| Hotline: 0983.970.780

Chú trọng vai trò của phụ nữ trong bảo vệ đa dạng sinh học biển

Thứ Năm 26/10/2023 , 08:57 (GMT+7)

Cơ hội tăng cường bảo vệ đa dạng sinh học biển sẽ đến với Bình Định khi tỉnh này thực hiện Dự án ‘Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng biến đổi khí hậu’…

Quyết tâm lớn phục hồi sinh thái biển

Bình Ðịnh là 1 trong 3 tỉnh được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc lựa chọn thực hiện Dự án “Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”.

Theo ông Đào Việt Long, Giám đốc Trung tâm Phát triển cộng đồng nghề cá thuộc Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN-PTNT), Dự án “Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” sẽ góp phần tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng ven biển, làm giàu tài nguyên đa dạng sinh học biển và ven biển Việt Nam.

Thông qua việc trao quyền cho các cộng đồng sống dân cư sống ven biển, đặc biệt là phụ nữ, từ đó thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào tự nhiên, nhằm tăng cường quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên ven biển, bảo vệ đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng ngập mặn và rạn san hô. Sau khi được hưởng lợi từ dự án, Bình Định đặt kỳ vọng trồng thêm 5.000 cây ngập mặn phân tán, thành lập khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn và phục hồi khoảng 4ha rạn san hô.

Người dân sống ven đầm Thị Nại (huyện Tuy Phước, Bình Định) bơi sõng đi kiểm tra rừng ngập mặn. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân sống ven đầm Thị Nại (huyện Tuy Phước, Bình Định) bơi sõng đi kiểm tra rừng ngập mặn. Ảnh: V.Đ.T.

Rất nhiều hoạt động đang được ngành chức năng Bình Định chuẩn bị để sẵn sàng triển khai dự án, như: Thực hiện quản lý rủi ro thiên tai và lập kế hoạch rủi ro; các chương trình tài chính toàn diện cho các giải pháp khí hậu dựa vào tự nhiên, được triển khai bởi các tổ chức phụ nữ lãnh đạo. Trồng mới, trồng bổ sung và trồng phân tán rừng ngập mặn và phục hồi các rạn san hô. Quản lý rác thải nhựa đại dương được triển khai bởi người lao động thu gom phế liệu phi chính thức, đặc biệt là phụ nữ, nhằm giảm ô nhiễm nhựa từ nghề cá và một số hoạt động khác.

Cũng theo ông Đào Việt Long, Dự án “Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam” được thực hiện từ năm 2023 đến 2027 với sự tài trợ của Chính phủ Canada, tổng chi phí là 20 triệu đô la Canada (gần 355 triệu đồng). Sở dĩ Bình Định được lựa chọn để thực hiện dự án là bởi Bình Định có đường bờ biển dài đến 134km, với nhiều cộng đồng ven biển sống phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên biển.

Người dân sống ven biển ở Bình Định trồng rừng ngập mặn. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân sống ven biển ở Bình Định trồng rừng ngập mặn. Ảnh: V.Đ.T.

Thứ đến là Bình Định đã thực hiện thành công nhiều dự án của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc trong thời gian gần đây; trong đó có sự đóng góp lớn của chính quyền và người dân địa phương trong việc bảo tồn đa dạng sinh học. Thêm nữa, cán bộ và người dân tại những điểm khảo sát cho thấy sự khao khát cháy bỏng và sự quyết tâm lớn trong việc tham gia phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển, gắn với phát triển sinh kế bền vững.

Cơ hội chuyển đổi nghề giảm tác động đến biển

Cũng theo ông Đào Việt Long, những người được hưởng lợi trực tiếp từ dự án sẽ là các ngư dân khai thác; cơ sở thu mua, chế biến thủy sản và kinh doanh sản phẩm tự nhiên quy mô nhỏ, nhà quản lý du lịch, người nuôi trồng thủy sản cùng nhiều nhóm khác. Dự án sẽ mang lợi ích đến với các hộ nghèo, hộ cận nghèo; đặc biệt, các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ là đối tượng ưu tiên hưởng lợi.

Người dân ven biển Bình Định rất quyết tâm trong việc tham gia phục hồi các hệ sinh thái biển. Ảnh: V.Đ.T.

Người dân ven biển Bình Định rất quyết tâm trong việc tham gia phục hồi các hệ sinh thái biển. Ảnh: V.Đ.T.

Dự án sẽ giúp nâng cao ý thức cộng đồng và khuyến khích toàn dân tham gia vào công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao ý thức bảo vệ hệ sinh thái biển trong cộng đồng dân cư sống ven biển, đặc biệt chú trọng vào phụ nữ, thông qua đó thúc đẩy dịch vụ hệ sinh thái biển và ven biển, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

“Dự án sẽ tạo cơ hội hợp tác, tiếp cận và áp dụng tri thức mới, các mô hình tốt cho các cơ quan quản lý, các tổ chức tư nhân và người dân về quản lý tài nguyên biển. Thực hiện dự án, người dân trong những vùng hưởng lợi sẽ tăng năng lực bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường trong bối cảnh hệ sinh thái ven biển đang suy giảm do hoạt động của con người cũng như tác động của biến đổi khí hậu”, ông Đào Việt Long chia sẻ.

Ngư dân khai thác thủy sản ven bờ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ Dự án 'Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng biến đổi khí hậu'. Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân khai thác thủy sản ven bờ là đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ Dự án “Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng biến đổi khí hậu”. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, khi thực hiện dự án, các cộng đồng dân cư ven biển Bình Định còn có cơ hội chuyển đổi nghề nhằm giảm tác động đến biển, tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững và bảo vệ môi trường biển.

“Đầu tiên, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc dự kiến chọn 5 tỉnh để thực hiện Dự án “Cộng đồng ven biển thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”, thế nhưng cuối cùng chỉ chọn 3 tỉnh. Hiện ngành chức năng đang trong quá trình chỉnh sửa dự thảo để xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan, sau khi được Thủ tướng phê duyệt dự án sẽ được triển khai”, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, chia sẻ.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Cảng cá Trần Đề nhộn nhịp chuyến biển cuối năm

SÓC TRĂNG Cảng cá Trần Đề những ngày cuối năm tấp nập tàu cá quay về. Dù đối mặt nhiều khó khăn, ngư dân vẫn bền bỉ bám biển, mong năm mới đủ đầy, thuận lợi.