"Hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ"
Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là thủ phủ khoai lang của cả nước với diện tích sản xuất hàng năm bình quân trên 13.000ha, sản lượng trên 380.000 tấn. Cây trồng này đã từng giúp nông dân địa phương có nguồn thu nhập ổn định. Đại dịch Covid-19 đã khiến nông dân địa phương đổ nợ vì đầu ra bế tắc.
Sau đại dịch toàn cầu, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm khôi phục sản xuất ngành hàng khoai lang đã bị đứt gãy. Trong đó, Sở NN-PTNT tập trung hướng dẫn người dân xây dựng mã số vùng trồng có liên kết đầu ra với doanh nghiệp xuất khẩu.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 27 mã số vùng trồng với diện tích trên 565ha được cấp phép xuất khẩu khoai lang sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã đến đầu tư xây dựng cơ sở đóng gói đạt chuẩn và liên kết tiêu thụ khoai cho nông dân địa phương.
Bước đầu, tình hình sản xuất tiêu thụ khoai lang ở đây đã có khởi sắc. Giá khoai mua xô dao động từ 700.000 - 800.000 đồng/tạ (60kg). Mùa này, khoai thu hoạch đủ tuổi có thể cho năng suất khoảng 70 tạ/công. Với chi phí đầu tư khoảng 20 triệu đồng/công (1.200m2) thì nông dân có lãi khá.
Tuy nhiên, hiện nay đang có một vấn đề nổi lên trong chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ khoai lang ở Vĩnh Long cần được tháo gỡ. Một số trường hợp người dân than gặp khó trong chuỗi liên kết như tiêu chí chọn khoai, giá cả, cách thức mua bán và cả việc quản lý mã số vùng trồng của chính quyền địa phương cấp cơ sở… Do đó, khâu liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp đã không được thực hiện như dự kiến ban đầu.
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, tại vùng trồng (12,7ha) ở ấp Thanh Hiếu, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, trước đây, Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc (trụ sở tại Hà Nội) đã hỗ trợ người dân trong xây dựng mã số vùng trồng. Phía doanh nghiệp cam kết thu mua cho nông dân theo giá thị trường. Còn người dân thì cam kết ưu tiên bán hàng cho doanh nghiệp. Chính quyền địa phương cấp xã làm trung gian xác nhận vấn đề này. Theo đó, khi nông dân có khoai đến kỳ thu hoạch sẽ thông báo đến tổ trưởng đại diện cho vùng trồng để liên lạc với doanh nghiệp đến thu mua.
Cách đây khoảng 20 ngày, một số nông dân đã có khoai đến ngày phải thu hoạch khi liên hệ với doanh nghiệp Việt Phúc để bán khoai thì doanh nghiệp đưa ra giá thấp hơn thị trường (khoảng 80.000 đồng/tạ) và yêu cầu thu mua khoai từ 50g trở lên. So với điều kiện thương lái bên ngoài đưa ra là mua xô (chỉ bỏ củ thối, sâu) và mức giá 800.000 đồng thì nông dân không bằng lòng bán.
Hơn nữa, nông dân cũng cho rằng đã thương lượng với doanh nghiệp và doanh nghiệp đã không đồng ý thu mua nên mới bán cho thương lái khác. Thương lái bên ngoài cũng yêu cầu nông dân phải cung cấp xác nhận vùng trồng để xuất khẩu. Khi đến chính quyền xã để xin xác nhận thì địa phương thực hiện có phần hơi chậm khiến một số nông dân bức xúc.
Chúng tôi đã liên hệ với ông Bùi Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Thành Trung thì được giải thích: “Về cách thức quản lý mã số vùng trồng ở địa phương, hiện tại các mã số vùng trồng được giao cho các Tổ trưởng quản lý và theo dõi. Khi xác nhận hai bên mua bán không đạt được thỏa thuận thì UBND xã sẽ xác nhận vùng trồng cho bà con địa phương mua bán với các thương lái khác bình thường”.
Ông Việt còn cho biết thêm, tại xã Thành Trung, huyện Bình Tân hiện có 10 mã số vùng trồng với 341 hộ trồng khoai lang, diện tích khoảng 300ha. Các vùng trồng khoai được liên kết đầu ra với Công ty Việt Phúc. Ông cũng khẳng định vừa qua có một số nông dân khi bán khoai không thông báo đến doanh nghiệp nên khi đến xin xác nhận vùng trồng thì UBND xã sẽ phải liên hệ lại với doanh nghiệp đã liên kết.
Về việc này, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc khẳng định nếu doanh nghiệp không thu mua được cho nông dân thì cũng không ngăn cản nông dân bán khoai cho thương lái khác.
Kết thúc câu chuyện ở trên, cuối cùng UBND xã cũng đã xác nhận vùng trồng cho nông dân bán khoai với thương lái bên ngoài.
Ở phía góc độ người trồng khoai, một nông dân cho rằng hiện nay vấn đề hợp đồng liên kết chưa chặt chẽ. Nông dân này cho rằng, người trồng khoai nếu được ký hợp đồng giá cố định với mức lợi nhuận ổn định dài lâu sẽ yên tâm hơn phiêu lưu như thời gian vừa qua.
Đến phiên doanh nghiệp cũng than
Ngược lại, phía doanh nghiệp cũng than khó khi thực hiện chuỗi liên kết này. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc, một số bà con nông dân đang hiểu nhầm về mã số vùng trồng và bị nhiễu thông tin về giá bởi một số thương lái. Bên cạnh đó, bà con cũng có thói quen bán khoai xô tại ruộng trong khi doanh nghiệp không thể bán như thế cho khách hàng ở Trung Quốc.
“Bên Trung Quốc, hiện giá khoai có 7 - 8 tệ/cân (khoảng 22.000 - 26.000 đồng/kg). Nếu mua 800.000 - 850.000 đồng/tạ thì doanh nghiệp lỗ chắc do khoai mua xô tỷ lệ đạt chuẩn chỉ từ 65 - 70% và còn nhiều thứ chi phí khác, nhất là logistic. Sắp tới, chúng tôi sẽ thống nhất với các vựa không mua xô nữa mà mua theo phân loại A, B, C. Mình phải phục vụ thị trường chứ không thể áp đặt thị trường được. Nếu làm theo lối cũ sẽ thất bại”, bà Hương cho hay.
Để chuỗi liên kết phát huy hiệu quả, bà Hương nêu giải pháp: Nhờ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hỗ trợ tổ chức tập huấn lại cho bà con hiểu sâu sắc về mã số vùng trồng, sản phẩm đạt chuẩn. Trong kỳ thu hoạch, công ty sẽ thu mua hết cho bà con theo giá thị trường.
Bà Hương cho rằng giá thị trường là giá khi có giao dịch thật. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đưa ra ý tưởng thành lập chợ đầu mối khoai lang, thường xuyên cập nhật giá cả kịp thời để nông dân nắm bắt.
Còn bà Nguyễn Ngọc Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Song Toàn Phát (có cơ sở đóng gói tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cho biết đang liên kết thu mua với bà con nông dân trồng khoai huyện Bình Tân. Hiện có trên 50ha đang trong thời kỳ chuẩn bị thu hoạch. Doanh nghiệp đang gặp khó bởi sự cạnh tranh từ các thương lái đến các vùng trồng để đưa giá cao hơn nhằm phá giá.
Bà chia sẻ rằng, hiện nay các vùng trồng không có nhiều khoai nên các thương lái tranh nhau mua. Bà con thường dễ dao động với mức giá cao và phá vỡ liên kết.
"Giá thị trường bên ngoài cao hơn chừng 10.000 - 20.000 đồng/tạ là bà con bán ra bên ngoài rồi. Chúng tôi cũng thông cảm cho bà con vì bà con cũng mong được có giá nhưng chắc có lẽ bên chúng tôi ký chưa được giá tốt, vì mọi người đều canh thị trường Trung Quốc. Chúng tôi kinh doanh phải có lãi, nếu không có lãi thì bắt buộc phải buông. Chủ trương của chúng tôi là đợi hàng nhiều lên rồi mua chứ có đâu mà tranh giành”, bà Thảo cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tập, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, cho rằng vừa qua có sự chưa thấu hiểu nhau giữa bà con nông dân và doanh nghiệp thu mua. Tới đây, UBND huyện sẽ tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, hộ dân và hợp tác xã để gỡ khó cho chuỗi liên kết cũng như cách thức quản lý mã số vùng trồng.