| Hotline: 0983.970.780

Chương Mỹ chật vật mở rộng diện tích cây vụ đông

Thứ Ba 25/10/2016 , 13:15 (GMT+7)

Nhằm tăng diện tích cây trồng vụ đông 2016, nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện Chương Mỹ có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ như cấp phát giống, phân bón cho cây bí đỏ. 

15-29-24_nh-1-b-vu-thi-chien-dng-tt-nuoc-chm-cy-bi-do
Bà Vũ Thị Chiến ở xã Hồng Phong đang tát nước, chăm cây bí đỏ
 

Chương Mỹ (Hà Nội) vốn là huyện thuần nông, có truyền thống sản xuất cây vụ đông, đặc biệt là đậu tương, ngô. Song mấy năm gần đây, người dân không còn mặn mà do giá trị thu nhập thấp. Để kích cầu sản xuất, huyện ưu tiên hỗ trợ trồng cây có giá trị hàng hóa cao.

Nhằm tăng diện tích cây trồng vụ đông 2016, nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện Chương Mỹ có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ như cấp phát giống, phân bón cho cây bí đỏ. Tuy vậy, diện tích cây vụ đông huyện vẫn hạn chế, chủ yếu tập trung ở các xã Đồng Lạc, Hồng Phong và các xã vùng phân lũ sông Đáy là Chúc Sơn, Lam Điền, Phú Nam An, Quảng Bị, Thượng Vực... Số xã còn lại chỉ lác đác một số diện tích cây vụ đông, còn lại bỏ trắng ruộng.

Ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, mặc dù đã hô hào, khuyến khích người dân nhưng đến nay, toàn huyện mới gieo trồng được 3.000ha, trong đó rau các loại 1.038ha, ngô 641ha, đậu tương 458ha, khoai lang 116ha, bí đỏ 30ha... Để đạt mục tiêu 3.500ha cây vụ đông, huyện đang đôn đốc thanh quyết toán các mô hình khuyến nông, chương trình phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung năm 2016.

15-29-24_nh-2-cnh-dong-du-tuong-o-huyen-chuong-my
Trồng đậu tương theo phương pháp gieo vãi ở huyện Chương Mỹ
 

Lý giải về nguyên nhân người dân không mặn mà vụ đông, ông Thám cho biết: Vụ đông chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết bất thường, kèm theo bão, mưa lớn đầu vụ gây ngập úng, tốn nhiều công chăm sóc. Chương Mỹ là nơi có nhiều làng nghề và khu công nghiệp nên thu hút số lượng lớn lao động ở nông thôn, với thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng cây màu. Ngoài ra, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất còn rất hạn chế do ruộng đồng manh mún, chưa có cánh đồng mẫu lớn, các loại sâu bệnh, chuột phá hoại cây trồng từ khi gieo hạt...

Ông Vương Toàn Nguyên, Chủ nhiệm HTXNN Hồng Phong cho biết, trước đây khi bắt đầu sản xuất vụ đông, cả xã ra quân vui như hội nhưng giờ chỉ toàn người già và trẻ em ra đồng.

Đến nay, xã mới trồng được 130ha cây vụ đông, chủ yếu là đậu tương, bí đỏ. Khi còn tâm huyết với cây đậu tương, bà con cất công gieo trồng theo phương pháp chọc lỗ, bỏ hạt, năng suất đạt 80 - 100 kg/sào. Những năm qua, họ dùng phương pháp gieo vãi nên chỉ đạt 35 - 40 kg/sào, thu lãi chỉ 600 nghìn/vụ/sào, tính ra cũng chỉ bằng 3 - 4 ngày công lao động.

15-29-24_nh-3-ong-vuong-ton-nguyen-chu-nhiem-htx-hong-phong
Ông Vương Toàn Nguyên, Chủ nhiệm HTXNN Hồng Phong trên cánh đồng đậu tương vụ đông
 

Còn cây ngô trong thời kỳ trổ cờ không có nước tưới, không trổ bông kết hạt được thì coi như công cốc. Nếu mọi việc thuận lợi, năng suất đạt khoảng 1,2 tạ/sào, với giá bán khoảng 7.000 đồng/kg cho thu nhập 840 nghìn đồng chưa trừ chi phí sản xuất...

Bà Vũ Thị Chiến ở thôn Trung, xã Hồng Phong cho biết, vụ đông năm nay, gia đình bà làm 7 sào đậu tương và 2 sào bí đỏ. Bí đỏ là cây được huyện ưu tiên và hỗ trợ giống, phân bón nên bà hăng hái chăm sóc chứ không gieo vãi xong rồi để đó như đậu tương. Theo tính toán 1 sào bí đỏ nếu đạt năng suất khá cũng cho thu nhập 2,5 - 3 triệu đồng/vụ.

Theo ông Đặng Viết Xuân, Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ, diện tích cây vụ đông của huyện đang sinh trưởng và phát triển tốt. Các HTX vận động xã viên tích cực mở rộng diện tích trồng, diệt chuột và phòng trừ sâu bệnh. Mục tiêu của huyện là ưu tiên phát triển các loại cây có giá trị hàng hóa cao và các loại rau ăn lá để cung cấp cho nội thành.

"Vụ đông năm nay, huyện hỗ trợ giống, phân bón để sản xuất 30ha bí đỏ, kỳ vọng sẽ khích lệ bà con duy trì sản xuất, không để trắng ruộng đồng. Đề nghị thành phố quan tâm hơn nữa việc quy hoạch hệ thống thủy lợi và điều tiết thủy nông hợp lý để tạo điều kiện sản xuất cây vụ đông đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao", ông Xuân nói.

 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.