| Hotline: 0983.970.780

Chỉnh sửa gen cho gà phòng đại dịch

Thứ Tư 23/01/2019 , 09:21 (GMT+7)

Các nhà khoa học Anh đang góp sức phát triển giống gà được chỉnh sửa gen với tham vọng giúp loài gia cầm này chống chịu được mọi loại dịch cúm, phòng chống từ xa các đại dịch gia cầm gây thiệt hại kinh tế và có thể lây lan sang người.

Các nhà khoa học hy vọng gà được chỉnh sửa gen sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ đại dịch ở người rất hữu hiệu

Giống gà chỉnh sửa gen đầu tiên sẽ ra đời tại phòng thí nghiệm của Viện Roslin - Đại học Edinburgh (Scotland) vào cuối năm 2019. Giáo sư Virus học Wendy Barclay (Đại học Hoàng gia London) - đồng chủ nhiệm chương trình nghiên cứu - cho biết, DNA của giống gà này được chỉnh sửa gen theo công nghệ CRISPR. Cụ thể, những gen chỉnh sửa sẽ loại bỏ các thành phần mà virus có thể xâm nhập và tạo môi trường sống, giúp gà kháng cự được hoàn toàn trước các bệnh cúm.

“Ý tưởng khoa học này là tuyệt vời vì không những giúp tạo ra giống gà vô nhiễm cúm mà còn tạo ra vật thể trung gian ngăn bệnh tật giữa gia cầm hoang dã với con người”, giáo sư Barclay nói.

Các chuyên gia dịch tễ và bệnh truyền nhiễm thế giới hiện nay vẫn xác định đe dọa về một đại dịch cúm ở người là mối quan tâm lớn nhất của y học. Năm 2009 - 2010, dịch cúm H1N1 dù chưa đến mức nguy hiểm của đại dịch, cũng đã làm khoảng một nửa triệu người lây nhiễm. Còn đến nay, dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 vẫn đứng đầu bảng lịch sử khi cướp đi sinh mạng hơn 50 triệu người.

Nỗi lo sợ lớn nhất hiện nay mà y khoa chưa có phương án ngăn chặn hữu hiệu là một chủng virus chết người có thể lây sang người thông qua vật chủ trung gian như gia cầm, sau đó tự thay đổi để thích nghi và lây nhiễm từ người sang người.

“Nếu chúng ta ngăn chặn được virus cúm lây từ gia cầm hoang dã sang gia cầm nuôi, chắc chắn sẽ ngăn được mầm mống một đại dịch”, giáo sư Barclay tự tin.

Trong một nghiên cứu được công bố năm 2016 trên tạp chí Nature, nhóm nghiên cứu của giáo sư Barclay thông báo đã tìm ra gen ANP32 trên gà và từ gen này tạo ra các tế bào mà mọi loại virus đều dựa vào đó như một vật chủ để xâm nhập gây lây nhiễm cho gia cầm và sinh sôi truyền nhiễm sang cá thể gia cầm khác. Ông đã thuyết phục được các nhà khoa học tại Viện Roslin tham gia và cung cấp hạ tầng phát triển nghiên cứu. Viện Roslin cũng là nơi đi vào lịch sử nghiên cứu y học năm 1996 khi công bố tác phẩm Cừu Dolly - động vật ra từ phương pháp nhân bản vô tính đầu tiên trên thế giới. Họ cũng đã tạo lập được một gen chỉnh sửa trên lợn có khả năng đề kháng virus hữu hiệu.

Chỉnh sửa gen là hướng đi rất mới của khoa học và công nghệ. Trong các phòng thí nghiệm thì đó là phương pháp khoa học thuần túy, nhưng nếu áp dụng trong các ngành sản xuất liên quan đến con người hiện vẫn vấp phải rào cản quan niệm xã hội. “Chăn nuôi truyền thống tạo ra các loại thực phẩm như chúng ta đang sử dụng hàng ngày đã trở thành một tư duy văn hóa, bởi vậy con người sẽ thấy hoang mang khi phải ăn thức ăn từ động vật được chỉnh sửa gen”, giáo sư Barclay thừa nhận.

Theo kết quả điều tra sơ bộ tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nhà khoa học Hạ Kiến Khuê (ảnh) thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Nam Phương Thâm Quyến bị kết luận đã chỉnh sửa gen trẻ em “không có ai giám sát” và ông Hạ thực hiện với tư cách cá nhân “vì danh vọng và tư lợi”. Toàn bộ quá trình này “nằm ngoài các quy định pháp luật từ giai đoạn tìm ngân quỹ, làm nghiên cứu đến việc thực hành chỉnh sửa gen", theo kết luận điều tra.

Hai em bé Trung Quốc đã ra đời nhờ sự can thiệp của ông Hạ mà mục đích được ông tuyên bố là giúp chúng “không nhiễm HIV”. Kết quả được chính ông công bố tháng 11/2018. THX cho hay trong thời gian từ tháng 3/2017 đến tháng 11/2018, nhóm của ông Hạ đã tuyển 8 cặp nam nữ tham gia thí nghiệm. Hai phụ nữ có mang và một người sinh đôi ra hai em bé, Lulu và Nana. Người thứ nhì hiện vẫn mang thai, chưa sinh nở.

Hồi tháng 1, ông Hạ Kiến Khuê lên tiếng bảo vệ cho công trình của mình. Nhưng nhiều nhà khoa học đã lên án tuyên bố của ông Hạ ngay khi nghe tin này. Việc chỉnh sửa gen như vậy là bị cấm ở hầu hết các quốc gia vì lý do đạo đức và hệ quả chưa ai lường hết cho con người.

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.