| Hotline: 0983.970.780

Xử lý nghiêm buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam

Thứ Tư 18/09/2024 , 17:44 (GMT+7)

TÂY NINH Trước tình hình buôn lậu lợn qua biên giới Tây Nam diễn ra phức tạp làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, Tây Ninh đặt ra nhiều giải pháp ngăn chặn.

Lực lượng biên phòng Tây Ninh tuần tra trên tuyến biên giới. Ảnh: MQ.

Lực lượng biên phòng Tây Ninh tuần tra trên tuyến biên giới. Ảnh: MQ.

Bộ NN-PTNT ban hành Công văn khẩn

Theo phản ánh của người dân, thời gian qua hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới Tây Nam vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là biên giới với Campuchia làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như như bệnh dịch tả lợn Châu Phi, Lở mồm long móng, tai xanh, dịch tả lợn cổ điển,…

Hầu hết, lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn thức ăn có chứa các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.

Tây Ninh là tỉnh có đường biên giới dài trên 230km với nhiều đường mòn, lối mở. Vì vậy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại,  xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới luôn diễn biến phức tạp, khó lường.

Thời gian qua, lực lượng chức năng địa phương liên tục phát hiện các vụ buôn lậu, tuy nhiên mang tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu là hàng tiêu dùng do các cư dân biên giới chẻ nhỏ vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam qua các đường mòn, lối mở và hai bên cánh gà cửa khẩu.

Đối tượng chủ yếu là cư dân các xã biên giới thuộc huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu, Trảng Bàng chuyên vận chuyển thuê hoặc trực tiếp mua bán vận chuyển hàng lậu từ Campuchia về Việt Nam.

Để chấm dứt ngay tình trạng buôn lậu lợn qua biên giới, ngày 17/9/2024, Bộ NN-PTNT đã có công văn gửi UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị địa phương tập trung chỉ đạo các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tập trung nguồn lực tổ chức ngăn chặn, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn vào Việt Nam.

Sau khi có văn bản từ Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Tây Ninh yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo đó, để chủ động phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên đàn vật nuôi và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh do vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật nhập lậu từ biên giới vào địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh tăng cường công tác kiểm dịch động vật. Ảnh: Trần Trung.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh tăng cường công tác kiểm dịch động vật. Ảnh: Trần Trung.

Đối với Bộ đội Biên phòng, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt tập trung xử lý các trường hợp động vật nghi ngờ nhập lậu từ Campuchia.

UBND tỉnh Tây Ninh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa điểm tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển trâu, bò, heo, gia cầm tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

Riêng các địa phương, UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị thống kê số liệu, kiểm soát đàn vật nuôi của địa phương, đặc biệt các xã có chung biên giới với Campuchia để kịp thời phát hiện sự biến động, tăng số lượng đột biến do có sự câu kết, hợp thức hoá nguồn gốc đàn vật nuôi được vận chuyển, nhập lậu. Đồng thời chú ý các trường hợp hợp thức hoá, làm giả, làm trái quy định các loại giấy tờ kiểm dịch nhập khẩu, kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh Tây Ninh cũng nêu rõ, lãnh đạo các địa phương chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thuỷ sản qua biên giới và địa bàn tỉnh quản lý dẫn đến tình trạng phát sinh dịch bệnh.

Trạm kiểm dịch động vật Suối Sâu tăng cường công tác thanh, kiểm tra phương tiện vận chuyển động vật. Ảnh: Trần Trung.

Trạm kiểm dịch động vật Suối Sâu tăng cường công tác thanh, kiểm tra phương tiện vận chuyển động vật. Ảnh: Trần Trung.

Kiểm soát chặt

Là đầu mối giao thông trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, Trạm kiểm dịch động vật Suối Sâu có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh động vật.

Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Tây Ninh cho biết, là tỉnh biên giới với nhiều cửa khẩu quốc gia, quốc tế, cửa khẩu địa phương và nhiều đường mòn lối mở, rất thuận tiện trong việc trao đổi buôn bán... nên tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh gia súc, gia cầm qua đường biên giới rất cao.

Bình quân mỗi ngày có hàng chục lượt phương tiện vận chuyển hàng nghìn gia súc, gia cầm qua Trạm kiểm dịch động vật Suối Sâu. Xác định thực hiện tốt công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật là biện pháp ngăn ngừa các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ chăn nuôi, cán bộ tại Trạm luôn tập trung chuyên môn, không lơ là chủ quan, tăng cường kiểm tra, giám sát liên tục 24/24 giờ, đảm bảo trọng trách được giao.

“Cùng với việc tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Chi cục chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm động vật trái phép”, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh chia sẻ.

Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Phó Chính ủy, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh cho biết thêm, đặc điểm của tuyến biên giới của Tây Ninh đa số là đồng bằng, đường đi bằng phẳng rất dễ để các đối tượng buôn lậu nhắm đến.

Xác định nhập lậu gia súc, gia cầm vào biên giới sẽ có tác động đến kinh tế nói chung và mối nguy về việc lây lan dịch bệnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là lực lượng công an, lực lượng hải quan, ngành nông nghiệp tích cực tuần tra, kiểm soát chặt ở các đường mòn, lối mở qua biên giới, kiên quyết không để lợn từ Campuchia vào trong nội biên.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tây Ninh chưa phát hiện trường hợp buôn lậu động vật qua biên giới. Ảnh: Trần Trung.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Tây Ninh chưa phát hiện trường hợp buôn lậu động vật qua biên giới. Ảnh: Trần Trung.

“Người dân không nên tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là gia súc, gia cầm nhập khẩu trái phép vào địa bàn tỉnh”, Đại tá Nguyễn Văn Dũng khuyến cáo.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh khẳng định, từ đầu năm đến nay, tỉnh chưa phát hiện trường hợp, đối tượng buôn lậu lợn qua biên giới.

“Sau khi nhận công văn từ Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu lợn qua biên giới”, ông Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.