| Hotline: 0983.970.780

Chuyến biển sinh tử của 4 thợ câu cá ngừ đại dương

Thứ Ba 09/08/2022 , 06:53 (GMT+7)

Sau khi tàu chìm, 4 ngư dân bấu víu cuộc sống vào chiếc thuyền thúng thủng đáy, đến khi kiệt sức, tưởng đã buông xuôi thì được chiếc tàu hàng Hong Kong cứu vớt…

Chuyến biển kinh hoàng

5 giờ sáng ngày 18/7, tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 91464 TS (400CV) do ngư dân Lê Văn Minh (53 tuổi) ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định) làm chủ kiêm thuyền trưởng xuất bến, trực chỉ ngư trường Trường Sa để câu cá ngừ đại dương. Tàu mới chạy được nửa đường, đến tọa độ 12035.8’N111014.52’E thì gặp cơn lốc xoáy cấp 13 - 14. Đến 9 giờ 13 phút, chiếc tàu bị phá nước, chìm.

Khi ấy, 4 ngư dân trên tàu gồm thuyền trưởng Lê Văn Minh và 3 thuyền viên Huỳnh Văn Cu (SN 1974) ở xã Hoài Hải (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định), Võ Duy Trường (SN 1984) ở Cam Ranh (Khánh Hòa) và Nguyễn Ngọc Miên (SN 1985) ở phường Hải Cảng (TP Quy Nhơn, Bình Định), đành phải bấu víu cuộc sống của mình vào chuyền thuyền thúng độc nhất trên tàu. Khổ nổi, chiếc thuyền thúng này đã quá “cao niên” nên bị thủng đáy 1 lỗ to bằng đầu ngón tay cái.

Lênh đênh trên chiếc thuyền thúng từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, sức khỏe của 4 ngư dân đã cạn kiệt sau nhiều giờ bơm nước cứu tàu, sau đó phải tát nước chảy vào thuyền thúng, lại bị thấm lạnh suốt 6 tiếng đồng hồ nên ai nấy đều cảm thấy mình đã “sức cùng lực tận”.

Tưởng như đã buông xuôi thì đúng lúc chiếc tàu hàng mang quốc tịch Hong Kong, thuyền trưởng là người Philippines tiếp cận, cứu vớt 4 ngư dân gặp nạn. Sau đó, chiếc tàu hàng quay ngược lộ trình để bàn giao 4 thuyền viên cho tàu SAR 27-01 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực IV. Nhận người, tàu SAR 27-01 đưa 4 ngư dân về Đồn Biên phòng cửa khẩu Nha Trang (Khánh Hòa) trong đêm 21/7. Hiện 4 ngư dân đều đã về quê trong nỗi vui mừng khôn xiết của người thân.

Anh Minh (bên trái) kể lại chuyện với hàng xóm đến thăm hỏi. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Minh (bên trái) kể lại chuyện với hàng xóm đến thăm hỏi. Ảnh: V.Đ.T.

Đêm 21/7, thuyền trưởng Lê Văn Minh về thẳng nhà vợ ở phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, Bình Định). Sáng 22/7, tôi tìm gặp anh Minh tại phường Nhơn Hòa, dù đã qua 1 đêm tịnh dưỡng, nhưng anh Minh tiếp tôi với vẻ mặt còn nguyên nét bàng hoàng. Trò chuyện với tôi mà anh Minh không ngớt rơi nước mắt, khi nhớ lại chuyến biển kinh hoàng đã vùi sâu dưới biển tất cả tài sản của gia đình, lại còn suýt cướp mất mạng sống của anh và 3 thuyền viên.

“Lúc tàu bị song đánh vỡ đằng mũi, nước ập vào, 3 máy bơm nước bơm cả tiếng đồng hồ mà không xuể, tàu bắt đầu chìm. Tôi tìm cách gỡ máy giám sát hành trình để tàu cứu hộ cứu nạn biết vị trí của tàu bị nạn để đến cứu chúng tôi, nhưng gỡ không kịp. Khi ấy tôi phải mở cửa kiếng trước bánh lái tàu cá để nhảy xuống thuyền thúng. May là khi xuống thuyền thúng trong túi còn chiếc điện thoại, tôi gọi ngay cho anh Thủy ở Chi cục Thủy sản Bình Định để báo vị trí tàu chìm, sau đó gọi cho anh Linh Trạm phó Trạm Biên phòng Mũi Tấn (TP Quy Nhơn) để cầu cứu. Từ đó về sau là mất liên lạc, khi ấy 4 anh em chúng tôi chỉ còn cầu mong ơn trời”, anh Minh nhớ lại.

Anh Minh với chiếc điện thoại còn trong túi khi xuống thuyền thúng, nhờ nó anh đã liên lạc về bờ cầu cứu. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Minh với chiếc điện thoại còn trong túi khi xuống thuyền thúng, nhờ nó anh đã liên lạc về bờ cầu cứu. Ảnh: V.Đ.T.

Tấm lòng nhân hậu của vị thuyền trưởng tàu Hong Kong

Theo lời kể của ngư dân Lê Văn Minh, nguyên đêm 19 đến rạng sáng 20/7 anh cầm lái con tàu nên quá mỏi mệt và buồn ngủ. 3 giờ sáng 20/7 anh Minh giao tàu cho 1 thuyền viên chạy thay. Các thuyền viên đều đi biển chuyên nghiệp nên tất cả đều có thể chạy tàu. Chỉ sau đó ít phút, trên biển bỗng xuất hiện cơn lốc dữ.

Theo anh Minh, gặp tình huống này thì chỉ có kinh nghiệm đi biển của thuyền trưởng mới có thể đối phó được. Khi ấy, lái tàu phải chong mũi tàu thẳng vào con gió để tránh tàu bị lật, đồng thời phải hạ ga, giảm tốc độ thì sẽ an toàn. Do không có kinh nghiệm nên ngư dân chạy tàu lúc ấy không giảm tốc độ, sóng dữ đã nhồi con tàu đến bị phá nước phần mũi tàu, nước tràn vào tàu ngập ngụa. Trên tàu có 3 máy bơm nước, các thuyền viên trên tàu cho cả 3 máy chạy ròng rã suốt 4 tiếng nhưng bơm không xuể, nước càng ngày càng tràn vào làm tàu chìm.

Anh Minh khóc khi kể lại chuyện tàu của mình bị chìm. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Minh khóc khi kể lại chuyện tàu của mình bị chìm. Ảnh: V.Đ.T.

Khi ấy, biết là không thể khắc phục, nên cả 4 thuyền viên trên tàu xuống chiếc thuyền thúng duy nhất để mong được sống. Do chiếc thuyền thúng bị lủng, để ngăn nước chảy vào, ngư dân phải vớ lấy miếng xốp đang trôi trên biển nhét kín lỗ thủng. Chiếc tàu bị chìm, nhưng phần mũi vẫn còn nổi lên trên mặt nước khoảng 4 - 5m nhờ phần xốp trong các hầm muối cá. 4 thuyền viên dùng dây cột thuyền thúng vào phần mũi tàu còn nổi để tránh bớt sóng gió, nhờ đó mới cầm cự được chừng ấy thời gian giữa sóng to gió lớn.

“Trong thời gian ấy có đến 5 - 6 chiếc tàu hàng đi ngang qua nơi chúng tôi gặp nạn, thế nhưng chẳng tàu nào cứu. Đến khi chúng tôi đã mệt lả thì có chiếc tàu hàng Hong Kong, vị thuyền trưởng là người Philippines đầy lòng nhân đạo cứu vớt. Chiếc tàu nặng đến mấy chục ngàn tấn chạy quanh tàu cá bị nạn đến mấy vòng trong sóng to gió dữ, mất 1 tiếng rưỡi mới đưa được chúng tôi lên tàu. Rồi chiếc tàu hàng Hong Kong phải chạy 200 hải lý, mất 7 tiếng mới bàn giao được chúng tôi cho tàu SAR 27-01. Chúng tôi không bao giờ quên ơn vị thuyền trưởng tàu hàng Hong Kong, người đã sinh ra chúng tôi lần thứ 2”, anh Lê Văn Minh vừa nói vừa khóc.

Anh Minh giữ chiếc áo của tàu hàng Hong Kong để làm kỷ niệm. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Minh giữ chiếc áo của tàu hàng Hong Kong để làm kỷ niệm. Ảnh: V.Đ.T.

Mong vẫn được bám biển

Ngư dân Lê Văn Minh đi biển năm 17 tuổi, sau 5 năm, đến năm 22 tuổi anh tậu được chiếc tàu BĐ 91464 TS với giá 20 cây vàng, chính là chiếc tàu vừa bị chìm trên biển. Những năm gắn bó với BĐ 91464 TS, cứ 3 năm anh phải làm nước (sửa chữa) con tàu 1 lần. Từ năm 2017 đến năm 2020 anh Minh phải cho tàu nằm bờ vì đánh bắt cá ngừ đại dương bằng nghề câu vàn không còn hiệu quả.

Con tàu nằm phơi mình dưới nắng suốt nhiều năm liền, phần tàu nằm dưới nước thì gỗ bị hàu ăn nên hư hỏng nghiêm trọng, đó là chưa nói đến phải bảo dưỡng máy móc. Đến năm 2020, anh Minh quyết định bám biển trở lại nên phải thay máy tàu, sửa sang toàn bộ con tàu hơn 1 tỷ đồng. Sau 6 năm nằm bờ, chuyến biển đầu tiên không ngờ cũng là chuyến biển định mệnh, toàn bộ tài sản bị vùi sâu dưới đáy biển.

Chị Lệ, vợ anh Minh khóc khi nghĩ đến chuyện chồng suýt chết trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Lệ, vợ anh Minh khóc khi nghĩ đến chuyện chồng suýt chết trên biển. Ảnh: V.Đ.T.

Chị Lệ, vợ anh Minh ở thôn Trung Ái, phường Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn, Bình Định), tâm sự trong nước mắt: “Hàng ngày tôi xuống Cảng cá Quy Nhơn mua cá mang về bán chợ quê kiếm vài trăm ngàn. Thời gian sửa chữa tàu đúng vào năm 2020, là lúc dịch Covid-19 hoành hành, khi ấy em không mua bán gì được nên mỗi ngày cứ 6 giờ sáng là em xuống bến để cùng chồng trít tàu đến tối mới về. Nếu thuê công phải mất cả hơn trăm triệu, bởi công thợ trít tàu 500 - 600 ngàn đồng/ngày/người, làm khoán thì 400 - 500 ngàn/m2, nhưng mua vật liệu về tự trít chỉ tốn 30 triệu đồng. Trước khi mở chuyến biển đầu tiên sau 6 năm tàu nằm bờ, vợ chồng em phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng để đổ dầu, mua lương thực, đồ câu, đá lạnh… Vậy mà chuyến này biển đã nhấn chìm của vợ chồng em toàn bộ tài sản hàng tỷ đồng”.

“Bây giờ trắng tay, không còn tàu để vươn khơi, nhưng người của biển không thể làm việc gì trên bờ, thoát chết chuyến này tôi ơn trời, ơn vị thuyền trưởng tàu hàng Hong Kong, nhưng ngư dân mà không còn tàu cá thì sống cũng như chết. Bây giờ, các ngân hàng đang thu hồi nhiều tàu cá vỏ thép do chủ tàu không có khả năng trả nợ, tàu vỏ thép mà không hoạt động, nằm miết thì cũng gỉ sét, hư hỏng. Nếu có ngân hàng nào cho tôi nhận tàu cá ấy đi biển cũng như là để bảo quản con tàu, để tạo điều kiện cho tôi hoạt động, tôi sẽ vay thêm tiền để mua ngư lưới cụ đi đánh bắt, tôi sẽ trả vốn, lãi cho ngân hàng theo định kỳ”, ngư dân Lê Văn Minh trải lòng.

Vợ chồng anh Minh. Ảnh: V.Đ.T.

Vợ chồng anh Minh. Ảnh: V.Đ.T.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hơn 300 cơ sở ở Thái Nguyên vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh Thái Nguyên đã phát hiện hơn 320 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bình luận mới nhất