Việt Nam là một trong 25 nước có giá trị đa dạng sinh học thuộc loại cao nhất trên thế giới với các hệ sinh thái đặc thù cùng nhiều giống, có vị trí địa lý giáp biển với đường bờ biển dài, nước ta sở hữu thảm thực vật, sinh vật biển vô cùng phong phú trong đó nhiều loài đặc hữu có giá trị khoa học và kinh tế cao và nhiều nguồn gen quý hiếm.
Đánh giá cao tầm quan trọng của công tác phối hợp toàn cầu trong nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo tồn biển, Việt Nam đã tham gia bốn công ước quốc tế và đạt được những thành công nhất định trong việc thực hiện, góp phần trong việc bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên.
Môi trường biển trong nhiều năm trở lại đây đứng trước nhiều mối đe dọa ô nhiễm từ tác động của biến đổi khí hậu lẫn hoạt động khai thác thủy sản quá mức. Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), đại dương đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm từ rác thải nhựa.
Trong đó, rác thải có nguồn gốc từ hoạt động thủy sản được nhận định là chiếm ưu thế trong tổng số rác thải nhựa trên các bãi biển. các loại nhựa thủy sản như phao xốp, lưới nhỏ, dây thừng, phao nhựa, dây câu chiếm 47% về số lượng và 46% về khối lượng rác thải nhựa. Do đó, thu gom rác thải nhựa trên biển là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Trong các công ước mà Việt Nam tham gia kí kết với quốc tế về công tác bảo vệ đa dạng sinh học biển, bảo tổn tài nguyên sinh vật biển: UNCLOS 1982 (Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982), nêu rõ định nghĩa các hành động gây ra ô nhiễm môi trường biển: “Mọi sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải hoặc các chất khác từ các tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc công trình khác được bố trí ở biển”.
Nhằm kiểm soát hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học biển trước tác động của các nguồn gây ô nhiễm môi trường như rác thải nhựa, khai thác thủy sản quá mức cần áp dụng các biện pháp, công cụ kinh tế và chính sách trong quản lý môi trường biển, như: lệ phí ô nhiễm, lệ phí xả thải, phí sử dụng biển, phí sản phẩm, lệ phí hành chính thuế, cấp phép và thu hồi Giấy phép khai thác, sử dụng biển, đảo, các quỹ môi trường biển và các khoản trợ cấp khác…
Trong thời gian qua nhiều mô hình, hoạt động thiết thực nhằm nỗ lực tuyên truyền, giảm thiểu tình trạng xả rác xuống biển như: “Đoàn tàu cá chống rác thải nhựa đại dương”, “Quản lý rác thải nhựa cho tàu cá, cảng cá” hay “Thu gom rác thải từ biển vào bờ”, “Để biến rác thải thành tiền”... được triển khai tại nhiều địa phương và thu về kết quả tích cực.
Về phía Bộ NN-PTNT đã xây dựng các chương trình, đề án như Chương trình quốc gia về phát triển khai thác thủy sản bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học biển, bảo tồn biển, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, Đề án phòng - chống khai thác IUU đến năm 2025... Việt Nam cũng đã rà soát, sửa đổi bổ sung các thông tư, nghị định liên quan để phù hợp thực tiễn nghề đánh bắt thủy sản tại Việt Nam và các quy định quốc tế.
Để thực sự đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018) đã nêu, việc ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển và phục hồi hệ sinh thái biển đã được xác định là một trong những nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới.
Những vấn đề môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học vừa có tính Nhà nước, vừa mang tính xã hội cao. Việc giải quyết những vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay cũng như mai sau phụ thuộc vào trình độ nhận thức của những người hoạch định chính sách, cũng như phụ thuộc vào trình độ dân trí, thái độ và hành vi của mọi tầng lớp trong xã hội.