| Hotline: 0983.970.780

Thứ Tư 19/05/2010 , 10:37 (GMT+7)
Văn Hùng

Văn Hùng

Nhà báo 10:37 - 19/05/2010

Chữ ký của hai ông Chủ tịch

Ngày 28/1/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã ký quyết định số 243 về việc Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá.

Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân trên đây được hỗ trợ 2 triệu đồng/ha để khai hoang đất trồng cao su, được cung cấp các dịch vụ khuyến nông miễn phí do Cty Cao su Thanh Hoá cung cấp; được hỗ trợ 50% lãi suất khi vay vốn của Tập đoàn CNCSVN hoặc vốn của Ngân hàng thương mại.

Quyết định 243 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá có hiệu lực thi hành đến nay đã được 15 tháng. Năm 2009, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính phân bổ 4,9 tỷ đồng cho các hộ dân được hưởng chính sách phát triển cao su. Song cho đến thời điểm này, số tiền trên vẫn chưa được giải ngân. Lý do Sở đưa ra là chưa nhận được hồ sơ từ các đơn vị liên quan gửi đến để Sở Tài chính phê duyệt và giải ngân vốn.

Thực tế thì hàng trăm bộ hồ sơ của nhân dân đã được gửi đến Cty cao su và đề nghị giải ngân vốn nhưng đến nay người dân vẫn dài cổ trông đợi một cách mòn mỏi. Trong khi kinh phí 2009 chưa được giải ngân thì năm 2010 tỉnh lại tiếp tục được bố trí vốn cho chính sách này là 4,4 tỷ đồng.

Đó là chữ ký của ông Chủ tịch UBND tỉnh. Còn chữ ký của ông Chủ tịch UBND xã cũng thể hiện “quyết tâm thư” khi thực hiện chính sách thu nộp sản phẩm của nhân dân. Một thực tế là có  người dân khi đến giao dịch với chính quyền địa phương đã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Nhà nào còn nợ nần thì miễn đến xin các loại giấy tờ, chữ ký, đóng dấu cần thiết.

Chuyện có thật ở một xã của huyện Thiệu Hoá khi người dân đến UBND xã xin một loại giấy tờ gì đều phải qua gặp cô kế toán để mở sổ sách xem có còn nợ gì không, sau đó cô kế toán mới viết giấy “đề xuất” giải quyết. Nếu còn nợ hoặc không đồng ý viết giấy “đề xuất” thì phải chạy vòng vo từ thôn lên đến các bộ phận chức năng khác để xin giải quyết nhưng cũng rất khó.  

Trong cuốn sổ “theo dõi nghĩa vụ và đóng góp của gia đình” do UBND xã Hải Lộc huyện Hậu Lộc cấp thì phần quy định có ghi rõ ràng: “Mỗi khi đến giao dịch với địa phương, phải xuất trình sổ kế hoạch gia đình và các giấy tờ liên quan đến công việc gia đình cần giải quyết”. Điều khoản này đồng nghĩa với việc, những gia đình nào còn nợ đọng tiền đóng góp thì khôn hồn mà trả nốt cho chính quyền xã, nếu không, đừng mơ xã xử lý “công việc cần giải quyết” của gia đình mình. Được biết, thương binh Nguyễn Văn Thoa thôn Tân Lộc còn thiếu xã khoản tiền mua vật tư PCLB năm 2008 nên con trai ông là Nguyễn Văn Tích bị chính quyền xã thẳng tay chối từ việc đăng ký kết hôn cũng là lẽ…đương nhiên.!

Chúng tôi muốn kể một vài câu chuyện trong số muôn vàn câu chuyện về cái quyền lực và chữ ký của những ông Chủ tịch- người đứng đầu cấp chính quyền trong việc ban hành chính sách và thực thi chính sách đối với người dân. Câu hỏi mà chúng tôi muốn gửi đến những người có trách nhiệm là bao giờ thì quyền lợi chính đáng của người dân được đối xử công bằng?

Bình luận mới nhất