1.000 đ/kg chanh
Những ngày qua, ông Nguyễn Văn Rô, ấp Mỹ Trinh A, xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè, Tiền Giang) cũng như nhiều nhà vườn khác buồn rầu vì vườn chanh đã tới kỳ thu hoạch rộ nhưng không có thương lái đến thu mua.
Nhìn cây chanh trái chín vàng, ông Nguyễn Văn Rô xót xa: Chanh chín không hái thì rụng quả, nhưng để vậy suy cây lắm. Hiện nay, chanh bông tím giá chỉ có 1.000 đồng/kg. Với giá này, nhà vườn không có vốn liếng để đầu tư lại, chủ yếu hái để cây không hư, tiền thu được đủ trả công người hái và vận chuyển.
Không chỉ riêng tỉnh Tiền Giang, nông dân ở các tỉnh trồng nhiều chanh như Long An, Hậu Giang, Bến Tre, Đồng Tháp đang rất lo lắng.
Ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX thương mại – Dịch vụ Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) cho hay: Do nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống đóng cửa, thêm vào đó việc đi lại của các thương lái giữa tỉnh này qua tỉnh khác gặp nhiều trở ngại nên đầu ra của nông sản nói chung cũng như trái chanh nói riêng đang gặp nhiều khó khăn.
Diện tích chanh của HTX và nông dân vệ tinh liên kết khoảng 200 ha. Riêng của HTX là 50 ha. Hiện chanh đang vào vụ thu hoạch, sản lượng mỗi ngày có thể thu hoạch 10 - 20 tấn. Khi vào vụ, bình quân mỗi ha thu hoạch từ 2,5 – 3 tấn/tháng.
Hiện nay mỗi ngày, HTX thu mua khoảng hơn chục tấn chanh không hạt cho bà con. Chủ yếu xuất khẩu chứ thị trường trong nước tiêu thụ tại các siêu thị rất ít. Tại các siêu thị, mỗi ngày tiêu thụ chỉ được khoảng 1 tấn. Ông Thuận cho biết thêm, giá chanh không hạt được HTX đang thu mua cho bà con từ 3.000 đồng/kg. Còn chanh bông tím thì thị trường trong nước không tiêu thụ được.
“Giá này mình mua để góp phần tiêu thụ phần nào cho bà con chứ không có lợi nhuận. Tình hình dịch bệnh mà, được tới đâu tính tới đó chứ không biết phải làm sao nữa”, ông Trần Duy Thuận chia sẻ.
Bán rẻ như cho để làm từ thiện
Theo tìm hiểu, nhiều thương lái ngoài tỉnh gặp khó khăn khi đưa phương tiện đến vùng nguyên liệu thu mua chanh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chế biến mặt hàng trái chanh ngưng hoạt động.
Một số nhà vườn trồng chanh bán cho các nhà hảo tâm, mạnh thường quân mua tặng cho người dân vùng dịch nhưng giá cả chỉ từ 1.000 đồng đến 2.000 đồng/kg (bao gồm cả chi phí thu hoạch và vận chuyển lên xe). Mức giá này chỉ đủ cho chi phí công thu hoạch.
Theo ông Phùng Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè (Tiền Giang), trái chanh tại địa phương cũng đang bị bế tắc đầu ra. Nhà vườn chỉ bán số ít cho người làm từ thiện với giá 1.000 đồng/kg.
“Chanh mấy bữa nay chỉ có một số người mua để cho, nhưng chỉ có số lượng nhỏ thôi, bị ế. Bây giờ giá thị trường rất rẻ. Mình cũng vận động các nhà hảo tâm, các đơn vị từ thiện mua để cho bà con ở TP.HCM”, ông Phùng Thanh Việt cho biết.
Tiền Giang có mô hình trồng cây chanh thương phẩm tập trung ở huyện Cái Bè, Cai Lậy và Thị xã Cai Lậy. Nhà vườn đa số trồng cây chanh bông tím, năng suất, chất lượng đạt rất cao. Huyện Cái Bè là địa phương có nhiều diện tích trồng chanh, tập trung tại các xã Tân Thanh, Thiện Trí, Hòa Khánh, Đông Hòa Hiệp, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, An Cư, Hậu Mỹ Trinh, Hậu Mỹ Phú. Tuy nhiên, hiện trái chanh đang bị bế tắc đầu ra.
Ông Lê Văn Ý, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè (Tiền Giang) cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng của địa phương khảo sát tình hình và sẽ có hướng giúp nhà vườn tiêu thụ được trái chanh.
Trong khi tại các vùng trồng chanh, chanh rẻ như cho thì ngay tại các địa phương khác của tỉnh Tiền Giang không trồng chanh, giá trái chanh tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bách hóa giá lại lên ở mức hơn 10.000 đồng/kg.
Trước thực trạng này, nhà vườn mong các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp kết nối tiêu thụ, tháo gỡ đầu ra cho loại trái cây này.