| Hotline: 0983.970.780

Chính quyền không nghiêm, doanh nghiệp khinh nhờn pháp luật

Thứ Hai 18/01/2021 , 19:45 (GMT+7)

2 nhà máy xử lý rác thải VietStar và Tâm Sinh Nghĩa ở huyện Củ Chi, TP.HCM cố tình sai phạm gây ô nhiễm nhưng chính quyền không có giải pháp xử lý triệt để...

Bộ ngành biết, tỉnh thành biết, doanh nghiệp vẫn sai phạm?

Theo Nghị quyết 03 ngày 11/6/2017 của HĐND TP.HCM, giai đoạn 2017-2020, TP.HCM phấn đấu xây dựng thành phố thông minh “xanh, sạch, đẹp”; tập trung kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi ô nhiễm không khí, tiếng ồn, chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, không chấp nhận công nghệ chôn lấp chất thải rắn theo phương thức, công nghệ không hợp vệ sinh. Phải biến rác thải thành những sản phẩm tái chế, điện năng hoặc những sản phẩm đáp ứng được các hoạt động của thành phố.

Mặc dù vậy, 2 nhà máy thu gom, xử lý rác thải rắn của công ty Vietstar và Tâm Sinh Nghĩa vẫn đứng ngoài chủ trương, Nghị quyết của UBND TP. Nhiều năm qua, TP cứ chỉ đạo, dân kêu cứ kêu, xã huyện kiến nghị cứ kiến nghị, còn doanh nghiệp vẫn điệp khúc “sẽ kiểm tra xử lý”, và ô nhiễm cứ hoàn ô nhiễm. Thậm chí, đoàn công tác Bộ TN-MT vào tận nơi kiểm tra, kết luận 2 công ty này hoạt động quá công suất thiết kế, nhưng không điều chỉnh, trái lại, còn tăng công suất thu gom.

Cụ thể, theo kết luận thanh tra năm 2018 của Bộ TN-MT, Công ty Cổ phần Vietstar có công suất thiết kế 1.400 tấn rác/ngày. Nhưng trên thực tế, lượng rác công ty tiếp nhận mỗi ngày lên đến 1.800 tấn (vượt 28,5%). Bộ TN-MT đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Vietstar, đồng thời yêu cầu khắc phục.

Một góc nhà máy xử lý rác thải công ty Tâm SInh Nghĩa Củ Chi. Ảnh: Nguyễn Tiến.

Một góc nhà máy xử lý rác thải công ty Tâm SInh Nghĩa Củ Chi. Ảnh: Nguyễn Tiến.

Tuy nhiên, công ty Vietstar không những không chấn chỉnh, khắc phục, mà tiếp tục sai.

Ngày 29/7/2020, Tổng cục Môi trường kiểm tra việc thực hiện kết luận thì nhận thấy công ty chưa thực hiện triệt để các yêu cầu. Ngày 16/12/2020, Tổng cục Môi trường tiếp tục đến kiểm tra tình trạng ô nhiễm theo đơn phản ánh và việc khắc phục vi phạm. Phát hiện khối lượng chất thải rắn công ty đang tiếp nhận hàng ngày đã tăng khoảng 2.000 tấn/ngày.

Hiện, công ty đang chứa khoảng 160.000 tấn chất thải rắn tại 2 bãi lưu chứa ngoài trời, tổng diện tích khoảng 3,2ha (32.000 m2), được che bằng bạt HDPE, nước rỉ rác từ 2 bãi được thu gom qua rãnh. Tuy nhiên, nhiều vị trí không được phủ kín, khiến nước rỉ rác thẩm thấu trực tiếp xuống đất.

Tại nhà máy xử lý rác thải của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, cũng theo Kết luận Thanh tra năm 2018 của Tổng cục Môi trường, công suất thiết kế của công ty là 1.000 tấn/ngày. Nhưng tại thời điểm kiểm tra, lượng rác thải công ty tiếp nhận mỗi ngày là 1.200 tấn, vượt công suất thiết kế 20%.

Mặc dù Tổng cục Môi trường đã yêu cầu Tâm Sinh Nghĩa có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, nhưng đến tháng 7/2020, công ty này vẫn chưa thực hiện triệt để. Không những thế, cuối tháng 12/2020, Tổng cục Môi trường quay lại kiểm tra khu vực xử lý chất thải tại công ty Tâm Sinh Nghĩa thì nhận thấy lượng rác tiếp nhận mỗi ngày tại đây tiếp tục tăng, lên đến 1.300 tấn/ngày.

Hiện, bãi rác ngoài trời của công ty này đang có khoảng 240.000 tấn trên diện tích khoảng gần 6,4ha (63.750m2) và che phủ bằng bạt HDPE. Tương tự Vietstar, bãi rác của công ty Tâm Sinh Nghĩa có nhiều khu vực không được che phủ kỹ, chất thải lộ thiên, nước rỉ rác một phần thấm trực tiếp xuống đất, phần lớn còn lại chảy ra hồ trong khuôn viên công ty. Hồ này không lót đáy và không có trong hồ sơ công trình bảo vệ môi trường mà công ty đã được phê duyệt.

Ô nhiễm trầm trọng 

Ông Trần Đức D., ở thôn Mỹ Khánh A, xã Thái Mỹ, cách nhà máy xử lý rác thải Vietstar chừng 1km, cho biết, bãi rác của công ty này rộng mênh mông, riêng con đường bao quanh nhà máy dài tới hơn 3km. Suốt tuyến đường nước đen ngập ngụa, có những đoạn rác dơ dớp vương vãi đầy đường, ruồi muỗi bu đen, xung quanh nhà máy này không có mảnh ruộng nào canh tác được. “từ ngày có nhà máy rác này, trồng con gì, cây gì cũng không sống nổi, chỉ mỗi cây tràm là trồng được. Dù ở cách nhà mấy cây số, chỉ cần có gió là mùi hôi thối nồng nặc xộc vào mũi”, ông D. nói.

Đứng từ xa có thể thấy “núi” rác lộ thiên của Vietstar được che chắn sơ sài, tường bao ngăn mùi thấp, hàng rào bằng cây trồng bao quanh nhà máy èo uột, nhiều cây đã chết. “Họ không che bạt kín rác, nên mưa xuống là nước 1 rỉ rác chảy tràn ra ngoài đen thui, bốc mùi nặng. Nước chảy xuống kênh Thầy Cai, làm nước kênh cũng đen thui. Chúng tôi phản ánh, kêu cứu nhiều rồi, thấy xã cũng bức xúc, mà không thấy biến chuyển gì” ông D. nói.

Tương tự, ông Trần Đình H., cùng ở thôn Mỹ Khánh A, bức xúc nói: “ Ngoài việc phải chịu mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm, chúng tôi còn không dám dùng nước giếng khoan ở đây vì sợ ô nhiễm, bệnh tật. Nước giếng khoan có mùi, hôi, tanh, mặc dù đã được lọc. Giờ ngay cả nước tắm cũng phải nấu chín, chứ nếu không nấu sôi, tắm xong sẽ bị ngứa, da nổi mẩn đỏ”.

Khu vực chứa rác ngoài trời của công ty Vietstar. Ảnh: Nguyễn Tiến.

Khu vực chứa rác ngoài trời của công ty Vietstar. Ảnh: Nguyễn Tiến.

Người dân ở thôn Mỹ Khánh A cho biết, tình trạng ô nhiễm nguồn nước kéo dài mấy năm nay và có xu hướng ngày càng nặng hơn. Trước đây, nước giếng khoan đã có mùi lạ, nhưng người dân vẫn dùng nấu ăn, nhưng giờ mùi tanh đã nồng hơn rất nhiều.

Trước những phản ánh của người dân, UBND xã Thái Mỹ đã tổ chức cuộc họp với đại diện công ty Vietstar. Trong cuộc họp này, bà Lê Ngọc Thanh Tuyền, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Mỹ nêu: qua phản ánh của bà con nhân dân trên địa bàn xã Thái Mỹ, nhất là người dân các ấp Mỹ Khánh A, Mỹ Khánh B, Bình Thượng 1, Bình Thượng 2, hiện mùi hôi phát sinh tại khu vực bãi rác Vietstar gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt hàng ngày của người dân xung quanh công ty. Yêu cầu công ty Vietstar có biện pháp xử lý, khắc phục, hạn chế mùi hôi, không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn xã.

Tuy nhiên, các công ty này luôn biện minh, khẳng định dùng công nghệ hiện đại, các chế phẩm xử lý nhập từ nước ngoài…và cho rằng, khu xử lý chất thải rắn Tây Bắc có nhiều đơn vị xử lý rác khác đang hoạt động, không thừa nhận việc ô nhiễm là do công ty gây ra.

Được biết, công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa là một doanh nghiệp lớn, có cơ sở, nhà máy xử lý rác thải ở nhiều nơi như Hà Nam, Long An, TP.HCM. Năm 2019, công ty này đã khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc Củ Chi.

Trước đó, công ty Vietstar cũng khởi công một nhà máy tương tự. Mặc dù vậy, tình trạng ô nhiễm, vi phạm do 2 công ty này gây ra đang khiến người dân địa phương bức xúc.

Theo Kết luận thanh tra của Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT, 2 công ty nói trên đã có những vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường kéo dài từ 2018 tới nay. Không những chưa khắc phục triệt để, mà còn tăng mức vi phạm (vượt công suất so với thiết kế). Bộ TN-MT đề nghị UBND TP.HCM tổ chức đánh giá lại ngay hiệu quả xử lý chất thải rắn của 2 công ty và yêu cầu nghiêm túc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm