| Hotline: 0983.970.780

Chốt từ cửa ngõ đến cơ sở chăn nuôi để chặn cúm A/H5N1

Chủ Nhật 12/03/2023 , 17:06 (GMT+7)

TP.HCM tăng cường kiểm soát gia cầm đưa về giết mổ, tiêu thụ tại Thành phố, đồng thời thực hiện các biện pháp nhằm đáp ứng khẩn cấp phòng ngừa dịch bệnh cúm A/H5N1.

Cán bộ Trung tâm kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP. HCM lấy mẫu xét nghiệm cúm A/H5N1 trên gia cầm trước khi vận chuyển vào thành phố. 

Cán bộ Trung tâm kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP. HCM lấy mẫu xét nghiệm cúm A/H5N1 trên gia cầm trước khi vận chuyển vào thành phố. 

Chặn tại cửa ngõ

Dù TP. HCM không nằm giáp ranh với Campuchia, nhưng lại là địa phương có mức tiêu thụ các sản phẩm gia súc, gia cầm lớn, vì vậy công tác quản lý an toàn dịch bệnh cũng như an toàn thực phẩm được các sở, ban ngành đặc biệt quan tâm. 

Nhằm đáp ứng khẩn cấp phòng ngừa dịch bệnh trong bối cảnh Campuchia đã ghi nhận các ca mắc  cúm A/H5N1, trong đó có một người tử vong tại tỉnh Prey Veng - khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, TP. HCM đã có những biện pháp phòng chống dịch bệnh, cũng như ngăn chặn dịch bệnh ngay tại cửa ngõ. 

Chúng tôi có mặt tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức (Thành phố Thủ Đức, TP. HCM) đúng vào lúc các cán bộ nơi đây đang tiến hành công tác lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên trong số gia cầm đang chuẩn bị vận chuyển đưa về thành phố tiêu thụ.

Ông Phạm Ngọc Chí, Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cho biết, theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, Sở NN-PTNT TP. HCM, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM, đơn vị đã tăng cường phối hợp kiểm tra kiểm soát đối với nguồn gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm từ các tỉnh thành đi vào TP. HCM giết mổ, tiêu thụ.

Đối với gia cầm và các sản phẩm gia cầm, lực lượng kiểm dịch thuộc Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức tăng cường lấy mẫu giám sát ngẫu nhiên về lưu hành virus cúm gia cầm khi vận chuyển về thành phố, để từ đó có những cảnh báo sớm.

Theo ông Chí, các nguồn động vật đa phần đều được kiểm soát từ gốc và chủ yếu được đưa về thành phố từ các nguồn khu vực Đông Nam Bộ. "Mỗi ngày (24 tiếng - PV), tại Trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức có khoảng 10 phương tiện vận chuyển gia cầm, tương đương 18.000-20.000 con gia cầm về thành phố giết mổ và tiêu thụ. Khoảng 15-20 phương tiện vận chuyển heo (tương đương 2.000 con)", ông Chí cho hay.

Ông Chí cho biết thêm, gần đây Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức cũng đã xử lý một trường hợp vận chuyển khoảng 500-700kg thịt heo đã qua giết mổ, tuy nhiên khi vận chuyển vào thành phố lại không thực hiện kiểm dịch tại Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức nên được lực lượng Kiểm dịch cùng CSGT yêu cầu tiêu độc khử trùng trước khi vào thành phố, dù có giấy kiểm soát giết mổ từ gốc.

Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức Phạm Ngọc Chí có 7 cán bộ, để kiểm soát 24/24 giờ từ thứ 2 đến Chủ nhật, không có ngày nghỉ thì họ phải bố trí các kíp trực. "Mỗi ca có hai người trực, cứ thế thay phiên nhau trong 7 ngày, lực lượng căng sức thực hiện, tăng cường kiểm tra chặt chẽ về mặt lâm sàng, cũng như phối hợp với các đơn vị liên quan để tuần tra kiểm soát các hoạt động trái phép tại khu vực quốc lộ 1A", ông Chí nói.

Kiểm soát các xe vận chuyển gia súc, gia cầm tại Quốc lộ 1A.

Kiểm soát các xe vận chuyển gia súc, gia cầm tại Quốc lộ 1A.

Tháng tiêu độc khử trùng

Theo ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP. HCM, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã được triển khai đồng bộ và xuyên suốt từ trên xuống dưới tại 21 quận huyện và Thành phố Thủ Đức.

Trong đó, công tác phòng chống cúm gia cầm cũng được lãnh đạo thành phố, Sở NN-PTNT chỉ đạo. Bên cạnh việc củng cố lại ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm của Thành phố và các quận huyện, thì cũng thành lập đội kiểm tra liên ngành cấp thành phố (gồm quản lý thị trường, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Công an) và cấp quận huyện nhằm kiểm tra việc kinh doanh, giết mổ gia cầm, giấy phép vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…

Ở góc độ chuyên ngành, ông Thiết cho biết, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia cầm tại cơ sở giết mổ gia cầm chính danh (kiểm soát về đầu vào, giấy tờ nguồn gốc, tăng cường kiểm tra lấy mẫu để giám sát chủ động và giám sát bệnh). Đồng thời, lấy mẫu ngẫu nhiên tại cơ sở chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển về thành phố.

Thực hiện tiêu động khử trùng xe chở gia súc, gia cầm trước khi vào thành phố giết mổ.

Thực hiện tiêu động khử trùng xe chở gia súc, gia cầm trước khi vào thành phố giết mổ.

"Có hai loại lấy mẫu, một là lấy mẫu kiểm tra trị giá bảo hộ sau tiêm phòng; hai là kiểm tra giám sát chủ động - lấy mẫu ở ngoài thị trường xem có xuất hiện bệnh trên cơ thể động vật hay không. Từ đó, sẽ có những cảnh báo kịp thời, phối hợp xử lý, tiêu hủy đàn gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh, dương tính với virus cúm gia cầm theo quy định", ông Thiết thông tin.

Ông Thiết cho biết thêm, ngành thú y cũng lên kế hoạch tiêm phòng 2 năm/lần phòng bệnh bằng các loại vacxin đối với các loại gia súc, loại vacxin được chỉ định theo Bộ NN-PTNT. 

Ngoài ra, trong tháng 3, TP. HCM cũng triển khai tháng tiêu độc khử trùng theo kế hoạch triển khai của Bộ NN-PTNT. Triển khai đồng loạt trên các đối tượng từ cơ sở chăn nuôi, giết mổ, kiểm dịch tại các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông giáp ranh với các tỉnh, xe sẽ được yêu cầu tiêu độc khử trùng trước khi vào thành phố. "Đây là tháng chuyển mùa, trước khi vào mùa nắng nóng, sức đề kháng của vật nuôi có sự thay đổi, nên tăng cường công tác phòng chống dịch để khử độc tiêu trùng để ngăn chặn mầm bệnh", ông Thiết cho hay.

Đặc biệt, Chi cục Thú y và Chăn nuôi cũng tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, cũng như tham mưu cho UBND các quận, huyện tăng cường tần xuất các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát dịch bệnh. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh phòng bệnh; thường xuyên vệ sinh, sát trùng khu vực chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh; giám sát tiêm phòng đầy đủ vacxin phòng bệnh cúm gia cầm cho đàn gia cầm; tiếp tục duy trì vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh cúm gia cầm trên địa bàn TP.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.