| Hotline: 0983.970.780

Chính sách đối phó Trung Quốc của Biden = Obama + Trump

Thứ Ba 10/11/2020 , 11:07 (GMT+7)

Đài VOA tiết lộ danh sách các cố vấn tiềm năng của Tổng thống đắc cử Joe Biden, đồng thời đưa ra những nhận định về chính sách đối ngoại mới của Mỹ sắp tới.

Dùng lại bộ máy Obama?

Theo đó, các nhân vật được cho là sẽ nắm giữ những vị trí then chốt trong chính sách đối ngoại dưới thời chính phủ của ông Joe Biden bao gồm cựu Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken, cựu Đại sứ tại LHQ Samantha Power, cựu Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell , Phó giám đốc Trung tâm An ninh Mỹ Mới Ely Ratner, các cựu cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, Susan Rice và Thomas Donilon.

Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới triều ông Joe Biden được nhận định là sẽ ôn hòa hơn, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc. Ảnh: Financial Times

Chính sách đối ngoại của Mỹ dưới triều ông Joe Biden được nhận định là sẽ ôn hòa hơn, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc. Ảnh: Financial Times

Theo hồ sơ lý lịch của các nhân vật vừa kể trên, hầu hết tất cả họ đều đã phụng sự dưới chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama. Và theo thông lệ thì những vị cố vấn này đều có khả năng trở thành thành viên trong nội các của ông Joe Biden. Do đó, quan điểm của họ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chính sách đối ngoại trong tương lai của chính quyền Biden, đặc biệt là liên quan đến vấn đề Trung Quốc.

Vào năm 2019, ông Thomas Donilon đã đăng một bài báo trên tạp chí Foreign Affairs, cho rằng cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump là "phương cách sai lầm để cạnh tranh với Trung Quốc" và Mỹ nên tập trung vào đổi mới, thay vì chủ nghĩa bảo hộ.

Và mới đây nhất, hồi tháng 9, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken cũng cho rằng, "vị trí chiến lược của Trung Quốc đang mạnh lên và của chúng ta yếu đi là do sự lãnh đạo của Tổng thống Trump”. Ông Blinken đồng thời cho biết, Trump đã để lại "một khoảng trống trên thế giới để Trung Quốc lấp đầy".

Trước đó vào năm 2019, cả hai nhà ngoại giao Mỹ Kurt Campbell và Jake Sullivan cũng đã từng viết bài đăng trên tờ Foreign Affairs, cho rằng Washington nên đặt "mục tiêu thiết lập các điều kiện chung sống thuận lợi với Bắc Kinh trong bốn lĩnh vực cạnh tranh chính là quân sự, kinh tế, chính trị và quản trị toàn cầu".

Mềm dẻo, ôn hòa  và linh hoạt

Nhận định từ những quan điểm của các cố vấn trên, giới quan sát nhận định mục tiêu trong chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền ông Biden sắp tới sẽ kết hợp cả những chính sách của chính quyền Tổng thống Trump nhưng sẽ khéo léo và mềm dẻo hơn.

Theo đó, chính quyền Biden sẽ tiếp tục coi Trung Quốc là đối thủ chính, coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất để duy trì vị thế bá chủ toàn cầu. Tuy nhiên, ông Biden sẽ khác ông Trump về cách thức đối phó với thách thức này.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Hội nghị Davos, Thụy Sỹ ngày 17/1/2017. Ảnh: Xinhua

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Hội nghị Davos, Thụy Sỹ ngày 17/1/2017. Ảnh: Xinhua

Mặc dù ông Donilon nói rằng chiến tranh thương mại là cách thức sai lầm để cạnh tranh với Bắc Kinh, tuy nhiên một số đảng viên đảng Dân chủ lại cho rằng cách mà ông Trump gây áp lực với Trung Quốc về vấn đề thương mại đã có tác dụng ở một mức độ nào đó. Do vậy, chính quyền Biden có thể sẽ không rút lại tất cả các mức thuế đối với Trung Quốc ngay khi nhậm chức, và sẽ coi đây là con bài mặc cả để đàm phán thêm với Bắc Kinh.

Ngoài ra, nhiều cố vấn như Blinken và Sullivan đều tin rằng Mỹ nên cải thiện mối quan hệ với châu Âu ngay sau khi ông Biden nhậm chức bởi kỳ vọng các đồng minh châu Âu có thể sẽ đóng vai trò lớn trong việc cạnh tranh với Trung Quốc.

Mặc dù vây, các chuyên gia cho rằng chính sách đối ngoại của một quốc gia sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, nhất là khi Hạ viện và Thượng viện Mỹ hiện do các đảng phái khác nhau kiểm soát. Và họ là những nhân tố quyết định nên chính quyền Biden có thể thỏa hiệp trong một số chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại, đặc biệt là về Trung Quốc nhưng không loại trừ khả năng chính phủ mới vẫn sẽ cứng rắn với Bắc Kinh.

Ông Blinken cho biết, chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump đã làm suy yếu các liên minh, từ bỏ các giá trị Mỹ và bật đèn xanh cho Trung Quốc để giẫm đạp lên cái gọi là nhân quyền và dân chủ. Điều này phản ánh thực tế rằng chính quyền Biden sẽ đề cao nhân quyền và dân chủ, đồng thời sẽ tạo ra một liên minh ý thức hệ bằng cách đoàn kết các đồng minh của mình như châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc để tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc.

Tuy nhiên, với việc ông Trump vẫn nhận được gần một nửa số phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử hôm 3/11 thì nhiều khả năng ông Biden sẽ phải dè dặt và thận trọng hơn trong việc thực hiện các chính sách đối ngoại. Điều đó cho thấy một thực tế là “chủ nghĩa Trump” vẫn đang có ảnh hưởng trong nước và thế lực này sẽ kìm hãm ông Biden quay trở lại chủ nghĩa tự do và đa phương.

Giới phân tích nhận định, ông Joe Biden từng là Phó tổng thống dưới thời chính quyền Barack Obama trong hai nhiệm kỳ nên triết lý ngoại giao của ông có thể sẽ kế thừa một số ý tưởng của Obama.

Đặc biệt là khi hầu hết các phụ tá của ông lúc này đều từng phục vụ dưới thời Obama nên các vấn đề lớn bao gồm quản trị toàn cầu, biến đổi khí hậu và thỏa thuận hạt nhân Iran, ông Biden rất có thể sẽ tiếp tục kế thừa ông Obama. Tuy nhiên khi liên quan đến mối quan hệ với Trung Quốc, ông Biden có thể sẽ kết hợp một số ý tưởng của ông Trump nhằm đối phó tốt hơn với Trung Quốc.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Hezbollah đang chuẩn bị chiến tranh tổng lực với Israel

Thủ lĩnh lực lượng Hezbollah Hassan Nasrallah cho biết nhóm này đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tổng lực với Israel, đồng thời cảnh báo Síp không tiếp nhận quân đội Israel.

Nga tổ chức tập trận hải quân chiến lược lớn nhất trong 30 năm

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc tập trận hải quân Ocean-2024 là cuộc diễn tập lớn nhất của nước này trong 30 năm qua.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.