| Hotline: 0983.970.780

Chính phủ đã lường hết những tác động của tái cơ cấu ngân hàng

Thứ Sáu 28/09/2012 , 09:49 (GMT+7)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đột biến trong tháng 9, khởi tố một số cá nhân liên quan đến hoạt động ngân hàng… là những vấn đề được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam trả lời tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 27/9.

* Khởi tố nguyên Chủ tịch ACB Trần Xuân Giá

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng đột biến trong tháng 9, khởi tố một số cá nhân liên quan đến hoạt động ngân hàng… là những vấn đề được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam trả lời tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều qua (27/9).

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ cùng ngày, Chính phủ đã thảo luận về tình hình KT-XH 9 tháng đầu năm và những giải pháp điều hành từ nay đến cuối năm. Theo đó, kinh tế đã có những điểm sáng, đặc biệt là lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Đến hết 9 tháng, giá trị SX toàn ngành này ước tăng gần 4%, trong đó nông nghiệp tăng 2,9%, lâm nghiệp tăng 6,2% và thủy sản tăng 5,3%.

Tuy nhiên, kinh tế vĩ mô còn tiếp tục khó khăn, mức tăng trưởng chậm. Trong đó, CPI tháng 9, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng đột biến với 2,26%, sau nhiều tháng giảm liên tiếp. Chính phủ đánh giá, nguyên nhân là do giá xăng tăng liên tiếp trong thời gian gần đây, đồng thời tháng 9 là tháng khai giảng năm học mới, cũng như viện phí đồng loạt tăng.

“Chính phủ cho rằng đây là một trong những rào cản trong việc thực hiện tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm để hoàn thành mục tiêu Quốc hội giao. Tuy vậy, Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan đã thống nhất nhiều biện pháp, trong đó có tăng cường giám sát, quản lý giá cả thị trường, giãn biên độ tăng giá xăng dầu, điện và một số mặt hàng thiết yếu. Đồng thời, có biện pháp điều hành chính sách linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng”, ông Đam nói.


Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam

Liên quan đến việc tái cơ cấu ngân hàng, người đứng đầu VPCP cho biết, Cơ quan CSĐT (Bộ Công an) đã công bố việc khởi tố 4 bị can nguyên là lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Á Châu (ACB) với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165 Bộ luật Hình sự). Các bị can gồm ông Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT ACB), Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT ACB).

Liên quan đến thủy điện Sông Tranh 2, ông Vũ Đức Đam cho biết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành liên quan. Đồng thời, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cũng kết luận là công trình đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, hiện Chính phủ vẫn chưa cho phép công trình thủy điện này tích nước.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc khởi tố ông Trần Xuân Giá ảnh hưởng thế nào đến các hoạt động ngân hàng và tiền tệ, ông Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã tính toán tất cả các khả năng và khẳng định, việc khởi tố ông Trần Xuân Giá nói riêng, khởi tố và bắt tạm giam đối với một số cá nhân liên quan đến hoạt động ngân hàng là chuyện hết sức bình thường, không ảnh hưởng đến chính sách điều hành tiền tệ và quyền lợi của người gửi tiền tại các ngân hàng thương mại.

“Ai cũng là công dân bình thường, mọi người đều phải chấp hành pháp luật, ai có công lao đóng góp cho đất nước thì Đảng và Nhà nước ghi nhận, nhưng nếu có sai phạm thì phải chịu trách nhiệm như mọi công dân khác theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, ông Đam nói.

Cũng theo ông Đam, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất chặt chẽ, đặc biệt là điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm thâu tóm ngân hàng, gây mất ổn định chính sách tiền tệ. Về đường lối xử lý vụ án, ông Đam cho biết ngành công an đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng như Viện KSND, tòa án, ngân hàng, tuyên giáo… thực hiện tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và trong quá trình điều tra đảm bảo khách quan, công tâm, thận trọng, minh bạch, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Công bố khởi tố ông Trần Xuân Giá

Chiều 27/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã công bố việc khởi tố 4 bị can, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng ACB với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 165 BLHS).

Các bị can gồm Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB), Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB). 

4 cựu lãnh đạo ngân hàng bị cơ quan điều tra cho rằng đã ra chủ trương ủy thác cho nhân viên dùng tiền của ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi của họ là đồng phạm với 2 người bị bắt trước đó là cựu TGĐ Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải và nguyên phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Nguyễn Đức Kiên.

Bộ Công an cho biết, quá trình điều tra vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TP.HCM và Hà Nội đã xác định Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt gần 719 tỷ đồng của ACB. Đây là khoản tiền gửi vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM để hưởng lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 3,7 đến 8% một năm.

Bộ Công an đánh giá, những việc làm của các thành viên thường trực HĐQT ACB đã sai quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và Thông tư của Ngân hàng Nhà nước. Việc này được cho là gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn chính sách tiền tệ của Chính phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho ACB gần 719 tỷ đồng.

Ông Trần Xuân Giá từng làm Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 1997-2002. Rời cương vị này, ông làm cố vấn cấp cao của Thủ tướng, rồi ủy viên Hội đồng Quốc gia về giáo dục. Từ 1/10/2006, theo quyết định của Thủ tướng, ông Giá nghỉ hưu, thôi làm Trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng. Ông gia nhập ACB từ tháng 11/2006, một tháng sau khi nhận quyết định nghỉ hưu. Tháng 3/2008, ACB thông báo Đại hội cổ đông đã bầu cựu bộ trưởng làm Chủ tịch HĐQT. Ngày 16/9, ACB công bố thông tin chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Giá.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị: Điều tra, xử lý nghiêm hành vi gây cháy rừng

Ngày 28/4, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đã có buổi làm việc với tỉnh Hà Giang về tình hình sản xuất nông nghiệp và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Ùn tắc bến phà ra đảo Cát Bà dịp 30/4 và 1/5

HẢI PHÒNG Ngày 28/4, hàng nghìn người đã ùn ùn đổ về bến phà Đồng Bài để ra đảo Cát Bà khiến giao thông tắc nghẽn.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm