| Hotline: 0983.970.780

Chọn lọc, duy trì giống gốc nếp Thơm Hưng Yên

Thứ Hai 17/12/2018 , 09:50 (GMT+7)

Với năng suất vượt 15 - 20% và giá trị tăng gấp gần 2 lần so với các giống khác, lúa nếp Thơm Hưng Yên đang ngày càng khẳng định ưu thế vượt trội, mở ra nhiều triển vọng mới trong thâm canh lúa hàng hóa…

15-12-22_imge001
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên (ngoài cùng bên trái) thăm Trung tâm Giống Nông nghiệp Hưng Yên – nơi triển khai dự án

Tại Hưng Yên, đây là giống lúa chủ lực của nhiều huyện, thành phố. Nếp Thơm Hưng Yên là giống lúa thuần, được Sở NN-PTNT tỉnh chọn lọc từ quần thể phân ly của một giống nếp được nông dân huyện Yên Mỹ gieo cấy lâu năm. Giống đã được Bộ NN-PTNT công nhận là giống lúa quốc gia được phép gieo cấy tại các tỉnh miền Bắc (QĐ số 202/QĐ-TT-CLT ngày 09/06/2015).

Nếp Thơm Hưng Yên là lúa giống cảm ôn, thuộc nhóm ngắn ngày phù hợp với cơ cấu xuân muộn, mùa sớm, khả năng đẻ nhánh tốt, độ thuần ổn định. Giống có kiểu hình đẹp, cây gọn, chiều cao vừa phải, lá cứng và màu xanh nhạt, chống đổ tốt, chịu thâm canh cao. Giống có khả năng chịu rét, giai đoạn mạ gặp thời tiết rét đậm vẫn sinh trưởng phát triển đều, tiềm năng năng suất cao... Với nhiều ưu điểm và khả năng thích nghi rộng, lúa nếp Thơm Hưng Yên được gieo cấy tại nhiều tỉnh như Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Điện Biên, Tuyên Quang... mở ra hướng mới trong sản xuất hàng hóa.

Những hộ nông dân thường xuyên gieo cấy giống này cho biết, năng suất tươi trung bình trên 2,8 tạ/sào (tương đương 78 tạ tươi/ha), với giá bán khoảng 8.000đ/kg thóc tươi, mỗi sào cho thu nhập gấp từ 1,5 - 2 lần so với các giống lúa khác.

Mặt khác, trong vài năm trở lại đây thóc nếp Thơm Hưng Yên thương phẩm hầu hết được thu mua tươi, người sản xuất không phải phơi khô nên rất thuận lợi cho việc mở rộng diện tích. Năm 2012, diện tích gieo cấy nếp Thơm Hưng Yên chiếm khoảng 7% diện tích lúa chất lượng cao thì năm 2018 là hơn 12% diện tích lúa chất lượng cao và đang trở thành giống lúa chủ lực trong cơ cấu lúa chất lượng cao của tỉnh.

Hiện gạo nếp Thơm Hưng Yên được người tiêu dùng đánh giá cao vì dẻo và thơm nên thị trường tiêu thụ thuận lợi. Ngoài ra, gạo nếp Thơm Hưng Yên còn được sử dụng chế biến với lượng lớn, đặc biệt đã được xuất khẩu đến một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc… 

Nhờ ưu thế về thời gian sinh trưởng ngắn, gieo cấy cả 2 vụ; thích hợp nhiều chân đất; năng suất khá, chống chịu sâu, bệnh và đặc biệt là thị trường tiêu thụ rộng mở, dự kiến trong những năm tới diện tích sản xuất giống nếp Thơm Hưng Yên sẽ ngày càng tăng.

Để đảm bảo chất lượng giống và thường xuyên duy trì được những đặc tính tốt của giống, tránh hiện tượng thoái hóa giống khi gieo cấy trong sản xuất đại trà, UBND tỉnh Hưng Yên đã phê duyệt dự án "Chọn lọc, duy trì giống gốc nếp thơm Hưng Yên và phục tráng một số giống lúa chủ lực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2022".

Dự án được giao cho Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh thực hiện từ năm 2018 với diện tích sản xuất giống siêu nguyên chủng mỗi năm khoảng 15ha để từ đó sản xuất giống nguyên chủng. Dự kiến mỗi năm sẽ cung cấp từ 100 - 200 tấn giống nguyên chủng phục vụ cho sản xuất trong và ngoài tỉnh.

Dự án sẽ do Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Hưng Yên thực hiện với tổng kinh phí đầu tư gần 38 tỷ đồng. Địa điểm thực hiện dự án tại Trại Giống cây trồng nông nghiệp - Trung tâm Giống nông nghiệp Hưng Yên và một số huyện, thành phố trong vùng dự án.

Theo đó, giống nếp thơm Hưng Yên (G0, G1, G2) sẽ được chọn lọc, duy trì với diện tích 3ha/năm. Đưa vào sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng nếp thơm Hưng Yên với diện tích từ 20 - 30 ha/năm, dự kiến sản lượng đạt từ 70 - 115 tấn giống/năm.

Cùng đó, sẽ triển khai chọn lọc, phục tráng và sản xuất một số giống với diện tích 4ha/năm. Đưa vào sản xuất giống siêu nguyên chủng các giống chủ lực với diện tích 20ha/năm, dự kiến sản lượng đạt 60 - 70 tấn giống/năm. Hợp tác sản xuất giống có bản quyền (mỗi năm khoảng 2 giống) với diện tích 80ha/năm, sản lượng dự kiến đạt 370 - 400 tấn giống/năm...

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.