| Hotline: 0983.970.780

Lo chống rét cho đàn gia súc

Thứ Ba 24/12/2019 , 08:41 (GMT+7)

Lần thứ hai trong mùa đông năm nay một số nơi ở Hà Giang đã có băng giá. Việc phòng, chống rét, bảo vệ đàn gia súc là vấn đề cấp thiết được tỉnh đề ra.

18-17-01_1
Người dân xã Tả Lủng, huyện Mèo Vạc chuẩn bị thức ăn cho đàn gia súc trong những ngày giá rét.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà Giang, đợt rét từ ngày 20/12 đến nay tại một số điểm của tỉnh Hà Giang dao động từ 7 đến 15 độ. Một số vùng núi cao như thị trấn Đồng Văn, Phó Bảng, huyện Đồng Văn đã có băng giá. Đặc biệt tại khu vực núi Chiêu Lầu Thi, huyện Hoàng Su Phì có băng giá mật độ lớn.

Theo dự báo, từ nay đến cuối tháng 12 thời tiết rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra. Vì vậy, việc thực hiện các phương án tuyên truyền, vận động người dân phòng, chống rét, bảo vệ đàn gia súc là vấn đề cấp thiết.

Nắm bắt được diễn biến thời tiết khắc nghiệt, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố, ngành chức năng thực hiện việc kiểm tra, hướng dẫn cơ sở thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho đàn gia súc.

Những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C hoặc rét đậm kéo dài không chăn thả trâu, bò tự do. Tùy vào điều kiện cụ thể của từng địa phương và từng loại vật nuôi hàng ngày có thể chăn thả trâu, bò ra khỏi chuồng khoảng 3 đến 5 giờ để tránh hiện tượng trâu, bò bị cuồng chân; không bắt trâu, bò làm việc.

Hiện toàn tỉnh Hà Giang có hơn 289.800 con trâu, bò, với trên 112.300 hộ nuôi. Để phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, các địa phương đã tích trữ khoảng 19.000 tấn thức ăn tinh, khoảng 404.200 tấn thức ăn thô xanh, trồng 27.000 ha cỏ các loại.

Huyện Mèo Vạc là địa phương có thời thiết mùa đông khắc nghiệt bậc nhất của tỉnh. Những ngày này, tại nhiều điểm nơi đây nhiệt độ đã xuống dưới 4 độ C. Theo thống kê, hiện toàn huyện Mèo Vạc có 86.000 con gia súc, trong đó trâu hơn 4.000 con, bò trên 30.500 con.

Để duy trì, phát triển ổn định đàn đại gia súc trong mùa đông, chính quyền huyện đã thành lập ban chỉ đạo phòng, chống đói rét cho trâu bò, phân công nhiệm vụ rõ ràng đến từng phòng ban, xuống tận từng xã tuyên truyền, vận động người dân củng cố chuồng trại, đảm bảo các điều kiện vệ sinh và phòng, chống đói rét. Các địa phương cũng chủ động tốt các phụ phẩm nông nghiệp để làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò trong những ngày giá rét.

Gia đình ông Lầu Xìa Pó, thôn Quán Xí, xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc hiện nay nuôi 3 con bò vỗ béo. Ông Pó cho biết, do đặc thù là xã núi đá, diện tích đất canh tác ít, độ dốc lớn, mùa đông thường khắc nghiệt. Mùa đông năm nay tại Quán Xí đã có băng tuyết. Để bảo vệ đàn gia súc, ông chủ động che chắn chuồng trại và tận dụng rơm, rạ sau khi gặt để làm thức ăn dự trữ cho đàn gia súc. Gia đình đã trồng được 0,5 ha cỏ voi làm thức ăn phục vụ chăn nuôi.

Một trong những khó khăn trong công tác phòng, chống rét ở Hà Giang hiện nay đó là ý thức của người dân còn hạn chế. Một số nơi bà con còn giữ thói quen chăn thả tự do. Bởi vậy, trong số hơn 112.300 hộ chăn nuôi thì chỉ có 84.000 hộ có chuống kiên cố, còn lại là chuồng tạm và vẫn còn 380 hộ chưa có chuồng chăn nuôi.

18-17-01_2
Những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C, nhiều hộ chăn nuôi ở Hà Giang chủ động không chăn thả gia súc.

Số hộ chăn nuôi trâu, bò chưa có chuồng nuôi tập chung tại huyện Mèo Vạc 55 hộ, huyện Hoàng Su Phì 184 hộ, huyện Xín Mần 75 hộ, huyện Bắc Quang 10 hộ và huyện Quang Bình 55 hộ.

Tại các huyện này, ngoài việc chỉ đạo triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc thì việc tuyên truyền, chỉ đạo các hộ xây dựng chuồng trại, đảm bảo 100% số hộ chăn nuôi phải có chuồng trại và đảm bảo che chắn cho vật nuôi. 

Đến nay, các địa phương tại tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ hơn 2,5 tỷ đồng cho 1.700 hộ làm chuồng chống rét cho đàn gia súc; vận động được 105.178 hộ ký cam kết thực hiện công tác phòng chống đói rét cho trâu, bò.

Ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Giang cho biết, từ đầu vụ rét đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có gia súc bị chết rét. Tuy nhiên không vì thế mà chủ quan, lơ là. Bởi với người dân Hà Giang con trâu, con bò vẫn là tài sản rất lớn. Vì vậy ngành chăn nuôi và thú y tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động người dân, bảo vệ đàn gia súc không bị đói, rét.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.