| Hotline: 0983.970.780

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường:

Chủ động khôi phục sản xuất sau bão số 1, không trông chờ, ỉ lại

Chủ Nhật 31/07/2016 , 17:29 (GMT+7)

Cả ngày 30/7, tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã đi thực tế tình hình thiệt hại sau cơn bão số 1. Bộ trưởng đánh giá rất cao việc chủ động khôi phục sản xuất của các tỉnh; đồng thời cho biết, sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ địa phương bị thiệt hại.

* Diễn biến bão trái dự báo!

* Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình thiệt hại nặng

Bão số 1 nặng hơn nhiều so dự báo ban đầu. Gió cấp 11, 12, giật trên cấp 12. Mưa lớn kéo dài trên diện rộng gây ngập úng hầu như toàn bộ đồng ruộng 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

Hà Nam: Còn 4.000 ha ngập sâu

Hà Nam, sáng 30/7, vẫn còn 12.000 ha lúa úng ngập/33.000 ha lúa mùa, trong đó có 4.000 ha ngập sâu. Tại một cánh đồng xã Thanh Lưu, huyện Thanh Liêm. Nước băng băng. Cả cánh đồng trông như hồ lớn.

Là người hiểu và có kinh nghiệm chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, tân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lội thẳng xuống ruộng cảm nhận mức độ nước ngập. Ông nhổ một khóm lúa, quan sát kỹ rễ, thân, lá, và đánh giá khả năng phục hồi. 

Tiếp tục thực địa các vùng lúa ngập ở xã Thanh Lương, huyện Thanh Liêm, thảo luận cùng các cán bộ nông nghiệp, Bộ trưởng nhanh chóng đưa ra một số giải pháp khắc phục.

Ông tổng kết: Lúa mùa mới cấy trên dưới 15 ngày tuổi, nếu tiêu thoát nước tốt vẫn sẽ đảm bảo tốt năng suất. Kể cả với những ruộng ngập sâu, chỉ cần lúa "hở râu trê", nghĩa là chỉ cần hở một chút lá để cây lúa thở, đều hoàn toàn cứu được. Trước mắt các địa phương phải tích cực bơm tiêu thoát. Vệ sinh đồng ruộng, chú ý rửa sạch bùn bám trên lá lúa, tăng khả năng quang hợp; dùng các loại phân bón lá giúp cây lúa nhanh hồi phục.

Bộ trưởng lưu ý: Chỉ những ruộng ngập sâu không thể cứu vãn nổi mới tính phương án gieo cấy lại. Còn lại chỉ cần dùng biện pháp kỹ thuật. Năm nay khả năng gió heo may về sớm hơn nên lúa gieo cấy lại nếu muộn quá gặp lúc trời trở heo may sẽ không đảm bảo năng suất. Hơn nữa lúa gieo cấy lại còn có thể gặp nhiều rủi ro khác đặc biệt các cơn mưa bão tiếp theo có thể xảy ra vì đây mới chỉ là cơn bão số 1. Cơ quan chuyên môn cần ban hành ngay một gói kỹ thuật, kịp thời cứu lúa.

bo-5162619390
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kiểm tra khắc phục bão lụt tại Thái Bình

 

Bộ trưởng tiếp tục đến thăm khu nông nghiệp công nghệ cao của Cty CP An Phú Nông, xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân. Một cảnh tượng tan hoang. Nhà kính, nhà lưới hư hỏng toàn bộ nilon bao phủ, lưới bao quanh bị xé rách, các khung sắt bị bẻ gãy, vặn xoắn. Trong trại, ngổn ngang, từng đống quả non đu đủ, dưa lê, đậu bắp, cà tím, cà pháo, bầu, mướp… công nhân mới thu lượm về. Mức thiệt hại do sức tàn phá của cơn bão đối với trang trại rộng trên 21 ha này, là mô hình điểm nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nam, lên đến 3,7 tỷ đồng.

Trình bày với Bộ trưởng, bà Nguyễn Thu Đang, người phụ nữ nhỏ nhắn, giám đốc doanh nghiệp, thiểu não nói không thành lời: Bão khó lường, mất mát lớn quá!

Bộ trưởng động viên bà Đang cố gắng vượt qua khó khăn trước mắt để tổ chức lại sản xuất. Ông hỏi, ân cần: "Ngay lúc này doanh nghiệp cần gì nhất?". Bà Đang: "Cần các loại giống, phải làm ngay để cung cấp trở lại các hợp đồng đang bị vỡ. Tiếp đến là vốn. Vốn lúc nào cũng cần".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang, thống nhất rằng, bằng mọi biện pháp, phải hỗ trợ kịp thời những doanh nghiệp đi đầu làm nông nghiệp công nghệ cao bị thiệt hại do bão, đảm bảo tái sản xuất.

bo-1162531169
Khu nông nghiệp công nghệ cao của Cty CP An Phú Nông (Hà Nam) tan tành sau bão. Ảnh: Lê Bền

 

Nam Định: Bão mạnh nhất 36 năm qua!

Theo báo cáo của tỉnh Nam Định, bão số 1 là cơn bão dị thường, mạnh, kéo dài, lại đổ bộ vào ban đêm, khi vào gần bờ mạnh lên rất nhiều và đi rất chậm, gây thiệt hại nặng nề về sản xuất, cơ sở hạ tầng, tài sản. Tổng thiệt hại toàn tỉnh Nam Định do bão số 1 gây ra lên đến trên 2.346 tỷ đồng.

Đi trên các đường nông thôn Nam Định, đập vào mắt từng hàng bạch đàn, cây gỗ lâu năm bị bão bẻ gãy ngang thân, te tua, ngổn ngang. Những rặng chuối đổ thê thảm. Báo cáo Bộ trưởng  và đoàn công tác, Chủ tịch tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, cho biết: Đây là cơn bão rất lạ, chúng tôi hết sức băn khoăn. Theo dự báo thì hướng đi của bão, tâm bão là chính xác.

Thế nhưng, dự báo cấp gió là 9, 10, thực tế bão lại rất lớn, gió giật cấp 13. Thời gian lưu bão lâu, tới trên 4 giờ. Có một điều lạ nữa, đêm trước khi bão vào có sấm chớp. Vì có sấm chớp khiến dân nghĩ bão sẽ không vào sinh tâm lý chủ quan.

Thực tế bão quá mạnh, có cán bộ ở Nam Định đánh giá bão mạnh nhất 36 năm qua, kể từ 1980. Riêng thành phố Nam Định có trên 1.000 cây xanh, nhiều cây lớn trồng từ thời Pháp thuộc, bị gãy đổ. Chỉ một điều mừng, cơn bão này không gây thiệt hại về người. Đối với lúa, Nam Định bị ngập tới 74.000/78.000 ha lúa mùa. Bão khiến trên 14.000 cột điện bị đổ, gãy, toàn tỉnh mất điện hoàn toàn, công tác bơm tiêu úng sau đó rất khó khăn. 


Một bức tường bao tại Nam Định bị đổ vỡ vụn vì bão số 1 (Ảnh: Mai Chiến)

 

Sau bão, Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhanh chóng huy động lực lượng cùng với tỉnh khắc phục sự cố. Sáng 28/7 khi bắt đầu có điện trở lại, công tác bơm chống úng được ngành nông nghiệp dốc toàn lực. Hệ thống trạm bơm Bắc Nam Hà vận hành liên tục tiêu thoát 30 triệu m3/ngày đêm cho các huyện phía bắc Nam Định, là nơi bị úng ngập nặng nhất. Chủ tịch tỉnh Nam Định cho biết, riêng tiền điện cho bơm tiêu úng tỉnh phải chi trên 1 tỷ đồng/ngày đêm.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá rất cao công tác khắc phục sự cố điện và tiêu úng của tỉnh Nam Định. Theo Bộ trưởng, Nam Định vẫn còn trên 10.000 ha lúa bị ngập cần tập trung cao độ rút nước nhanh cứu lúa, hạn chế tối đa gieo cấy lại. Những nơi còn mất điện, ngập cục bộ thì cần huy động máy bơm dầu tiêu úng. 

Theo Bộ trưởng, bão số 1 gây thiệt hại rất nặng cho Nam Định, đặc biệt về nông nghiệp, nhưng tỉnh cũng cần coi đây là một phép thử, về công tác dự báo, phòng chống bão lụt trước biến đổi khí hậu diễn biến bất thường. Đặc biệt là nhìn lại để tái cơ cấu nông nghiệp. Cần sớm chuyển đổi vùng trũng sang nuôi trồng thủy sản, vùng đất cao chuyển trồng cây ăn quả, trồng màu, đảm bảo điều hòa nước kể cả khi mưa lũ lớn.

Một điều hết sức chú ý nữa, theo Bộ trưởng , bão số 1 khiến hệ thống cột điện gẫy đổ, hư hỏng quá nhiều, thời gian khắc phục sẽ lâu và tốn kém. Tỉnh cần kiến nghị Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét thiết kế lại hạ tầng hệ thống điện cho các tỉnh ven biển trước tình hình biến đổi khí hậu.

Thái Bình, Ninh Bình tiêu úng thành công

Chiều 30/7, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác tiếp tục thị sát tại Thái Bình, Ninh Bình.

Tại Thái Bình, bão số 1 gây mưa lớn, biến động 200-300mm, khiến 50.000 ha lúa bị úng ngập. Bão tan, công tác tiêu úng đã được tỉnh thực hiện nhanh nhất có thể. Đến 7h sáng 30/7, toàn tỉnh Thái Bình chỉ còn 3.000 ha lúa bị ngập.


Nhiều diện tích lúa tại huyện Vũ Thư ngập trắng đồng. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

 

“Thái Bình rõ ràng là tỉnh giàu kinh nghiệm phòng chống bão, minh chứng kết quả tiêu úng nhanh trong trận mưa bão vừa qua là điều các nơi cần học kinh nghiệm Thái Bình”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

Theo ông Trần Mạnh Báo, TGĐ Cty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình, không những tiêu úng tốt mà giống dự phòng của Thái Bình cũng rất dồi dào, đủ cung cấp giống cho nông dân trong tỉnh và các tỉnh bạn.

Tại Ninh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Điến cho biết, khi hay tin có bão, tỉnh chủ động di dời dân khu vực ngoài đê Bình Minh 2 và Bình Minh 3 về nơi trú ẩn an toàn nên không có thiệt hại về người. Tuy nhiên bão số 1 rất mạnh, hệ thống điện, cơ sở hạ tầng của nhà nước và doanh nghiệp thiệt hại nặng. Tổng thiệt hại lên đến 568 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, công tác phòng chống bão của Ninh Bình được chuẩn bị khá chu đáo nhất là công tác di dời dân sống trong các chòi cá ngoài đê biển; tiêu úng sau bão cũng rất tốt. Hiện còn một số diện tích tại các vùng phân lũ Gia Viễn, Nho Quan bị úng ngập, tỉnh cần tập trung cao độ để giải quyết dứt điểm úng ngập, hạn chế thấp nhất việc phải gieo cấy lại.

Bộ trưởng nêu rõ quan điểm: Giống để hỗ trợ nhân dân tái sản xuất, tờ trình đã có sẵn trên bàn làm việc của tôi. Chính phủ lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ giống cho dân khi gặp thiên tai. Duy có điều cần thống nhất là việc hỗ trợ phải làm sao cho đúng, đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. Lấy ví dụ đợt khắc phục thiệt hại bão lụt này, ưu tiên đầu tiên phải cứu lúa ngập úng bằng mọi cách, đầu tiên là nhanh chóng tiêu úng, tiếp đến dùng biện pháp kỹ thuật, chỉ diện tích nào không thể cứu vãn nổi mới tính biện pháp gieo cấy lại và khi đó nhà nước hỗ trợ giống. Tránh mọi trường hợp trông chờ ỉ lại, phó mặc thiên tai, thiệt hại cho sản xuất.

+ Theo UBND tỉnh Nam Định, đến ngày 30/7, toàn tỉnh ước có khoảng 74 nghìn ha lúa mùa mới cấy bị ảnh hưởng, trong đó nhiều diện tích bị ngập nặng, có khả năng phải cấy lại; trên 9.000 ha hoa màu bị dập nát; trên 300 ha cá; 1.500 ha nuôi tôm; trên 1.000 ha nuôi ngao; hơn 12 nghìn lồng bè bị thiệt hại nặng.

Bên cạnh đó, bão cũng khiến trên 1.400 cột điện trung thế và trên 1.000 cột điện hạ thế bị gãy đổ; các công trình công cộng, trường học, hệ thống thông tin liên lạc… bị tàn phá hết sức nặng nề.

Tại Nam Định, cơ quan khí tượng của tỉnh này đã ghi nhận sức gió mạnh tới cấp 12, giật cấp 13. Mặc dù thời gian di chuyển khi trên biển của cơn bão rất nhanh, nhưng khi ập vào đất liền, bão lưu trú trên địa bàn tỉnh này kéo dài trên 4 tiếng đồng hồ vào đêm 27, rạng sáng 28/7.

Tại khu vực TP Nam Định, ngay cả các cây cổ thụ có tuổi đời 70-80 năm vẫn bị quật đổ la liệt. Điều này cho thấy một cơn bão như dự báo chỉ mạnh cấp 8 không thể nào đủ sức.

+ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Đinh Văn Điến: “Không chỉ nông nghiệp, gió bão mạnh đến nỗi một số nhà máy công nghiệp cũng thiệt hại nặng nề. Trong đó một Cty dệt bị bão lật mái, mưa ướt một lượng vải vóc ước thiệt hại 2-3 tỉ đồng. Riêng NM đạm Ninh Bình phải dừng hoạt động do bão tốc, ước thiệt hại lên tới 10 tỉ đồng”.

+ Mùa mưa bão chỉ mới bắt đầu, vì vậy các địa phương phải xem công tác đối phó còn là quãng dài phía trước để tập trung cao độ ứng phó. Bên cạnh khôi phục SX, vấn đề môi trường cũng cần được quan tâm đặc biệt.

Hiện cây xanh gãy đổ, rác thải do bão nhiều nơi vẫn chưa kịp xử lí, đề nghị các địa phương cần huy động thêm các lực lượng xung kích và cả nhân dân cùng chung tay xử lí khắc phục, nhất là đề phòng các cơn bão khác có thể ập vào thời gian tới.

(Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường)

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm