| Hotline: 0983.970.780

Chuyện cũ cơ quan

Thứ Sáu 04/12/2020 , 06:10 (GMT+7)

Tiễn tôi ra Hà Nội nhận công tác, cha tôi bảo: “Ra đó đừng gây oán chuốc thù!”. Là người Hán học rồi Tây học, ý kiến của ông rất được con cái xem trọng.

Tổng Biên tập Lê Nam Sơn và Phó Tổng Biên tập Phạm Ngữ.

Tổng Biên tập Lê Nam Sơn và Phó Tổng Biên tập Phạm Ngữ.

Ba bộ sáp nhập lại (Nông nghiệp, Công nghiệp Thực phẩm, Lương thực), theo đó, 94 con người các báo về ở với nhau thôi chứ vẫn còn phe nhóm, phức tạp lắm.

Bấy giờ, có lúc tòa soạn báo có tới 7-8 phòng, ban lại thêm một trung tâm dịch vụ gia công, buôn bán đủ thứ nhưng còn để lại một khoản nợ là 76 ngàn USD.

Sống, làm việc ở Sài Gòn quen rồi nên khi ra Hà Nội tôi thấy rất lạ là ai cũng có quyền cả. “Cây đa có cái bóng của cây đa, con kiến có cái bóng của con kiến, ông chưa là cái gì nhé!” - có người nói thẳng với tôi như vậy.

Con ông cháu cha hay dây mơ rễ má, chống lưng chăng? Rồi anh Tô Vương, Vụ trưởng ở báo Nhân Dân được Bộ Y tế mời về làm Tổng biên tập báo ngành kể đủ chuyện làm tôi thêm nao núng.

Nội bộ lục đục, thưa kiện ì xèo, không ngán. Nợ nhuận bút, nợ lương, nợ công in, không sợ. Nhưng lên Vụ Tổ chức cán bộ xem danh sách 70 người thì thấy có tới 40 là con em trên Bộ, thấy ớn. Điều may mắn là chúng tôi rất được lãnh đạo Bộ ủng hộ.

Khi anh Diệp, Vụ trưởng Tổ chức cán bộ vào Sài Gòn đặt vấn đề điều ra Hà Nội, tôi nêu lại 2 yêu cầu, đó là: Quyết định phải là Tổng Biên tập chính thức và tôi chỉ ra 2 năm rồi về làm phó trở lại.

Anh Diệp cho biết Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn đã đồng ý. Tuy nhiên, khi ra nhận lại chỉ có “quyền” nên tôi bay về liền. Và nghĩ, tiếc gì một tờ giấy khổ 21x33, hôm nay đưa lên, ngày mai các sếp đuổi xuống có sao đâu nhỉ?

Khổ, tổ chức xứ mình sao rối rắm quá, không chỉ là tiền nhiệm của tôi mà trên Bộ cũng vẫn để phụ trách và quyền rất nhiều.

Bộ còn có giai thoại, ở một viện nọ, có 3 vị đều là viện phó và cũng chỉ cử ra một vị làm tổ trưởng tổ viện phó thôi.

Về sau được biết, Bộ đang làm hiệp y với Ban Tư tưởng Văn hóa TW và Bộ Văn hóa Thông tin nên 8 ngày sau tôi mới trở ra nhận quyết định chính thức. Bộ cũng tái bổ nhiệm anh Phạm Ngữ làm Phó Tổng Biên tập, quả là thêm một điều may mắn nữa.

Anh Ngữ là con người đứng đắn, mẫu mực, có bề dày công tác, tham gia kháng chiến khi tôi còn chưa sinh, một trong 100 người được cử đi học Liên Xô cùng lớp với Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan… từ khi hòa bình mới lập lại.

Ban biên tập chỉ có 2 người nên rất thuận lợi. Chúng tôi cũng thống nhất, chỉ tập trung xây dựng cho 2 sản phẩm của cơ quan là tờ báo Nông nghiệp Việt Nam và Tạp chí KH kỹ thuật nông nghiệp thôi. Còn lại Ban kinh tế, các tổ dịch vụ phải giải thể, chờ sắp xếp với số lượng người dôi dư rất lớn.

Đây quả là một công việc vô cùng nan giải. Cũng có thể, một phần do phải gắn kết trong chiến tranh nên người miền Bắc và Hà Nội nói riêng rất gắn bó với biên chế, cơ quan nhà nước.

Lời nhắc nhở của cha luôn lởn vởn trong đầu: phải đặt mình vào địa vị của người mất việc bằng cách mở ra nhiều hướng đi cho anh em lựa chọn. Như chuyển công tác được 5 triệu, về hưu trước tuổi tùy vào số năm còn lại được lĩnh từ 7-12 triệu đồng.

Đồng tiền hồi bấy giờ rất khan hiếm và có giá trị, lương Tổng biên tập theo ngạch bậc Nhà nước 533đ nhân với các kiểu cũng chỉ có 179 ngàn/tháng thôi, nên có thể giúp cho họ và gia đình giải quyết được một số khó khăn trước mắt.

Báo cũng đã xây dựng được quy chế hưởng lương theo hệ số, có bài mới có thu nhập nên bất cứ ai có nguyện vọng chuyển sang làm phóng viên đều được nhận hết. Việc trả lương theo tuần, hệ số bài viết là một phát kiến to lớn của báo, không chỉ có tác dụng loại bỏ được những người dựa dẫm, không đủ năng lực mà còn giúp tạo dựng được một thế hệ nhà báo thật sự tài năng sau này.

Những người đi nhiều, viết khỏe như Dương Đình Tường, Đức Cường, Vũ Minh Việt… nhiều khi hệ số còn cao hơn cả Tổng biên tập. Tôi nhớ, quy định hệ số tối thiểu cho mỗi người một tháng phải đạt tối thiểu là 2.0 và nếu có 3 tháng không đạt thì phải nghỉ việc.

Với quy chế này, không chỉ cháu trai anh Tạn Bộ trưởng, người chúng tôi rất chịu ơn rồi về sau này là cháu của Bộ trưởng Lê Huy Ngọ thử việc không được tuyển dụng mà đến ngay như con của tôi, muốn vào cơ quan, không chịu được sức ép cũng phải chào thua.

Công việc hành chính được định biên, chặt chẽ lại trên nguyên tắc có việc mới có người và mỗi người phải làm nhiều việc. Bộ phận kế toán, tài chính trước đây có lúc đến 5-6 người thì nay chỉ còn 1,5 người thôi.

Ngoài cô Trần Thị Vọng kế toán trưởng ra thì cô Lan Phương phải đánh máy bài vở cho cả tạp chí KHKT Nông nghiệp nữa. Tôi nhớ, đến như anh Mai Xuân Trường, Trưởng ban tổ chức trị sự là người được cân nhắc giảm biên chế sau cùng, cũng vậy.

Anh Trường là bộ đội, thương binh, khi tôi đang quàng khăn đỏ, chăn bò thì anh đã kéo pháo vào khu 4 quê tôi chiến đấu rồi. Là người hiểu biết, có uy tín, kinh tế vào loại khá giả nhất cơ quan nhưng vợ là nhà khoa học thường hay đi công tác nước ngoài nên buồn, có nguyện vọng tiếp tục làm việc.

Tôi bảo, bác đã từng làm tổ chức nên xem có thể làm được việc gì, ở đâu nào? Một tuần sau, anh vui vẻ đến nộp đơn xin nghỉ.  

Tòa soạn, rút xuống còn 3 ban: Phóng viên Biên tập, Thư ký tòa soạn, Tổ chức trị sự cùng với tạp chí KHKT Nông nghiệp (lúc chưa về Bộ) nữa tổng cộng chỉ còn 22 người, tính ra đã giảm hơn 50% quân số.

Người chịu thiệt hại lớn là anh Thực. Anh Thực là tổ trưởng tổ lái xe 3 người mà nay chẳng còn xe oto nào nên mới vào Sài Gòn mua một máy photocopy cực xịn đặt ngay phòng góc 2 mặt tiền Ngô Quyền - Đinh Lễ để làm dịch vụ.

Nhớ ông Nguyễn Văn Thực.

Nhớ ông Nguyễn Văn Thực.

Hồi bấy giờ, máy photo Hà Nội còn khan hiếm, cửa hàng của anh lúc nào cũng nườm nượp, nhất là khách Tây toàn trả bằng tiền đô, phát đạt lắm. Hoàn cảnh, cuộc sống đã rèn cho anh không hề ngán ngại va chạm.

Sáu tuổi bố mất, mẹ đi lấy chồng, anh về ở với bà nội là người cực kỳ nghiêm khắc thường xuyên bị đòn roi, anh bỏ đi tự lập rất sớm. Cũng may, những năm trước đây, khi tôi đang làm Giám đốc chi nhánh của báo tại TP Hồ Chí Minh, anh thuộc diện tự lo, tự sống, thường xuyên đưa xe tải vào Sài Gòn, tôi đã giúp anh việc làm ăn mà không nhận lại bất cứ thứ gì nên anh rất nể.

“Với anh tôi phải chịu chứ người khác tôi chống đến cùng”, anh hầm hầm đi xuống cầu thang. Anh cũng là người về hưu trẻ nhất cơ quan khi mới có 41 tuổi. Năm trước, nghe tin anh mất tôi buồn mất mấy ngày, năm rồi về ra Hà Nội mới có dịp tới thắp hương cho anh được.

Trường hợp anh Hòa làm ở bộ phận kế toán, cũng là một trở ngại. Anh Hòa là người cực giỏi về kế toán, được anh Hoàng Trần Cương kế toán trưởng ví là Ngụy Diên trong Tam Quốc.

Quanh năm, chỉ thấy anh toàn chơi, đánh cờ vỉa hè rồi chỉ sử dụng mỗi việc quyết toán vào cuối năm thôi. Vậy mà có 2 năm anh giận, không quyết toán, buộc cơ quan phải thuê anh Tài ở Vụ Tài chính của Bộ đã về hưu làm quyết toán giúp.

Do cơ chế của xứ mình chưa hoàn thiện, xé rào làm sai là chính nên người giỏi, tinh ý như anh cứ ngồi đó thì ai cũng phải sợ. Vì quả thật trước đó, anh cũng đã từng làm sính vính, mất chức, vào vòng lao lý một số cán bộ lãnh đạo báo rồi.

Dù vậy, chúng tôi cũng đã định sử dụng anh thật thì có người bảo là họ sẽ ngán ngại, nên thôi. Rồi hôm đó, tôi cử chị Vũ Thị Bảo, Phan Bích Lam và anh Hòa xuống cảng Hải Phòng phụ giúp kiểm kiện gạo (đếm kiện cẩu hàng) cho Tổng công ty Lương thực Miền Bắc do báo làm dịch vụ thì anh bị rơi xuống biển.

Tôi đang đứng từ xa nói chuyện với anh Nguyễn Hữu Tâng, chỉ huy tàu gạo 8 ngàn tấn từ cảng Sài Gòn ra thì nghe công nhân bốc xếp la ầm ĩ có người rơi xuống biển chìm nghỉm, không biết bơi. Tôi vội chạy đến để nguyên quần áo, nhảy xuống biển đúng vị trí anh em công nhân chỉ, tóm được anh lôi lên.

Người ta bảo, cũng may là triều đang xuống chứ nước mà cuốn vào dưới đáy tàu 8 ngàn tấn, dài mấy chục mét, không biết lối ra thì tôi cũng khỏi lên luôn rồi. Về sau, anh trở nên thân thiết, không a dua theo những người thưa kiện mà chuyển công tác sang Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Mọi việc đang tưởng như xuôi chèo mát mái thì một loạt đơn thưa kiện cáo gửi đi các nơi, nhất là khi việc đền bù, giải tỏa ở tầng trên và chuyển đổi trụ sở với Vinafood Hà Nội ở 14 Ngô Quyền.

Nguyên do, nhà 14 Ngô Quyền báo chỉ có chủ quyền ở tầng trệt thôi, còn tầng trên là của Vinafood Hà Nội và 3 hộ cán bộ, dân ở. Chúng tôi cũng được biết, từ nhiều năm trước, báo đã đặt vấn đề giải tỏa để chuyển về một mối nhưng không được. Nay chúng tôi kiên quyết làm và đã làm được.

Tuy nhiên, từ đoàn thanh tra Bộ do anh Tâm làm trưởng đoàn đến VKS tối cao, C16 (Cục CSĐT) Bộ Công an đều đặt vấn đề là căn cứ vào văn bản nào, điều nào, hướng dẫn và đơn giá nào, chỉ đạo nào… mà chi 111 triệu đồng giải tỏa đền bù rồi chuyển đổi trụ sở thì chịu chết. Bởi đợi được những thứ giấy đó, nói như dân gian có mà đến mùa quýt, tết Công Gô?

Tôi trực tiếp dẫn các anh đi xem thực địa khối nhà 2 mặt tiền đẹp như mơ 14 Ngô Quyền đã thu về một mối và hỏi họ là ở địa vị các anh có làm như vậy không? May là, cán bộ hồi bấy giờ còn tốt và họ cũng thấy việc chúng tôi làm là trong sáng nên êm xuôi luôn.

Chưa yên, ngôi nhà đẹp 14 Ngô Quyền còn làm cả tòa soạn mệt mỏi, điêu đứng thêm một lần nữa, khi anh Hưng sữa có bố là thương binh nặng nhất, huy động một số thương binh nặng Hà Nội chiếm giữ mặt đường Đinh Lễ. Anh Hưng còn đưa gần chục thương binh, uống rượu bia say đến tận nhà tôi ở để “làm việc”.

Cả chục thương binh đến nhà cũng không làm tôi hoảng hồn bằng việc một mình cô Dung thủ quỹ, đang đêm mang bụng chửa vượt mặt, đến nhà khóc ầm ĩ, trước những cặp mắt tò mò của bà con khu phố, lối xóm.

Cô Dung nguyên là thủ quỹ, khi kiểm tra quỹ, có 12 triệu thì thụt két mất 10 triệu đồng. Hồ sơ đã để sẵn trên bàn, chỉ một chữ ký của chúng tôi gửi cơ quan pháp luật đang chờ thì không chỉ cô Dung mà số phận, dòng chảy người liên quan cũng đã sẽ khác.

Vô phúc đáo tụng đình, cuối cùng vụ chiếm nhà của anh Hưng sữa buộc phải nhờ đến cơ quan pháp luật là tòa án mới giải quyết được. Nhưng rồi, hôm nhìn cảnh anh Hưng xích cổ bố và một thương binh nặng Hà Nội nữa vào cửa sắt, bị đội thi hành án phong tỏa, đưa xe cứu thương, cứu hỏa đến cắt cả xích sắt cổ mang đi mà chúng tôi thấy xót xa quá.

Căng thẳng, tôi bị zời leo (zona - viêm đầu dây thần kinh) và hậu bối một cục to tướng sau xương sống lưng.

Anh Quách Trần Lâm xem bảo có tới 6 cái ngòi nên anh Thực dù đã nghỉ vẫn lên đưa tôi tới nhà ông lang phố Lãn Ông dán cao, cũng chẳng ăn thua gì. Rồi gần cuối buổi chiều, sốt đùng đùng, chịu hết nổi tôi nói dối với anh Ngữ là sẽ đến nhà bà con nghỉ vài ngày, nhưng kỳ thực định trốn về nhà mà không muốn ai làm phiền hỏi thăm, đường sữa.

Trên đường về, tôi ghé bệnh viện Việt - Đức thử khám xem, bác sĩ nội trú tên là Hào gõ gõ xuống bàn nói: mổ mổ. Lạ thế, khi dao điện vừa kết thúc cắt 2 đường chữ thập vào hậu bối cùng những giọt ête mát lạnh thì hết sốt.

Mờ sáng hôm sau tôi trốn viện về cơ quan. Hết sốt hậu bối cho bản thân nhưng tiền bạc vẫn sốt, đợi chờ giải quyết căng thẳng lắm. Lấy đâu ra khoản tiền gần 300 triệu đồng để đền bù, giải tỏa và trợ cấp cho CBCNV nghỉ hưu đây?

Lúc bấy giờ, chi nhánh báo tại TP Hồ Chí Minh nơi tôi từng làm Giám đốc làm đại lý cung ứng gạo cho Tổng công ty Lương thực đang có 500 triệu đồng, vì đại cục có thể chuyển ra tòa soạn. Lại nghĩ, lòng tự trọng để đâu, tại sao phải đi lấy tiền của anh em bao năm vất vả ngày đêm mới tạo lập được mà không làm ra từ chính tòa soạn? Và một lần nữa, chúng tôi cũng tìm được lối ra.

Đó là, cho Tây thuê phòng. Nhưng vướng mắc ở chỗ phải có cầu thang đi riêng thì lấy đâu ra? Trời mưa rét mướt, 9-10 giờ đêm, tôi với anh Lâm - Trưởng ban Tổ chức trị sự còn ngồi chầu chực ở nhà đồng chí công an Hà Nội phụ trách việc này đang đi chơi thể thao. Cuối cùng giấy phép cũng xong.

Anh Ngữ chuyển sang ở chung với tôi, để lại phòng cho thuê được 1.000 USD. Phòng Ban phóng viên cho thuê được 1.300 USD. Mới nhận việc 2 ngày đã phải sang Tổng công ty Lương thực vay tiền trả lương thì 2.300 USD/tháng thời đó có giá trị và quan trọng lắm.

Do ngay từ đầu, đã xác định đúng đắn là phải sống bằng sản phẩm của mình là tờ báo nên cơ quan đã cho tăng trang, tăng kỳ xuất bản liên tục.

Anh Trịnh Bá Ninh lên Trưởng ban báo, thay anh Ngô Thời Tuyên được điều chuyển sang làm Trưởng ban tạp chí, tài năng được phát huy tối đa. Báo từ 1 kỳ/tuần, 8 trang, tăng lên 2-3-4-5 kỳ/tuần, 16 trang dày dặn, hấp dẫn, đánh động nhiều vấn đề thời sự nóng bỏng của xã hội, đến lãnh đạo Bộ cũng phát hoảng, lo lắng.

Tuy không điều tiền của Chi nhánh ra, nhưng của đáng tội mỗi lần vào tôi có tạm ứng một khoản tiền lên đến 13,2 triệu đồng để ra tòa soạn làm quà, đi lại, quan hệ.

Bản tính người Việt mình vốn trọng tình, trọng nghĩa, “nhất thân, nhì quen, miếng trầu, đầu câu chuyện” mà bản thân mình, từ khi ra trường đều công tác ở phía Nam, gần như không quen biết ai ở các cơ quan bộ, ngành TW cả nên hễ nghe hiếu, hỉ nơi cần là phải chạy liền.

Chẳng phải phong bao, phong bì gì to tát chứ cây thuốc lá, thùng bia, túi trái cây thôi, đối với tòa soạn vào những năm còn phức tạp, khốn khó đó cũng là điều không thể.

Mãi về sau, khi thu nhập lương, thưởng của cơ quan khá lên, tôi mới góp dần nhờ cô Trần Thị Mai, văn thư tòa soạn cho tiền vào hộp thư lưu (có khóa chuyển bài, thư từ TS-CN) gửi vào cho cô Nguyễn Thị Miến, kế toán Chi nhánh báo hoàn tạm ứng, sang năm 1993 mới hết nợ.

Đội ngũ những người làm báo Nông nghiệp Việt Nam.

Đội ngũ những người làm báo Nông nghiệp Việt Nam.

Hôm nay, nhắc lại những chuyện nhỏ nhặt xưa cũ, trong đó có việc tinh giản biên chế đầu những năm 90 là vô cùng quan trọng. Để cũng thấy được, sự đóng góp, hy sinh to lớn của những con người bình dị, đã về nghỉ hưu trước tuổi cho con thuyền báo Nông nghiệp Việt Nam những năm đó không chìm. 

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Bố trí đất, xây nhà ở cho người dân sau bão lũ

YÊN BÁI Hàng trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng trong bão số 3 ở huyện Trấn Yên đang được xây dựng, sửa chữa đồng loạt để giúp bà con ổn định cuộc sống, đón Tết yên vui.