| Hotline: 0983.970.780

Chính sách ngành mía đường các nước có gì khác biệt?

Chính sách tại các nước khác trên thế giới

Thứ Năm 28/02/2019 , 13:24 (GMT+7)

Brazil từ lâu đã là nước chiếm vị trí số 1 ngành mía đường thế giới. Thái Lan hiện là nước phát triển mạnh nhất tại khu vực ASEAN, xếp thứ 2 trên thế giới. Australia lại gây ấn tượng khi đứng thứ 3.

Tại Brazil

Có 4 yếu tố để Brazil đạt được vị trí số 1 ngành mía đường thế giới hiện nay. Đó là việc trợ cấp trực tiếp hoặc gián tiếp 2,5 tỷ USD mỗi năm từ Chính phủ; luôn nghiên cứu nhiều giống mía mới có khả năng chịu hạn, chịu ngập, chống sâu bệnh cao, giống mía sẵn sàng thích ứng với việc biến đổi khí hậu; áp dụng triệt để cơ giới hóa trong việc trồng trọt và thu hoạch mía; ưu tiên sử dụng công cụ quản lý (đất, giống, phân bón, tưới tiêu, năng suất cây trồng…) trong suốt quá trình chăm sóc cây mía.

Brazil tập trung sử dụng các giống mía theo cơ cấu giống chín sớm - trung bình - muộn để ép rải vụ với hiệu suất thu hồi cao nhất. Các kỹ sư nông nghiệp đã hướng dẫn nông dân áp dụng luân canh bằng cây đậu nành, đậu phộng. Tại đất nước này còn có Trung tâm Kỹ thuật cây mía, hiện đang lưu giữ bộ sưu tập giống mía lớn nhất Brazil, họ cung cấp miễn phí gien mía cho bất cứ nhà khoa học nào muốn nghiên cứu để phát triển giống mía mới.
 

Tại Australia

Chính phủ Australia hoàn toàn không có chính sách bảo hộ nào với ngành mía đường, điều này có nghĩa là ngành mía đường tại đây chịu sự chi phối của giá đường thế giới.

12-12-48_1ustrli_l_quoc_gi_sn_xut_duong_nhieu_thu_b_tren_the_gioi
Australia là quốc gia sản xuất đường nhiều thứ ba trên thế giới

Chính phủ cũng không giới hạn việc nhập khẩu đường từ các nước khác, không có bảo hộ thuế quan, không có trợ cấp, tuy nhiên quốc gia này hiện đứng thứ 3 trên thế giới về sản lượng đường xuất khẩu mặc dù diện tích trồng mía chỉ hơn 300.000 hecta.
 

Tại Ấn Độ

Giá liên bang được áp dụng theo định giá cơ bản dựa trên các yếu tố, như: lợi nhuận được thu hồi từ cây trồng thay thế, đường sẵn có ở mức giá hợp lý, thu hồi đường từ mía… Giá tiểu bang áp dụng cao hơn giá liên bang từ 30 - 35%. Ngoài ra, Chính phủ còn áp dụng chính sách định giá cao, khuyến khích tỷ lệ phân chia giữa nông dân và nhà máy là 70 - 30, bắt buộc mua mía với giá bảo hộ, không xây dựng nhà máy mới trong bán kính 15km so với nhà máy hiện có. Chính phủ nắm giữ việc điều tiết sản xuất, cung cấp, phân phối đường và xuất khẩu đường, thuế nhập khẩu tỷ lệ thuận với giá đường thế giới và nhu cầu nội địa. Với sản phẩm cạnh đường, Chính phủ Ấn Độ cũng hạn chế mua giữa các tiểu bang nhằm hạn chế đầu cơ.

Đất nước này gần đây cũng công bố một gói tài chính 5,5 tỷ Rupee, trong đó, 1,375 tỷ Rupee được dùng cho vận chuyển nội địa, thanh toán phí vận chuyển và những phí khác cho xuất khẩu, 4,163 tỷ Rupee chuyển trực tiếp tới người nông dân như một phần của chính sách giá phải chăng và tiền công (FRP) trong niên độ 2018 - 2019. Điều này sẽ giúp giảm khoản nợ tiền thu mua mía của các nhà máy đường.
 

Tại Trung Quốc

Chính phủ duy trì hạn ngạch nhập khẩu là 1,9 triệu tấn đường/năm và áp thuế nhập khẩu là 5%, nếu vượt hạn ngạch thì áp dụng thuế suất 50%. Chính phủ Trung Quốc cũng chú trọng trong việc dồn thửa để tạo cánh đồng mía lớn nhằm áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đồng thời công tác nghiên cứu và ứng dụng giống mía mới cũng được thực hiện.
 

Tại Mỹ

Mỹ là quốc gia sản xuất và tiêu thụ đường lớn thứ năm trên thế giới. Ngành công nghiệp mía đường của Mỹ đã được hưởng chính sách bảo hộ thương mại từ năm 1789, và cho đến nay, chính phủ nước này vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho ngành đường nội địa.

Bộ khung cơ bản của chính sách bảo hộ ngành mía đường nước Mỹ là Đạo luật Farm Bill ban hành năm 1990, với 3 trụ cột chính: trợ giá thông qua lãi suất vay ưu đãi, hoạt động điều tiết thị trường nội địa và công cụ hạn ngạch thuế quan.

Về chính sách trợ giá, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cung cấp gói vay ưu đãi cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất đường mía cũng như đường củ cải. Khi đáo hạn, các đối tượng này có thể chọn hoàn trả khoản vay bằng chính sản lượng đường sản xuất được nếu giá đường trên thị trường đang ở mức thấp. Ngược lại, nếu như giá đường đang ở mức cao, người vay có thể bán đường và thanh toán bằng tiền như thông thường.

Về hoạt động điều tiết thị trường nội địa, hằng năm USDA tiến hành phân chia thị phần cho các công ty sản xuất đường, hay nói cách khác là xác định rõ sản lượng đường mà mỗi công ty có thể bán ra trong năm. Tuy nhiên con số này thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Về hạn ngạch thuế quan, đây là công cụ giúp Mỹ kiểm soát chặt chẽ sản lượng đường nhập khẩu. Hằng năm, USDA sẽ ban hành hạn ngạch chung cho đường nhập khẩu, sau đó Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) sẽ phân bổ hạn ngạch này cho từng quốc gia có mong muốn xuất khẩu. Mức thuế suất áp dụng trong hạn ngạch rất thấp, thậm chí có thể xuống 0%, sản lượng đường có thể nhập nằm trong mức 1,1 triệu tấn đường thô và 22 ngàn tấn đường tinh luyện. Tuy nhiên, theo Đạo luật Farm Bill 2008, USDA có thể tăng mức hạn ngạch nhập khẩu đường vào ngày 1 tháng Tư hằng năm nếu có dự đoán về sự thiếu hụt đường trong nước.

Vùng nguyên liệu mía tươi tốt

Ngoài ra, dựa trên các hiệp định thương mại đã được ký kết, Mỹ còn có chính sách đặc biệt cho một số quốc gia khu vực Trung Mỹ.
 

Tại khối Liên minh Châu Âu

Sau khi chính thức được thành lập, Liên minh Châu Âu ban bố chính sách ngành đường lần đầu vào năm 1968. Phạm vi của chính sách này bao gồm tất cả các khía cạnh trong ngành công nghiệp mía đường như chỉ tiêu sản lượng, mức giá bán được đảm bảo, trợ cấp xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu. Đến năm 2006, nhằm tuân thủ theo các quy định của WTO, Liên minh Châu Âu đã tiến hành một cuộc cải cách lớn để định hình lại thị trường ngành mía đường, biến liên minh này từ vị thế đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu đường mía trở thành một nhóm quốc gia nhập khẩu đường mía hoàn toàn.

Tương tự Mỹ, Liên minh Châu Âu cũng kiểm soát sản lượng đường nhập khẩu bằng hạn ngạch thuế quan. Nếu vượt quá hạn ngạch này, đường thô nhập khẩu sẽ chịu mức thuế lên đến 339 Euro/tấn và đường trắng là 419 Euro/tấn. Tuy nhiên, bên cạnh đó Liên minh Châu Âu cũng đưa ra chính sách ưu đãi cho “nhóm các nước kém phát triển nhất” (LDC) và “nhóm các nước Châu Phi, Ca-ri-bê và Thái Bình Dương” (ACP) với mức thuế suất 0% và không giới hạn sản lượng đường nhập khẩu.
 

Khi thị trường mở cửa

Đến năm 2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ chính thức được áp dụng đầy đủ, sân chơi ngành mía đường khu vực Đông Nam Á sẽ “phẳng” hơn bao giờ hết, nguồn đường từ các quốc gia sẽ được mua bán tự do trên thị trường. Đi kèm với đó là sự cạnh tranh khốc liệt, và đối với các sản phẩm có chất lượng tương đối tương đồng nhau như đường, giá bán sẽ là nhân tố quyết định. Dù đã chuẩn bị phần nào về mặt nội lực trong những năm qua, nhưng đứng trước những chính sách bảo hộ cũng sự hỗ trợ tối đa cho ngành mía đường của chính phủ các nước ASEAN, toàn bộ các mắt xích trong chuỗi sản xuất mía đường Việt Nam đứng trước nguy cơ gặp khó khăn sau hội nhập. Trong một sân chơi quốc tế không bình đẳng, ngành mía đường nói riêng hay ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung sẽ yếu thế khi tham gia cuộc chơi do thiếu những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Ngành mía đường Việt Nam sẽ phải thay đổi nhiều hơn nữa về mặt cấu trúc, song song đó cũng cần có những chính sách đúng đắn của Chính phủ nhằm tạo ra một sân chơi công bằng hơn để có thể tồn tại và phát triển trong thời kỳ hội nhập đang đến rất gần.

Việt Nam cần chuẩn bị gì trước khi ATIGA có hiệu lực?

Với các chính sách ngành đường tại các quốc gia trong khu vực ASEAN và một số quốc gia khác trên thế giới, rõ ràng Chính phủ mỗi nước đều có những chính sách tích cực nhằm phát triển ổn định và bền vững ngành mía đường, tuy nhiên khi tham gia vào các tổ chức thương mại thì rõ ràng một số chính sách bảo hộ tại mỗi nước cũng phải thay đổi, điều chỉnh hoặc xóa bỏ nhằm thực hiện đúng cam kết về lộ trình mà các hiệp định thương mại đã ban hành.

Đối với các nước trong khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, khi thực hiện hiệp định ATIGA cũng cần có những sự chuẩn bị và bước đi phù hợp. Đặc biệt với Việt Nam, để tiếp sức cho toàn ngành mía đường thì các chính sách hỗ trợ từ nhà nước là rất cần thiết. Từ các ví dụ nêu trên, có thể thấy mô hình của Malaysia là gần nhất và có thể áp dụng trực tiếp tại Việt Nam. 

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất