 0983.970.780

Chiến tranh mạng và Luật An toàn thông tin

Thứ Ba 07/04/2015 , 06:20 (GMT+7)

Ngày 6/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp thảo luận về Luật An toàn thông tin. 

Trong bối cảnh thế giới thông tin mạng bùng nổ, các thành viên UBTVQH cho rằng Luật phải được xây dựng trên cơ sở bảo vệ an ninh thông tin quốc gia…

Tội phạm mạng phổ biến

Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin- Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, Internet đã trở thành trung tâm của nền kinh tế - xã hội mọi quốc gia, nhưng cũng là môi trường cho những mối đe dọa mới. 

Đó là việc lợi dụng Internet để truyền, lưu trữ, phát tán thông tin sai trái, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; là lừa đảo trên mạng, tấn công từ chối dịch vụ, phát tán mã độc hại, đánh cắp thông tin hay phá hoại dữ liệu...

Những hành động trên không dừng lại ở từng cá nhân mà phát triển thành các tổ chức tầm quốc gia, sử dụng mạng để đánh cắp, thỏa hiệp hoặc phá hủy dữ liệu quan trọng của quốc gia khác.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, việc tấn công vào các trang thông tin, cổng thông tin điện tử và dịch vụ trực tuyến ở Việt Nam được dàn dựng bởi các nhóm tội phạm đang ngày càng phổ biến. Đó là nhóm tội phạm khủng bố, tình báo nước ngoài và quân đội của một số nước nhằm xâm hại lợi ích của Việt Nam trên mạng. 

Từ các thách thức đó đòi hỏi Việt Nam cần có các quy định pháp lý về an toàn thông tin để nội luật hóa những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3 cấp độ an ninh mạng

Phần lớn nội dung của dự thảo Luật tập trung quy định về bảo đảm an toàn thông tin trên mạng (bao gồm mạng viễn thông và mạng internet).

Việc bảo vệ thông tin được thu thập, lưu giữ, phổ biến qua các hình thức khác đã hoặc sẽ được quy định trong các văn bản pháp luật khác (như Luật Bưu chính, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước…).

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra dự án Luật đề nghị làm rõ mối quan hệ giữa an toàn thông tin với an ninh thông tin; giữa bảo đảm an toàn thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với an ninh thông tin trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa đặt vấn đề, theo tờ của Chính phủ, một trong những mục đích ban hành Luật An toàn thông tin là để bảo đảm an ninh quốc gia.

Vậy mục đích xây dựng Luật có làm an ninh thông tin hay không? Nội dung dự thảo Luật cũng đã có nội hàm liên quan đến an ninh thông tin?

“Vừa rồi, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-132) đã thảo luận và có Nghị quyết về chiến tranh mạng. Quốc tế cũng chưa đưa ra định nghĩa chung về chiến tranh mạng, song nội hàm của Nghị quyết này đề cập đến vấn đề an ninh thông tin. Vậy trong Luật An toàn thông tin có điều chỉnh, cập nhật theo tinh thần của IPU-132 vừa rồi hay không?”, ông Khoa đặt câu hỏi.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội K’Sor Phước cũng nêu câu hỏi, phải chăng, an toàn thông tin đã bao gồm cả an ninh thông tin?

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, những nội dung quy định về bảo vệ hệ thống thông tin, các cấp độ bảo vệ thông tin như dự thảo luật là “không ổn và chưa đủ”.

Không chỉ là bảo đảm an ninh quốc phòng, việc bảo đảm an ninh thông tin trong lĩnh vực kinh tế cũng rất quan trọng, đặc biệt là khi hệ thống quản trị tài chính, hệ thống điều khiển điện mà sau này có cả điện hạt nhân bị xâm nhập trái phép cũng rất nghiêm trọng.

Ông K’sor Phước đề nghị, dự thảo Luật cần nêu rõ cấp độ an toàn trên từng lĩnh vực thông tin.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách QH Phùng Quốc Hiển cũng đề xuất, cần chỉ rõ 3 cấp độ an toàn thông tin trên mạng.

Cấp độ thứ nhất là có sự vi phạm về an toàn thông tin. Cấp độ thứ hai là xung đột thông tin gây tổn thất. Cấp độ thứ ba là chiến tranh mạng. Khi đã chỉ rõ từng cấp độ như vậy mới có thể quy định các điều luật cụ thể tương ứng để bảo đảm an toàn thông tin trên mạng.

Luật phải tôn trọng bí mật thông tin cá nhân

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân là một vấn đề phức tạp nên quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng phải là một nội dung cơ bản, quan trọng nhưng quy định trong dự thảo Luật có dung lượng và nội hàm còn nhiều hạn chế.

“Cách giải thích thuật ngữ cũng như nội dung quy định tại chương này chưa có sự phân biệt trong việc thu thập, xử lý, sử dụng các thông tin do cá nhân thực hiện khai báo theo yêu cầu của tổ chức cung cấp dịch vụ (thu thập thông tin) với các thông tin cá nhân do cá nhân chủ động đưa lên mạng (ví dụ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, hình ảnh…).

Do vậy, chưa thể hiện được một cách toàn diện trách nhiệm của tất cả các bên liên quan trong việc bảo vệ, bảo đảm an toàn đối với từng loại thông tin này”, ông Dũng khẳng định.

Dự thảo Luật cũng chưa chỉ ra được những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân cũng như chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Hơn nữa theo các quy định liên quan tại dự thảo Luật thì có thể hiểu quy định này chỉ tập trung vào các việc bảo vệ các thông tin cá nhân trên mạng được nắm giữ và xử lý bởi các tổ chức, cá nhân với mục đích thương mại, kinh doanh.

Còn đối với việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân nhằm các mục đích khác hoặc do các cơ quan nhà nước nắm giữ, xử lý lại chưa rõ cơ chế bảo vệ như thế nào.

Ông Dũng đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định có tính khả thi hơn về bảo vệ thông tin cá nhân trên cơ sở Bộ luật Dân sự, kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bảo vệ quyền thông tin

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng cần phải làm rõ khái niệm, nội hàm của an toàn, an ninh thông tin.

Vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến mạng thông tin còn để trống, chưa biết làm thế nào.

“Trong dự thảo Luật đề cập đến việc cấm các cơ quan cản trở trái pháp luật quyền thông tin, vậy cản trở đúng pháp luật là cản trở như thế nào?

Cơ quan, tổ chức nào có quyền cản trở và khi nào thì cản trở? Dự thảo Luật chưa đề cập đến vấn đề ai có quyền tự vệ khi bị tấn công?”, ông Ksor Phước đặt vấn đề.

Về các hành vi bị cấm, ông Ksor Phước đề nghị cần phải làm rõ thêm vì “có cơ quan, tổ chức lợi dụng công cụ này để tò mò, khai thác bí mật của cơ quan khác hoặc của cá nhân”.

Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm