| Hotline: 0983.970.780

Chống biến đổi khí hậu: Thế giới lo lắng đợi ông Trump

Thứ Ba 09/05/2017 , 11:36 (GMT+7)

Ngày 8/5, các cuộc đàm phán chi tiết thực hiện thoả thuận Paris về chống biến đổi khí hậu đã diễn ra tại Bonn (Đức) với sự tham gia của đại diện gần 200 quốc gia trên thế giới.

Mối lo lắng về khả năng Mỹ rút khỏi thoả thuận đang phủ bóng lên hội nghị.
 

Đã có tiền lệ

Theo BBC, các cuộc đàm phán sẽ kéo dài trong 11 ngày, được chờ đợi sẽ phác thảo nên bản quy tắc hướng dẫn các quốc gia thành viên thực hiện thoả thuận ký kết hồi năm 2015 tại Paris (Pháp), nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua cắt giảm khí thải nhà kính. Thoả thuận được hơn 140 quốc gia thông qua và chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2016.

Người Mỹ biểu tình chống chính sách môi trường của Tổng thống Donald Trump

Tuy nhiên, mối lo ngại ngày càng tăng về khả năng Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thoả thuận đang phủ bóng lên các cuộc thảo luận tại Bonn lần này. Đại diện một số quốc gia đã bày tỏ lo ngại, nếu điều này thực sự xảy ra, thoả thuận Paris sẽ bị giáng một đòn mạnh. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016, ông Trump đã lên tiếng chỉ trích thoả thuận khí hậu Paris, với tuyên bố thoả thuận gây tổn hại tới lợi ích kinh tế của nước Mỹ.

Những quyết sách của ông Trump sau khi lên nắm quyền cũng theo xu hướng khiến các tổ chức bảo vệ môi trường không khỏi lo ngại. Ông Trump hồi cuối tháng 3/2017 đã ký sắc lệnh lật ngược các chính sách kiềm chế biến đổi khí hậu dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama. Cụ thể, Sắc lệnh Độc lập Năng lượng do ông Trump ký đã đình chỉ hơn nửa tá chính sách do ông Barack Obama đưa ra, thúc đẩy nhiên liệu hoá thạch.

Bộ trưởng Môi trường Maldives, Thoriq Ibrahim cho biết, hội nghị Bonn nhằm mục tiêu đưa ra chi tiết cho thoả thuận Paris. “Tuy nhiên, rõ ràng tâm trí của các đại biểu lúc này là suy đoán động thái của Washington”-ông Thoriq Ibrahim than thở.

Tờ Guardian dẫn lời cựu Bộ trưởng Môi trường Brazil Izabella Teixeira thừa nhận, các quyết định của ông Trump về môi trường đang gây lo lắng. “Chúng ta dĩ nhiên không thể mường tượng ra bức tranh chính trị hiện tại khi ký thoả thuận Paris. Nó là vấn đề đáng quan ngại (khả năng Mỹ rút khỏi thoả thuận Paris), bởi chúng ta từng chứng kiến chuyện tương tự khi George Bush nắm quyền và sau đó rút khỏi Nghị định thư Kyoto”-bà Izabella Teixeira nói.

Năm 2001, Tổng thống Mỹ là ông George Bush đã quyết định rút khỏi Nghị định thư Kyoto về biến đổi khí hậu, do người tiền nhiệm Bill Clinton ký năm 1998. Ông Bush khi đó cũng tuyên bố Nghị định thư Kyoto đi ngược lại lợi ích kinh tế của Mỹ.
 

Cơ hội cho Trung Quốc?

Mỹ là thành viên của thoả thuận Paris có mức khí thải nhà kính cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Lượng khí thải nhà kính của Mỹ chiếm 1/5 toàn cầu. Theo Guardian, đây là lý do thoả thuận Paris sẽ thất bại nếu thiếu sự tham gia của Mỹ. Thế giới sẽ khó lòng đạt được mục tiêu duy trì tăng nhiệt độ trái đất dưới 1,5 độ C. Chưa kể, việc Washington rút khỏi thoả thuận sẽ tạo nên một tiền lệ xấu, tác động tới tâm lý các quốc gia khác.

Theo Guardian, nếu ông Trump nhất quyết rút khỏi thoả thuận Paris như các tuyên bố trước đó, cơ hội có thể sẽ đến với Trung Quốc để vươn lên thành quốc gia lãnh đạo cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Hồi tuần trước, Trưởng Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc Erik Solheim đã cảnh báo, Mỹ sẽ chịu các thiệt hại về kinh tế nếu rút khỏi thoả thuận Paris. “Thiệt hại cuối cùng chính là người dân Mỹ, khi các cơ hội công việc hấp dẫn liên quan tới môi trường xanh sẽ chuyển tới Trung Quốc và các khu vực khác trên thế giới”-ông Solheim nói.

Trưởng phái đoàn đàm phán của Trung Quốc ở Bonn, Xie Zhenhua mặc dù vậy cho rằng, chỉ có 40% khả năng chính quyền ông Trump rút khỏi thoả thuận Paris. Ông Zhenhua cũng phát biểu khá cầm chừng về triển vọng Trung Quốc vươn lên dẫn đầu các quốc gia trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo chuyên gia Zhang Haibin, thuộc trường Đại học Peking, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ chờ đợi động thái của chính quyền ông Trump, trước khi đưa ra quyết sách.

(BBC, Guardian)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.