| Hotline: 0983.970.780

Chống buôn lậu: Cuộc chiến chưa hồi kết

Thứ Năm 14/11/2024 , 12:02 (GMT+7)

Lực lượng chức năng cửa khẩu căng mình chốt chặn, trong khi dân buôn tìm mọi cách trốn tránh, chống đối khiến cuộc chiến chống buôn lậu chưa bao giờ ngơi nghỉ.

Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra, bắt giữ hơn 20.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Cường Vũ.

Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra, bắt giữ hơn 20.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ảnh: Cường Vũ.

Bất chấp tất cả vì lợi nhuận

Trong những tháng cuối năm, thị trường trở nên sôi động do nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao. Đây cũng là thời điểm tiềm ẩn những diễn biến phức tạp buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả. Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu đang được các lực lượng chức năng Lạng Sơn và Quảng Ninh tăng cường triển khai.

Mặt hàng đang “nóng” nhất ở biên giới Việt – Trung những ngày qua là cau khô. Lượng tiêu thụ quá lớn từ Trung Quốc khiến dân buôn lậu đỏ mắt thèm khát.

Dù biết buôn lậu sẽ bị bắt cả người lẫn hàng, không ít người vì lợi nhuận vẫn bất chấp. Trong vai những dân buôn đi tìm “cửa” vác hàng qua biên giới, chúng tôi tìm gặp Dương “Duệ” (nhân vật đã được đổi tên), một tay “dịch vụ” khét tiếng biên giới Đông Bắc.

Trong 10 tháng năm 2024, các lực lượng của Ban Chỉ đạo phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 2.504 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; trị giá hàng hóa vi phạm 30,52 tỷ đồng (tăng 7% về số vụ, tăng 53% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023). Bên cạnh đó, các lực lượng đã xử lý hình sự 44 vụ với 66 đối tượng (tăng 37,5% về số vụ, tăng 53,5% về số đối tượng); xử lý vi phạm hành chính 2.456 trường hợp (giảm 5,9% về số trường hợp xử lý vi phạm hành chính so với cùng kỳ năm 2023).

“Dịch vụ” là tiếng lóng mà dân buôn lậu dùng để chỉ những người chuyên tìm cách mang hàng qua biên giới, chiều đi lẫn chiều về. Cũng có khi, những người như Dương Duệ được gọi là “báo luật”, hoặc “báo quan”. Trong đó, “luật” là ám chỉ những lực lượng chức năng ở cửa khẩu, còn “báo quan” là riêng lực lượng hải quan.

Dương nói với chúng tôi: “Anh tìm đến em là chuẩn rồi. Hàng không qua em làm thì thường bị bắt. Còn em đã làm là uy tín”.

Dương quả thực nổi tiếng ở một số cửa khẩu. Người này có thể đọc vanh vách vị trí các lực lượng chức năng thường xuyên chốt chặn ở một số cửa ngõ vào tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Thậm chí, Dương nói anh ta có số điện thoại của nhiều cán bộ các đồn biên phòng, để “liên hệ giải quyết việc”.

Thúy “Mít”, vợ của Dương Duệ, cũng là tay trùm cửu vạn, chuyên quản lý các cửu vạn vùng biên. Ưu tiên lớn nhất là người địa phương, hoặc phải có người địa phương đứng ra giới thiệu, bảo đảm để gia nhập đội quân bốc vác.

Còn với mặt hàng khác là nguyên liệu thuốc lá nhập từ Trung Quốc về, Thúy bảo phải tính theo kiện, mỗi kiện 25kg. Cũng tùy địa điểm giao hàng, giá cửu vạn cho mỗi kiện thấp nhất 100.000đ, cao nhất khoảng 700.000đ.

“Mốc gần nhất là em vẫn lấy 5.000đ/kg cau. Mốc xa nhất tầm 7.000đ/kg. Thấy anh biết điều, em giảm mỗi chỗ 500 đồng cho anh. Như thế 2 tấn là anh có một triệu đồng tiền lộc rồi”, Thúy nói.

Hàng hóa hiện tại đa phần được cửu vạn bốc vác qua biên, và việc bị bắt quả tang khi đang buôn lậu là không hề ít.

Sau nhiều ngày ở biên giới, chúng tôi được Dương – Thúy chia sẻ một số kinh nghiệm và luật ngầm của dân buôn. “Tiền đền càng cao thì cước càng nhiều. Hai nữa là hàng nội địa giá khác, hàng tạm nhập tái xuất giá khác”, Dương nói.

Theo đó, với việc mỗi kg hàng hay kiện hàng bị mất, Dương – Thúy sẽ phải đền tiền. Thông thường, giá đền khoảng 1/3 giá hàng. Còn nếu yêu cầu đền nửa tiền hàng, cước sẽ cao vọt lên, có thể gấp rưỡi tới gấp đôi các con số giá cả nêu trên.

Các lực lượng chức năng TP Móng Cái tiêu hủy gần 25 tấn chân gà đông lạnh thu giữ ngày 03/6/2024. Ảnh: Cường Vũ.

Các lực lượng chức năng TP Móng Cái tiêu hủy gần 25 tấn chân gà đông lạnh thu giữ ngày 03/6/2024. Ảnh: Cường Vũ.

Cuộc chiến chưa hồi kết

Thượng tá Trịnh Nguyên Sáng, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm và ma túy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 là thời điểm các đối tượng tội phạm, vi phạm pháp luật thường lợi dụng gia tăng các hoạt động, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, hàng cấm, xuất, nhập cảnh trái phép”.

Từ đầu năm 2024 đến nay, BĐBP Lạng Sơn chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý tầng số: 263 và 692 đối tượng 56 người liên quan tang vật thư giữ; 17,953 gam Heroin, 0,798 gam Methamphetamin, 41 cây thuốc phiện 240,8 kg pháo, 22 di vật, cổ vật, 144 cá thể rùa, 7780 kg chân lợn, 11307 kg chân gà 15900 gia cầm giống và các loại hàng hóa khác...tổng trị giá ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong đó, khởi tố hình sự 32 vụ; Bắt, chuyển giao cơ quan điều trai 20 vụ 27 đối tượng. Xử phạt VPHC: 152 vụ/535 trường hợp, thu nộp Ngân sách Nhà nước: trên 2 tỷ đồng.

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lạng Sơn cho biết đơn vị thường xuyên duy trì quân số trực 24/24 tại các trạm, tổ, chốt Kiểm soát biên phòng, tiến hành kiểm tra, kiểm soát cố định kết hợp tuần tra, kiểm soát cơ động để phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hoạt động của các loại tội phạm.

Bộ đội biên phòng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật cho nhân dân ở khu vực biên giới, phát động sâu rộng phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", gắn với phong trào "Bảo vệ an ninh Tổ quốc", vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự.

Thực hiện tốt công tác phối hợp với các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Quản lý Thị trường.. và lực lượng chức năng nước láng giềng trong trao đổi thông tin, phát hiện, bắt giữ, xử lý các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật.

Tại Quảng Ninh, ngày 29/10/2024 tại Km 87+400m, Quốc lộ 18C, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tổ công tác Đồn Biên phòng Pò Hèn đã phối hợp với Đồn Biên phòng Bắc Sơn phát hiện 1 xe ô tô bán tải màu đỏ cam, nhãn hiệu Ford Ranger, biển kiểm soát 14C-310.72 di chuyển trên Quốc lộ 18C hướng từ xã Bắc Sơn đi cửa khẩu Bắc Phong Sinh, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh, có biểu hiện nghi vấn.

Qua kiểm tra, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát hiện trên xe chở 18 bao tải dứa bọc 18 thùng xốp đựng tổng cộng 900kg nội tạng động vật đông lạnh.

Toàn bộ số hàng hóa trên phương tiện do Nguyễn Việt Đức, trú tại thôn 3, xã Hải Xuân, TP Móng Cái điều khiển không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.

Qua điều tra xác minh ban đầu, Đức khai nhận vận chuyển số hàng hóa cho một người đàn ông để lấy tiền công. Lực lượng Bộ đội Biên phòng hoàn tất hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Ngày 31/10, Công an huyện Hải Hà phối hợp với Công an xã Quảng Thịnh và Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh đã phát hiện và bắt giữ 3 ô tô chở 13.240 con gà, vịt giống nhập lậu tại thôn 3, xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà và đoạn đường dọc từ thôn 3, xã Quảng Thịnh tiếp giáp bản Tài Chi, xã Quảng Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, các đối tượng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số gà con, vịt con nói trên, đồng thời khai nhận đã vận chuyển thuê số hàng này đi tiêu thụ.

Trong những năm qua, nhập lậu, buôn bán, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, vật tư nông nghiệp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp trong nước.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Sản xuất và Kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam, tình trạng nhập lậu giống gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, giống cây trồng và các loại vật tư nông nghiệp qua biên giới đã gây hậu quả nghiêm trọng cho ngành Nông nghiệp.

Đây là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và các bệnh mới trên cây trồng tại nhiều địa phương do sự xâm nhiễm các chủng virus cúm gia cầm và các loại mầm bệnh trên gia súc, gia cầm, sản phẩm trồng trọt từ nước ngoài vào Việt Nam.

Mặt khác, các sản phẩm gia súc, gia cầm, vật tư nông nghiệp nhập lậu đã khiến thị trường sản xuất chăn nuôi, trồng trọt trong nước vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ra văn bản chỉ đạo ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật và kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, thủy sản:

+ Quyết định 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 của Thủ tướng về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 - 2030”

+ Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18 tháng 05 năm 2023 của Thủ tướng về việc Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam;

+ Công điện số 694/CĐ-TTg ngày 01 tháng 08 năm 2023 của Thủ tướng về việc Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới vào Việt Nam;

+ Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 6/12/2023 của Thủ tướng  về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, đảm bảo nguồn cung thực phẩm;

+ Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/1/2024 của Thủ tướng về tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới Việt Nam.

Chỉ thị số 41/CT-TTG ngày 06/11/2024 về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có nhiều văn bản, tổ chức kiểm tra, kiểm soát, chỉ đạo quyết liệt về vấn đề chống buôn lậu gia súc, gia cầm, giống cây trồng, các loại vật tư nông nghiệp qua biên giới.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Hỗ trợ Sơn La phục hồi hơn 15.000ha đất nông lâm nghiệp

Dự án RESTORE Sơn La,dự kiến hỗ trợ phục hồi 6.994ha đất trồng cây ăn quả và 8.239ha đất lâm nghiệp; trồng hơn 13 triệu cây đa mục đích.

Tình nguyện hiến đất làm kè chống sạt lở bờ sông

Hà Tĩnh Hơn 30 hộ dân ở huyện Hương Khê đã tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm dự án kè chống sạt lở bờ sông Ngàn Sâu, góp phần phòng chống thiên tai hiệu quả.