| Hotline: 0983.970.780

Chuẩn hóa chất lượng để sầu riêng Việt cạnh tranh được với hàng Thái Lan, Malaysia

Thứ Sáu 15/07/2022 , 11:16 (GMT+7)

Sầu riêng Việt Nam chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhưng để cạnh tranh được trên thị trường này, sầu riêng Việt phải được chuẩn hóa về chất lượng.

Sầu riêng Dona 20 năm qua không rớt giá vì luôn đảm bảo chất lượng. Ảnh: Thanh Sơn.

Sầu riêng Dona 20 năm qua không rớt giá vì luôn đảm bảo chất lượng. Ảnh: Thanh Sơn.

Theo một nghiên cứu của nước ngoài, thị trường sầu riêng toàn cầu năm 2018 có quy mô 17,6 tỷ USD và dự báo đạt trên 28 tỷ USD năm 2025.

Như vậy, có thể thấy thị trường sầu riêng trên thế giới đang phát triển mạnh khi loại trái cây này được mệnh danh là “vua trái cây” ở nhiều thị trường Đông Á và Đông Nam Á.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng tới 16%/năm. 11 tháng năm 2021, Trung Quốc đã nhập khẩu trên 800.000 tấn sầu riêng, trị giá hơn 4,1 tỷ đô la.

Nằm ngay cạnh một thị trường lớn như vậy, nhưng do chưa được xuất khẩu chính ngạch, sầu riêng Việt Nam vẫn đang lép vế so với sầu riêng Thái Lan, Malaysia tại Trung Quốc.

Ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Công nghệ sinh học Dona - Techno, cho biết, Thái Lan và Malaysia đã phát triển sầu riêng trước chúng ta khoảng 20 năm.

20 năm trước, Thái Lan đã xuất khẩu sầu riêng chính ngạch tới hàng chục nước, còn ta, đến nay mới được cấp phép xuất khẩu được sầu riêng tươi chính ngạch sang Trung Quốc.

Do đó, Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam, vừa là cơ hội tốt nhưng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu sầu riêng, với nông dân trồng sầu riêng ở các địa phương.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, khi một đất nước ngày càng giàu lên, người dân nước đó tiêu thụ sản phẩm nhiều hơn, thì người ta càng quan tâm tới những sản phẩm bảo đảm sức khỏe. Người Trung Quốc cũng vậy. Chính từ việc Trung Quốc ngày càng khó tính, mà nếu chúng ta vẫn bán được cho họ, thì cũng sẽ bán được cho các nước khác.

Theo ông Cường, để cạnh tranh được với sầu riêng Thái Lan, Malaysia tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng Việt Nam phải có một nền tảng vững chắc. Để tạo dựng được nền tảng đó, trước hết sầu riêng phải được tiêu chuẩn hóa về chất lượng.

Vườn sầu riêng kiểu mẫu của Dona -Techno. Ảnh: Thanh Sơn.

Vườn sầu riêng kiểu mẫu của Dona -Techno. Ảnh: Thanh Sơn.

Hiện nay, nông dân trồng sầu riêng vẫn đang có thói quen tạo ra những trái sầu riêng thật to và nặng, với suy nghĩ rằng như vậy sẽ có lợi hơn khi cân bán cho thương lái. Tuy nhiên, những trái sầu riêng quá to và nặng lại nhiều sơ, vỏ quá dầy, độ ngọt thấp, ít mùi thơm…

Trong khi đó, dông dân trồng sầu riêng ở Thái Lan và Malaysia, nếu thấy trái nào quá, họ sẽ cắt bỏ và tiêu hủy theo nguyên tắc những trái nào không đạt yêu cầu về kích cỡ, chất lượng là không để trên cây và cũng không bán ra ngoài. Họ chỉ bán ra thị trường những trái sầu riêng đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Chính vì vậy, ông Cường cho rằng, Bộ KH-CN và Bộ NN-PTNT cần nghiên cứu, xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn đối với sầu riêng. Bên cạnh đó, là xây dựng quy trình chuẩn về canh tác để đảm bảo trái sầu riêng đồng đều về hình dáng, ổn định về chất lượng và đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm.

Ông Cường khẳng định, nếu người trồng sầu riêng Việt Nam biết tự thương mình, chỉ sản xuất và bán ra thị trường những trái sầu riêng đạt chất lượng, sầu riêng Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc và cả các thị trường khác.

Dona-Techno đã xây dựng tiêu chuẩn cho trái sầu riêng Dona của doanh nghiệp. Theo đó, trái sầu riêng Dona đạt chuẩn có cân nặng từ 2,5-4 kg. Nhờ có chất lượng cao và luôn ổn định, trong 20 năm qua, sầu riêng Dona chưa có lần nào bị rớt giá. Dona - Techno đã đăng ký thương hiệu sầu riêng Dona ở nhiều thị trường và đến nay đã được 6 thị trường chấp nhận là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản và khu vực Trung Đông.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.