Khiếu nại không có căn cứ
Tại cuộc họp này, Cục Thú y một lần khẳng định: Từ những cơ sở pháp lý hết sức rõ ràng cho thấy pháp luật về thú y Việt Nam chỉ cho phép tổ chức, cá nhân được NK sản phẩm động vật trên cạn là thịt, tai, đuôi, chân, cánh của gia súc, gia cầm NK vào Việt Nam để gia công, chế biến hàng XK. Không cho phép tổ chức, cá nhân và cụ thể là Cty Thủy sản Quảng Ninh được NK tất cả các sản phẩm động vật trên cạn (trong đó có nội tạng) vào Việt Nam để gia công, chế biến hàng XK.
Toàn cảnh Hội nghị lấy ý kiến về kiểm dịch nhập khẩu nội tạng gia súc, gia cầm |
Cty Thủy sản Quảng Ninh cho rằng các sản phẩm nội tạng gia súc, gia cầm được NK vào Việt Nam để gia công, chế biến XK được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 của Luật Thú y năm 2015 và Quy định tại Mục II.2 của Phụ lục I (ban hành kèm theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT): Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm từ thịt, phủ tạng, phụ phẩm của động vật quy định tại mục I của Danh mục này ở dạng tươi sống, hun khói, phơi khô, sấy, ướp muối, ướp lạnh, đông lạnh, đóng hộp.
Cục Thú y bác bỏ rằng: Cty Thủy sản Quảng Ninh đã hiểu không đúng về các quy định hiện hành của Luật Thú y và Thông tư số 25 với các lý do sau đây:
Một là, quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 của Luật Thú y năm 2015 là để giải thích từ ngữ: Sản phẩm động vật trên cạn là gồm những sản phẩm cụ thể nào.
Đến nay cả nước có gần 20 doanh nghiệp NK sản phẩm thịt, tai, đuôi, chân, cánh của gia súc, gia cầm để gia công, chế biến XK. Chỉ có duy nhất Cty Thủy sản Quảng Ninh khiếu nại Cục Thú y về việc không đồng ý cho phép Cty NK 37.500 tấn nội tạng từ các nước vào Việt Nam để gia công chế biến XK. |
Hai là, quy định tại Mục II.2 của Phụ lục I và cả Phụ lục I (ban hành kèm theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT) là Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch. Danh mục này quy định chung cho các loại động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch, gồm cả: Khi vận chuyển trong nước, XK, NK, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, kho ngoại quan, quá cảnh… Nhưng đối với từng hình thức cụ thể, như NK, XK, vận chuyển trong nước… thì sẽ có quy định cụ thể. Chính vì thế, đối với kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn NK để gia công, chế biến XK được quy định cụ thể tại Điều 11 của Thông tư 25.
Chưa xem xét lại quy định của Thông tư 25
Tại Hội nghị, Cục Thú y đã đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Tiếp tục thực hiện việc kiểm dịch NK sản phẩm động vật là thịt, tai, đuôi, chân, cánh của gia súc, gia cầm để gia công, chế biến XK theo đúng quy định tại Điều 11 của Thông tư 25; Phương án 2: Báo cáo Bộ NN-PTNN xem xét lại các quy định tại Điều 11 của Thông tư 25 về kiểm dịch NK sản phẩm động vật là thịt, tai, đuôi, chân, cánh của gia súc, gia cầm để gia công, chế biến XK.
Tuy nhiên, đa số các đại biểu đề nghị giữ nguyên phương án 1, để tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động trong nước; tạo điều kiện thuận lợi cho các DN trong hoạt động sản xuất gia công chế biến để XK; tạo môi trường kinh doanh ổn định, không ảnh hưởng tới các DN đã đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị để tổ chức việc sản xuất, gia công chế biến XK.
Bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Cty TNHH Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Việt Trường (Hải Phòng) nói: “Theo tôi, phương án 1 là chuẩn. Cty chúng tôi mới thành lập, nhưng có 400 lao động. Chúng tôi mới nên rất cần sự hướng dẫn về dịch bệnh của các cơ quan. Nhiều DN sẵn sàng chạy theo lợi nhuận. Bên cạnh đó, muốn mở rộng các mặt hàng, nhưng nếu dịch bệnh xảy ra sẽ tốn kém rất lớn. Ở các nước khác, nội tạng động vật không được dùng cho con người. Chúng tôi mong, Cục Thú y kiểm soát tốt các khâu NK, các mặt hàng, thì tạo sẽ điều kiện hơn cho DN và chăn nuôi trong nước phát triển.”
Bà Nguyễn Thị Thanh |
Đại diên Cty CP Chế biến XNK Thủy sản Hải Phòng cũng khẳng định: “Tôi thống nhất giữ nguyên phương án 1. Nếu cho nhập nội tạng sẽ gây mất VSATTP và gây ô nhiễm môi trường. Nội tạng ở các nước người ta vứt đi, nhưng Việt Nam lại nhập về? Làm sao mà kiểm soát được?
Đại diện, Cục Chăn nuôi cũng khẳng định: Tiếp tục thực hiện phương án 1, không nên mở rộng. Vì ở các nước, nội tạng chỉ được sử dụng làm TĂCN. Đồng thời xảy ra rất nhiều rủi ro. Về dịch bệnh khó khống chế. Mà có khống chế được thì lại tiêu tốn rất nhiều tiền. Khi việc gia công, chế biến nội tạng để XK, có kiểm soát được hay không? Có bán trong nước hay xuất khẩu ra nước ngoài? Ghi nhận, những ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội nghị, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Trước mắt, khi chưa xem xét lại Thông tư 25, chúng ta vẫn áp dụng, thực hiện kiểm dịch sản phẩm động vật NK, gồm thịt, tai, đuôi, chân, cánh của gia súc, gia cầm để gia công, chế biến XK theo đúng Điều 11, Thông tư 25. Số ít đại biểu muốn xem xét lại Thông tư 25, thì Cục Thú y sẽ báo cáo với lãnh đạo Bộ NN-PTNT”. |