| Hotline: 0983.970.780

Lá bài “trợ cấp nông nghiệp” trong thương chiến Mỹ- Trung

Thứ Năm 30/05/2019 , 09:51 (GMT+7)

Bà Han Yahui, chủ nhiệm một HTX nông nghiệp ở Nội Mông cho rằng, việc nhà nước mở cửa thị trường nhập đậu tương từ cuối những năm 1990 là tín hiệu cảnh báo cho nền sản xuất Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc chia tay Bộ trưởng Thương mại Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer sau cuộc đàm phán thất bại hôm 10/5 ở Washington

Theo SCMP, bà Han hiện điều hành một HTX chuyên canh tác hữu cơ lúa mì, đậu tương và lúa trên diện tích khoảng 133 ha ở phía đông bắc Trung Quốc. Hằng năm bà Han là một trong số 200 triệu hộ nông dân trên cả nước vẫn được trợ cấp của chính phủ để mua sắm thiết bị sản xuất.

Cụ thể, HTX của bà Han nhận được 300 nhân dân tệ (43,50 USD) trợ cấp hàng năm cho mỗi mu đậu nành (1mu = 666 m2). “Nguồn trợ cấp này rất quan trọng để chúng tôi trang trải chi phí nhân công. Vì rốt cục thì việc đồng áng vẫn là kế sinh nhai của người dân nông thôn hiện nay”, bà Han cho hay.

Nhưng chính những khoản trợ cấp này lại trở thành mục tiêu của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại với nước này khi Washington liên tục gây áp lực lên Bắc Kinh để yêu cầu cắt giảm trợ cấp nông nghiệp. Nhưng một khi Bắc Kinh nhượng bộ điều này thì an ninh lương thực của đất nước cũng như sự ổn định xã hội ở nông thôn bị đe dọa.

Chính vì vậy, vòng đàm phán thương mại mới nhất giữa hai cường quốc hồi đầu tháng này đã không đi đến đâu, do Washington đổ lỗi cho Bắc Kinh “thất hứa” và ra quyết định tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ 10 đến 25%, trị giá 200 tỷ USD. Và sau đó, Trung Quốc cũng trả đũa một khoản thuế trị giá 60 tỷ USD, trong đó chủ yếu đánh vào hàng nông sản mà nước này là đối tác nhập khẩu lớn nhất của Mỹ.

Hàng nông sản được coi là vấn đề hết sức nhạy cảm và cam go trong các cuộc đàm phán

Theo giới phân tích, kể từ khi nổ ra thương chiến, Mỹ từng nhiều lần hối thúc Trung Quốc cắt giảm trợ giá lúa mì, ngô và các sản phẩm nông nghiệp chính khác cho nông dân. Tuy nhiên đối với quốc gia trên 1,3 tỷ người lại phần lớn là nông dân thì cho dù có tự do thị trường hay hội nhập thì cũng phải “từ từ” chứ không thể “quá nhanh, quá nhiều” theo yêu cầu của Mỹ. Đặc biệt là ở những thời điểm nhạy cảm như được mùa rớt giá hoặc các rủi ro khác…

Ngược lại, đây chính là một rào cản đối với Mỹ bởi chỉ khi nào Trung Quốc cắt giảm trợ cấp cho nông dân thì hàng hóa của nông dân Mỹ mới có thêm cửa sang thị trường này, với hy vọng cắt giảm thâm hụt thương mại.

Các chuyên gia nhìn nhận, việc Mỹ hối thúc Bắc Kinh cắt giảm hoàn toàn các khoản trợ cấp nông nghiệp, thay vào đó bằng các hình thức trợ cấp khác như thanh toán trực tiếp cho nông dân là rất khó. Là bởi Trung Quốc thừa hiểu với đất đai, nước và các nguồn tài nguyên hạn chế thì nước này vẫn sẽ phải phụ thuộc ngày càng lớn vào nguồn nhập khẩu nhưng vấn đề không đơn thuần chỉ là việc mua thêm hàng hóa từ Mỹ.

“Phía Mỹ đang cố gắng ép buộc chúng ta phải từ bỏ trợ cấp nông nghiệp hoàn toàn. Điều này là không thể bởi vì không quốc gia nào có dân số như Trung Quốc lại có thể từ bỏ an ninh lương thực”, một nhà đám phán Trung Quốc giấu tên cho hay.

Ngoài áp lực tại các cuộc đàm phán song phương, Washington đã  đẩy vấn đề này lên tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Bắc Kinh cắt giảm trợ cấp nông nghiệp. “Chính sách hỗ trợ giá thị trường ở Trung Quốc là không hiệu quả bởi việc trồng lúa mì, ngô và một số loại gạo có thể được mua rẻ hơn từ Mỹ cũng như các đối tác thương mại khác”, chuyên gia đàm phán nông nghiệp Mỹ Darci Vetter nói.

Bà Vetter nói rằng, nếu từ bỏ ngay các khoản hỗ trợ này sẽ gây ra nạn mất việc làm trong các khu vực nông nghiệp ở Trung Quốc nhưng Bắc Kinh nên chuẩn bị để tuân theo các tiêu chuẩn của WTO.

 

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất