| Hotline: 0983.970.780

Chính phủ cần có giải pháp căn cơ để ngư dân sinh kế lâu dài

Thứ Năm 30/06/2016 , 08:30 (GMT+7)

PV NNVN đã ghi nhanh một số ý kiến của ngư dân xung quanh sự kiện “nóng” cá chết ven biển miền Trung suốt gần 3 tháng qua.

Theo kế hoạch dự kiến, chiều 30/6, Văn phòng Chính phủ sẽ chủ trì họp báo công bố thông tin nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết ở vùng biển các tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế).

PV NNVN đã ghi nhanh một số ý kiến của ngư dân xung quanh sự kiện “nóng” suốt gần 3 tháng qua.

Mong rõ nguyên nhân

Là ngư dân bản địa, theo ông bà, cha mẹ ra biển từ lúc còn nhỏ, lớn lên vợ chồng anh Nguyễn Xuân Tuấn, chị Nguyễn Thị The, thôn 2 Tân Phúc Thành, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tiếp tục bám biển mưu sinh.

Gia đình 6 miệng ăn trông chờ vào con tôm, con cá ngày ngày anh Tuấn đánh bắt gần bờ. Mấy chục năm trôi qua, tuy cuộc sống không khá giả nhưng nhờ đi biển vợ chồng anh cũng tích góp được tiền làm nhà, nuôi con cái ăn học.

Đùng một cái giữa tháng 4/2016 tôm, cá ngoài biển chết chưa rõ nguyên nhân, cả gia đình cũng neo thuyền lên bờ thở dài than ngắn, thiếu thốn đủ bề.

Chị The cho biết, trước khi cá chết, bình quân mỗi ngày anh Tuấn đánh bắt được 40 – 50kg cá, mực. Giá bán thời điểm đó dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg.

Thế nhưng sau sự cố biển chết, cá cũng không còn để đánh bắt mà có đánh bắt được về bán cũng không ai mua. Neo thuyền vào bờ một thời gian, khó khăn quá anh Tuấn lại ra biển, nhưng bây giờ mỗi ngày chỉ đánh được 3 – 5kg; giá cá, mực giảm xuống còn 50.000 – 70.000 đồng/kg, trừ chi phí số tiền còn lại không đủ trang trải qua ngày.

17-18-19_2
Dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều biện pháp ổn định sinh kế nhưng đời sống ngư dân Hà Tĩnh thời gian vừa qua vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn

 

“Người dân thị xã Kỳ Anh nhìn vào biển để sống, ruộng đất hầu hết đã nhường cho Cty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh làm dự án, bây giờ biển lại bị đầu độc coi như kế sinh nhai của dân bị chặn đứng. Dân chúng tôi thiệt thòi quá nhiều”, chị The bày tỏ.

Chị The cho biết, bây giờ chỉ mong Chính phủ công bố nguyên nhân, thủ phạm đầu độc biển, tránh gây bức xúc, hoang mang thêm cho người dân.

Cần sinh kế lâu dài

Liên quan đến vấn đề sinh kế, hầu hết ngư dân đều kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ, lâu dài để bà con ổn định cuộc sống.

Theo đó, ngư dân Trần Thị Thủy, thôn Long Hải, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà nói: “Dù rất nóng lòng muốn biết nguyên nhân cá chết nhưng chúng tôi tự bảo nhau không được nghe theo những ý kiến kích động, xúi giục biểu tình hay tụ tập đông người. Mấy ngày nay chúng tôi cứ ngóng lên màn hình ti vi chờ Chính phủ công bố kết quả. Thật sự giờ ngư dân chỉ muốn biết biển khi nào sạch, khi nào dân có thể an tâm ăn cá”.

17-18-19_3
Kể từ khi xảy ra hiện tượng cá chết, cảng cá Thạch Kim không còn cảnh nhộn nhịp kẻ bán người mua, tàu thuyền ra vào

 

Gia đình chị Thủy có 8 người, chủ yếu sống bằng nghề biển nhưng từ ngày biển “chết” cả gia đình sống nhờ 22kg gạo hỗ trợ của Nhà nước.

Còn chị Nguyễn Thị Lan Bích, chủ cơ sở đông lạnh Lan Bích, xóm Xuân Phương, xã Thạch Kim cho rằng: Chính phủ hỗ trợ cho ngư dân và những người làm dịch vụ hậu cần nghề cá thêm phần nào quý phần đó nhưng quan trọng nhất là sau này làm sao biển sạch trở lại để dân tiếp tục sinh sống.

Nếu nguyên nhân cá chết là do các nhà máy xả thải như lâu nay đồn đoán thì doanh nghiệp hãy có trách nhiệm với ngư dân, các hộ kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, vì sau vụ cá chết thiệt hại là không đo đếm được. Tiền bạc hỗ trợ bao nhiều rồi cũng ăn hết, chỉ mong Chính phủ có hướng khắc phục triệt để, xử lý thỏa đáng những tổ chức, cá nhân đã đầu độc biển.

17-18-19_4
Chị Thủy (đội nón) và rất nhiều ngư dân Thạch Kim kiến nghị Chính phủ thông tin chính xác cho dân biết khi nào biển sạch, người dân có thể an tâm ăn cá

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.