| Hotline: 0983.970.780

Chuyện 'ăn sạch, sống xanh' ở Thanh Oai

Thứ Hai 29/05/2023 , 09:43 (GMT+7)

Thanh Oai là một trong những huyện sử dụng ít thuốc bảo vệ thực vật của TP Hà Nội mà thay vào đó là một lối canh tác xanh, một môi trường đã sạch hơn…

Cái gốc của an toàn thực phẩm phải là từ sản xuất. Ảnh: NNVN.

Cái gốc của an toàn thực phẩm phải là từ sản xuất. Ảnh: NNVN.

Bà Lê Thị Đính ở thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương có 4 sào rau, trung bình mỗi vụ cho thu nhập 30-40 triệu đồng. Chuyện dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa họ đã trở thành một ký ức xa vời với những thành viên của Tổ hợp tác rau, quả an toàn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã như bà.

Tham gia vào tổ, họ được tập huấn và cam kết chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục cho phép. Ngoài ra họ còn dùng bẫy bả chua ngọt để chủ động dẫn dụ các đối tượng địch hại, ủ phân hữu cơ, phân xanh để chăm sóc cho cho cây trồng. Nhờ đó mà sản phẩm làm ra đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng tốt, được người tiêu dùng tin tưởng.

Tổ hợp tác của xã mỗi năm cung cấp hàng trăm tấn sản phẩm ra thị trường, giúp cho các hội viên, nhất là những người đã có tuổi khó xin việc làm ở các khu công nghiệp có thu nhập ổn định trên 4 triệu đồng/người/tháng, có điều kiện mua sắm vật dụng gia đình, lo cho con cái học hành.

Bà Lâm Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Xuân Dương - thông tin, từ hồi thành lập tổ ý thức của bà con trong sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm đã được nâng cao. Nông sản của Xuân Dương làm ra có uy tín, được thị trường chấp nhận, có đầu ra ổn định. Cùng với đó các đoàn thể của xã cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền về việc sử dụng thực phẩm sạch cho các hội viên, xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; Tổ chức tập huấn cho các hội viên về VietGAP, hữu cơ, tuần hoàn, khép kín để đảm bảo không chỉ cho sức khỏe của người sản xuất rau mà còn sức khỏe của người tiêu dùng.

Thời gian gần đây ở chợ xã Cao Viên hình ảnh những phụ nữ xách theo cái túi vải thay cho túi nylon đã trở nên quen thuộc. Bà Đào Thị Năm - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Cao Viên - cho biết, năm trước, “Chi hội thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm” của xã đã được thành lập với 21 thành viên. Ở đó, mỗi thành viên được tặng túi vải thân thiện môi trường và bộ hộp nhựa đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm để đi chợ. Mô hình này bước đầu giúp tuyên truyền, vận động mọi người thay đổi thói quen dùng túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần sang các sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường. Không chỉ dừng lại ở trong nội bộ chi hội, các thành viên còn đồng thời, tuyên truyền, vận động hàng xóm, người thân trong gia đình tham gia ủng hộ, thực hiện mô hình.

Thực hiện “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” trong những năm gần đây, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Oai đã tổ chức chi hội “Phụ nữ thay đổi hành vi trong an toàn thực phẩm” và “Tổ hợp tác rau, quả an toàn”.

Nhờ sức lan tỏa của nó mà người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc sản xuất có trách nhiệm, an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và gìn giữ môi trường. Từ nguồn kinh phí hoạt động của Hội phụ nữ huyện và huy động từ các nguồn xã hội hóa, các chi hội ở xã đã tặng hội viên những vật dụng thiết thực như làn nhựa, túi vải, hộp nhựa đựng thức ăn, men ủ rác thải hữu cơ…

Ngoài ra họ còn trao đổi thông tin cho nhau bằng hình thức lập nhóm trên mạng xã hội như zalo, facebook gồm: “Hội phụ nữ tiêu dùng thông thái”, “Phụ nữ lựa chọn thực phẩm an toàn”, “Phụ nữ trồng rau sạch”… Nội dung tuyên truyền rộng khắp từ sản xuất rau sạch như thế nào đến cách lựa chọn, bảo quản, chế biến thực phẩm sao cho đảm bảo an toàn, chất lượng.

Nhiều phụ nữ Thanh Oai đã dùng túi vải để đi chợ. Ảnh: Tư liệu.

Nhiều phụ nữ Thanh Oai đã dùng túi vải để đi chợ. Ảnh: Tư liệu.

Hàng tháng, hàng quý, Hội phụ nữ huyện còn họp để đánh giá lại việc tổ chức thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên và người dân về an toàn thực phẩm, xem xét cái gì đã làm được và chưa làm được để kịp thời điều chỉnh.

Hiện huyện Thanh Oai cũng đang phát động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Qua đó, toàn dân có thể kịp thời phát hiện, đề xuất với Ban chỉ đạo huyện, xã, thị trấn về những hoạt động của các cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm pháp luật để có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cấp cứu 2 trẻ mầm non nghi ngộ độc thuốc diệt chuột

Sáng 5/11, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 20 trẻ mầm non, trong đó 2 cháu bé có biểu hiện ngộ độc. 

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.