| Hotline: 0983.970.780

Cấp thiết kiện toàn hệ thống thú y cấp xã

Thứ Sáu 06/05/2022 , 09:05 (GMT+7)

Kiện toàn hệ thống thú y cấp xã để đảm bảo mỗi xã có một tổ trưởng thú y là yêu cầu cấp thiết của ngành chăn nuôi, thú y tỉnh Vĩnh Long.

Lực lượng thú y cấp xã tại Vĩnh Long tham gia xử lý tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Minh Đảm.

Lực lượng thú y cấp xã tại Vĩnh Long tham gia xử lý tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả heo Châu Phi. Ảnh: Minh Đảm.

Những năm gần đây, lĩnh vực chăn nuôi của Vĩnh Long phát triển mạnh và ổn định. Tổng đàn gia súc gia cầm của tỉnh đứng hàng đầu ở khu vực ĐBSCL.

Dù quy mô lớn nhưng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm luôn được Vĩnh Long phát hiện sớm, xử lý và khống chế kịp thời nhờ sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ hệ thống thú y các cấp, đặc biệt là ở cấp xã hay còn gọi là mạng lưới thú y cơ sở.

Với sự quan tâm của xã hội, mạng lưới thú y cơ sở từng bước được hoàn thiện. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 107 cộng tác viên thú y tại các xã, phường, thị trấn. Theo Luật thú y, cộng tác viên thú y cấp xã phải có trình độ từ trung cấp trở lên. Theo rà soát của cơ quan chủ quản, lực lượng này đáp ứng về trình độ theo quy định mới hơn 90%.

Ngoài những nhiệm vụ theo luật quy định, đội ngũ công tác viên thú y còn thực hiện thêm nhiệm vụ về công tác khuyến nông. Có khoảng 19 đầu việc được giao cho cộng tác viên thú y được thể hiện trong hợp đồng lao động.

Cộng tác viên thú y chịu sự quản lý của UBND xã, Phòng NN-PTNT, Trạm Thú y và Trạm Khuyến nông. Trong đó, Phòng NN-PTNT là cơ quan ký hợp đồng hàng năm và trả lương cho cộng tác viên thú y với hệ số lương cơ bản là 1.0. Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thuỷ sản và Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp tỉnh chỉ chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn.

Ông Lê Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y và Thuỷ sản tỉnh Vĩnh Long cho biết: Chỉ tính riêng trong công tác phòng chống dịch bệnh, trong 10 năm gần đây, mạng lưới thú y cơ sở đã tham gia xử lý hàng trăm ổ dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, đặc biệt là dịch tả heo Châu Phi.

Cụ thể, tháng 5 năm 2019, khi dịch tả heo Châu Phi lần đầu tiên xảy ra trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã làm cho đàn heo của tỉnh bị nhiễm bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy lên tới trên 35.000 con (chiếm gần 9,5% tổng đàn) với tổng trọng lượng trên 2.100 tấn. Các ổ dịch đã xảy ra tại 1.430 hộ, chiếm 14,4% số hộ chăn nuôi toàn tỉnh giai đoạn xảy ra dịch.

Thực hiện nhiều đầu việc nhưng chế độ đãi ngộ đối với lực lượng cộng tác viên thú y không hấp dẫn khiến mạng lưới này có dấu hiệu đuối sức. Ảnh: Minh Đảm.

Thực hiện nhiều đầu việc nhưng chế độ đãi ngộ đối với lực lượng cộng tác viên thú y không hấp dẫn khiến mạng lưới này có dấu hiệu đuối sức. Ảnh: Minh Đảm.

Kết quả cho thấy, mạng lưới thú y cơ sở hoạt động khá hiệu quả và có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển của lĩnh vực chăn nuôi ở Vĩnh Long. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở có nhiều diễn biến phức tạp. Số lượng xin nghỉ việc tăng đáng kể. Chỉ tính riêng khoảng thời gian 2017 - 2020 có 29 cộng tác viên thú y xin nghỉ việc, chất lượng hoạt động không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan chủ quản.

Nguyên nhân, do công việc được giao ngày càng nhiều, khó thực hiện, trách nhiệm lại rất cao nhưng chính sách đãi ngộ lại không tương xứng nên thiếu tính hấp dẫn, thiếu ràng buộc trách nhiệm và không thu hút sự tham gia. Hơn hết, nghề thú y là nghề độc hại vì thường xuyên tiếp xúc với vi trùng, với chất thải động vật, môi trường nuôi nhốt, chăn thả ô nhiễm, lại nguy hiểm vì đối đối diện với vật nuôi hung hãn mỗi khi tiêm phòng và chữa bệnh, phải di chuyển rất nhiều trong quá trình thực hiện nhiệm vụ….

Tuy nhiên, chính sách bảo hiểm xã hội lại không có. Bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn chỉ một số địa phương quan tâm thực hiện. Vì những lý do trên mà gần đây mạng lưới thú y cơ sở đang có dấu hiệu suy yếu và không mấy mặn mà với công việc, nhất là sau đợt chống dịch tả heo Châu Phi năm 2019.

Hiện nay, độ tuổi cộng tác viên thú y ngày càng già đi nhưng không tìm được lực lượng trẻ thay thế, có gần 20 người trên 50 tuổi. Nhiều địa phương chậm tiến độ tiêm phòng là do thiếu lực lượng cộng tác viên thú y.

Những năm gần đây, phương thức chăn nuôi công nghiệp quy mô trang trại được mở rộng. Tuy nhiên, phổ biến vẫn là hình thức chăn nuôi quy mô gia đình, nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn sinh học rất dễ phát sinh dịch bệnh. Do đó, xây dựng và duy trì mạng lưới thú y cơ sở để hỗ trợ chăn nuôi phát triển, phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm và thuỷ sản là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Ông Lê Thanh Tùng cho rằng, việc kiện toàn hệ thống thú y cấp xã, đảm bảo mỗi xã có một tổ trưởng thú y là yêu cầu cấp thiết. Bên cạnh đó, phải có chính sách về bảo hiểm, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và chuyển giao kiến thức khoa học mới… để có thể đảm bảo cộng tác viên thú y tham gia công tác, yên tâm gắn bó và tâm huyết với công việc.

Theo Sở NN-PTNT Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có gần 76.000 hộ chăn nuôi, trong đó chăn nuôi quy mô lớn có trên 800 trang trại. Đến nay, ước tính đàn heo có trên 238.000 con; đàn bò trên 85.000 con; đàn gia cầm trên 9 triệu con.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.