| Hotline: 0983.970.780

Chống khai thác IUU góp phần giảm nhẹ tai nạn trên biển

Thứ Tư 06/12/2023 , 15:14 (GMT+7)

Theo quy định trong chống khai thác IUU, trước khi ra khơi, tàu cá và thuyền viên được ngành chức năng kiểm soát kỹ càng. Do đó, tai nạn trên biển được giảm nhẹ.

Nguy hiểm rình rập

Bình Định hiện có gần 6.000 tàu cá với hơn 40.000 lao động trên biển, trong đó có khoảng 3.200 tàu chuyên đánh bắt xa bờ. Lao động trên biển là làm những công việc nặng nhọc và rất đặc thù, không phải ai có sức khỏe cũng làm được. Trước muôn trùng sóng nước, công việc của những lao động trên biển thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro. Thế nhưng, do ỷ lại về thời gian thâm niên trong nghề, kinh nghiệm đầy mình, nên ngư dân chủ quan, thậm chí thiếu ý thức về an toàn lao động dẫn tới những tai nạn đáng tiếc.

Cách đây chừng 5 năm, hằng năm, tại Bình Định có đến gần 100 vụ tai nạn trên biển. Ví như vào năm 2017, ngư dân Bình Định gặp 88 sự cố tai nạn trên biển, trong đó 14 trường hợp tàu chìm, phá nước; 39 trường hợp tàu bị hỏng vỏ, máy; 5 trường hợp tàu bị mắc cạn; 22 trường hợp thuyền viên bị tai nạn, 8 trường hợp tàu bị hư hỏng nhẹ. Trong năm 2017, ngành đánh bắt thủy sản của Bình Định có đến 33 thuyền viên trong quá trình hoạt động khai thác bị chết và mất tích; trong đó có 9 thuyền viên chết và  24 thuyền viên bị mất tích.

Đặc thù lao động trên biển làm việc rất nặng nhọc, ban đêm thường phải thức trắng để đánh bắt, lại chủ yếu làm việc tay chân trong điều kiện sóng gió. Ảnh: V.Đ.T.

Đặc thù lao động trên biển làm việc rất nặng nhọc, ban đêm thường phải thức trắng để đánh bắt, lại chủ yếu làm việc tay chân trong điều kiện sóng gió. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, nguyên nhân dẫn đến tai nạn trên biển thì nhiều vô cùng, nhưng chủ yếu là do chủ quan của ngư dân, nhiều nhất là những trường hợp bị rơi xuống biển giữa đêm tối khi ngồi mạn tàu đi vệ sinh cá nhân và mất an toàn khi lao động.

“Hiện nay, chỉ những tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 mới được trang bị nhà vệ sinh cho thuyền viên, hàng ngàn chiếc tàu vỏ gỗ đóng trước đây không tàu nào có nhà vệ sinh. Do đó, thuyền viên đi vệ sinh cá nhân chỉ mỗi 1 cách là ngồi trên mạn tàu. Nếu tàu “vấp” phải con sóng lớn, thuyền viên đang đi vệ sinh rơi xuống biển trong đêm mà trên tàu không ai biết là rất nguy hiểm.

Hoặc thuyền viên không mặc áo phao khi làm việc dẫn đến khi bị trượt ngã hay sóng cuốn, gió lớn xô xuống biển. Tuy nhiên, chiếm phần nhiều trong các vụ tai nạn lao động trên biển là do ngư dân đang làm việc mà sơ ý để dây tời, neo quấn hay bị lật thúng. Nhiều thuyền viên bị tai nạn là do các thiết bị trên tàu cá chưa được tính toán, kiểm tra kỹ để đảm bảo an toàn”, ông Trần Văn Vinh chia sẻ.

Tai nạn giảm nhờ quy định chống khai thác IUU

Theo ông Trần Văn Vinh, để đảm bảo an toàn cho ngư dân khi đang hoạt động trên biển, thông qua chương trình phát triển tàu cá vỏ thép, những năm trước đây, ngành chức năng thường xuyên tổ chức những lớp tập huấn về kiến thức an toàn lao động để nâng cao ý thức cho ngư dân. Ngoài ra, ngư dân còn được hướng dẫn kỹ năng xử lý rủi ro gặp phải trong lúc lao động, thông qua các buổi tuyên truyền pháp luật biển đảo ngắn hạn do các cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đóng ở các địa phương thực hiện.

Nhờ đó, đến nay, đã gần hết năm 2023, số vụ tai nạn trên biển ở Bình Định giảm chỉ còn 26 vụ. Trong đó có 8 vụ tàu cá bị hỏng máy, 1 vụ tàu bị phá nước, 6 vụ tàu bị phá nước dẫn đến chìm, 2 tàu bị đâm va chìm, 3 vụ thuyền viên đang lao động trên biển bị gặp tai nạn, 3 vụ thuyền viên bị ốm khi đang hoạt động trên biển và 3 vụ thuyền viên bị rơi xuống biển khi đang làm việc. Số ngư dân Bình Định tử vong do tai nạn lao động trong năm 2023 là 2 người, mất tích 6 người.

Theo nhìn nhận của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn trên biển là chủ quan của ngư dân. Bên cạnh đó, đặc thù lao động trên biển rất nặng nhọc, ban đêm thường phải thức trắng để đánh bắt, lại chủ yếu làm việc tay chân trong điều kiện sóng gió, trơn trượt, trong khi người lao động chưa được trang bị, đào tạo bài bản, đầy đủ kỹ năng đánh bắt và an toàn trên biển.

Trước muôn trùng sóng nước, những lao động trên biển thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh: V.Đ.T.

Trước muôn trùng sóng nước, những lao động trên biển thường xuyên đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phan Thanh Tĩnh, chủ tàu cá đánh bắt xa bờ ở phường Đống Đa (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chia sẻ: Ngoài việc chấp hành các quy định, trong các chuyến đi đánh bắt dài ngày trên biển ngư dân không tránh khỏi mệt mỏi, dẫn tới sơ sẩy. Chủ tàu phải có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở thuyền viên cẩn thận cả trong khi làm việc lẫn trong sinh hoạt để tránh dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Theo ông Trần Văn Vinh, những năm gần đây, số vụ tai nạn trên biển của ngư dân Bình Định giảm thiểu là nhờ ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra an toàn tàu cá. Đặc biệt, công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) có tác động rất lớn đến vấn đề an toàn lao động trên biển.

“Theo quy định trong chống khai thác IUU, trước khi tàu cá xuất bến phải đảm bảo an toàn nên ngành chức năng kiểm tra rất chặt chẽ. Thêm vào đó, ý thức bảo vệ tính mạng của ngư dân hiện đã được nâng cao, thông qua công tác kết hợp tuyên truyền bảo đảm an toàn lao động trên biển và an toàn phương tiện trong những đợt vận động ngư dân chống khai thác IUU. 100% tàu cá đánh bắt xa bờ của Bình Định hiện đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị này giúp kết nối thông tin từng tàu cá đánh bắt trên biển với trạm bờ, nên thông tin bất lợi về thời tiết trên biển được các tàu cá nắm bắt kịp thời, tránh được rủi ro”, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.