| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch tỉnh Bắc Giang: Xem xét tái lập hệ thống thú y

Thứ Năm 30/06/2022 , 11:30 (GMT+7)

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ giao Sở Nội vụ và Sở NN-PTNT xem xét các quy định và thực tế để tái lập hệ thống thú y.

Lúng túng khi không có hệ thống thú y theo ngành dọc

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã kiểm tra tình hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Bắc Giang. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 330 trang trại đạt tiêu chuẩn, trong đó có 6 cơ sở chứng nhận VietGAP, 82 cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh và 63 cơ sở tham gia mô hình chăn nuôi lợn, gà an toàn sinh học được tổ chức FAO, Cục Chăn nuôi đánh giá cao.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra cá thể gà lông màu được nuôi tại xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kiểm tra cá thể gà lông màu được nuôi tại xã Xuân Lương, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Dương Thanh Tùng – Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết, đến tháng 6/2022, đàn lợn của tỉnh đạt hơn 931.000 con; đàn gia cầm các loại hơn 20 triệu con, trong đó đàn gà hơn 17 triệu con. Ngoài ra còn có hơn 158.000 con trâu, bò.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, hiện nay, hệ thống tổ chức ngành thú y Bắc Giang không còn là ngành dọc từ cấp tỉnh đến cơ sở. Tại các huyện, thành phố chức năng quản lý nhà nước về thú y giao về cho Phòng NN-PTNT, Phòng Kinh tế thành phố thực hiện. Do đó, việc triển khai nhiệm vụ chuyên môn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y với các địa phương chưa hiệu quả, nhiều trường hợp còn lúng túng, không có đầu mối rõ ràng.

Đặc biệt, số lượng cán bộ có chuyên môn chăn nuôi, thú y làm việc tại các huyện còn rất ít, một số Phòng NN-PTNT không có cán bộ chuyên ngành do vậy rất khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ nhất là khi có dịch xảy ra trên đàn vật nuôi. Kinh phí các cấp dành cho chăn nuôi và phòng chống dịch còn hạn chế.

“Một số chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh nói riêng trên địa bàn phụ trách do vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất lớn”, ông Tùng nhấn mạnh. Bên cạnh đó, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu đầu vào tăng rất cao (khoảng 15-25%) gây ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất và tái đàn của người chăn nuôi.

Do đó, UBND tỉnh Bắc Giang đề xuất với Bộ NN-PTNT sớm ban hành hướng dẫn, thống nhất việc kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cơ sở theo Quyết định số 414 ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ để các địa phương triển khai thực hiện.

Thương hiệu 'Gà đồi Yên Thế' được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Minh Phúc.

Thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Minh Phúc.

Thứ hai là giới thiệu, kết nối doanh nghiệp đầu tư xây dựng, lắp đặt dây chuyền giết mổ tập trung, chế biến sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh hướng đến xuất khẩu, đặc biệt là 2 sản phẩm chủ lực của tỉnh là lợn, gà. Thứ ba là hỗ trợ tỉnh Bắc Giang vacxin tiêm phòng dịch tả lợn Châu Phi.

Khôi phục lại hệ thống thú y cấp huyện là nhiệm vụ cấp bách

Liên quan đến các kiến nghị của tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y chia sẻ: Sắp tới, theo đề nghị của tỉnh Bắc Giang, Cục Thú y sẽ tiến hành đánh giá, thẩm định huyện yên Thế là huyện an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, từ thực tế kiểm tra tại xã Xuân Lương, huyện Yên Thế đang triển khai xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, nếu không có lực lượng thú y thì sẽ rất khó thực hiện theo đúng yêu cầu.

Ngoài phòng, chống dịch bệnh, lực lượng thú y còn làm nhiệm vụ quản lý nhà nước tại cơ sở. Khi chúng ta hình thành các chuỗi sản xuất khép kín, cần phải có lực lượng kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Hiện nay, lực lượng của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đang đảm trách, nhưng không đúng quy định, thậm chí có trường hợp không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không được đào tạo, tập huấn.

Bên cạnh đó, Bắc Giang có rất nhiều cơ sở buôn bán thuốc thú y, và thực tế tỉnh đã kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở sai phạm. Nếu không kiểm soát chặt chẽ thì chắc chắn thị trường thuốc thú y rất lộn xộn, thậm chí có thuốc giả, thuốc lậu như thời gian vừa qua Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nêu.

Hiện nay có hơn 40 tỉnh, thành phố có kế hoạch thực hiện quyết định 414 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 9 tỉnh đã kiện toàn, khôi phục hệ thống thú y. “Rất mong lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sớm kiện toàn lại hệ thống thú y cấp huyện của tỉnh Bắc Giang. Cục Thú y sẵn sàng có buổi đối thoại với Sở NN-PTNT và Sở Nội vụ để làm sao các đơn vị hiểu rõ vấn đề, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, quyết định cấp bách bởi dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào”, ông Long nhấn mạnh.

Về hỗ trợ vacxin dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và các đơn vị liên quan phối hợp với các đơn vị nghiên cứu tiến hành đánh giá, khảo nghiệm vacxin tại một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và chứng minh rất hiệu quả.

“Trong tuần này, Công ty Navetco đã làm việc với một số tỉnh để lựa chọn các địa phương và cơ sở chăn nuôi để tiêm 600.000 liều vacxin từ đầu tháng 7 đến hết tháng 11/2021, để chúng ta khẳng định trong điều kiện thực tế với quy mô rộng lớn, vacxin có hiệu quả. Cuối năm 2022, sau khi có kết quả sử dụng 600.000 liều vacxin dịch tả lợn Châu Phi, Cục sẽ báo cáo Bộ để xem xét triển khai trên diện rộng”, ông Long nói.

Về vấn đề này, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ giao Sở Nội vụ và Sở NN-PTNT nghiên cứu quy định pháp luật và thực tiễn của địa phương để có thể tái lập hệ thống thú y theo ngành dọc.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương giao 2 Sở: Nội vụ, NN-PTNT nghiên cứu để tái lập hệ thống thú y theo ngành dọc. Ảnh: Minh Phúc.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương giao 2 Sở: Nội vụ, NN-PTNT nghiên cứu để tái lập hệ thống thú y theo ngành dọc. Ảnh: Minh Phúc.

Sau khi thăm mô hình chăn nuôi gà với quy mô 16.000 con/năm tại xã Xuân Lương, huyện Yên Thế và khu chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Tân Yên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá rất cao sự chủ động, sáng tạo của Bắc Giang trong phát triển chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Theo Thứ trưởng, Bắc Giang có tổng đàn gia cầm lớn thứ 3 cả nước. Tuy nhiên, khâu chế biến cần được đẩy mạnh đầu tư để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm gia cầm, đặc biệt là thương hiệu gà đồi Yên Thế. Qua đó, nông dân có thể tiêu thụ tốt hơn ở thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Bộ NN-PTNT sẽ chỉ đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với các đơn vị của địa phương để hướng dẫn bà con chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng VietGAP cũng như các chứng chỉ chăn nuôi vùng an toàn dịch bệnh để truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng.

Bà Hạ Thúy Hạnh – PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, thời gian qua, nhiều dự án khuyến nông Trung ương triển khai tại Bắc Giang đã đạt kết quả cao, điển hình là dự án Phát triển mô hình chăn nuôi gà lông màu theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm; dự án Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt tăng cường các biện pháp an toàn sinh học tại một số đơn vị quân đội; dự án Liên kết nuôi cá rô phi thâm canh ứng dụng công nghệ biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm…

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.