| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đất ruộng chuyên màu sang trang trại cây ăn quả, thu 500 triệu đồng/năm

Thứ Sáu 04/01/2019 , 07:15 (GMT+7)

Trang trại này trước đây là những chân ruộng chuyên màu, canh tác không hiệu quả, sau khi được anh Hoàng thuê nhượng lại, đã trở thành vườn cây ăn quả trù phú.

17-29-31_mot_goc_trng_tri_cy_nh_qu_cu_gi_dinh_nh_co_xun_hong
Một góc trang trại của anh Hoàng

Trò chuyện với chúng tôi, anh Cao Xuân Hoàng ở thôn Liễu Khê, xã Song Liễu, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) cho biết, trước khi đến với nghề trồng thâm canh cây ăn quả, anh đã từng đi làm công cho các gia đình tái chế nhựa ở thôn Minh Khai (Hưng Yên). Sau thấy nghề này độc hại và vất vả, thu nhập không đủ bù đắp cho sự hao tổn sức khỏe, anh đã quyết định quay về gắn bó với nghề nông. Tuy nhiên, địa phương quê anh được coi là cơ sở vùng sâu, vùng xa của huyện và tỉnh, để trồng cây gì, nuôi con nào cho hiệu quả, có đầu ra ổn định, luôn là bài toán khó với các nhà nông trên địa bàn.

Để giải quyết bài toán đặt ra nói trên, anh Hoàng đã âm thầm tiến hành khảo sát nhu cầu tiêu dùng rau, hoa, quả của các tầng lớp nhân dân địa phương và nhận thấy, do địa bàn xã không gần các chợ kinh doanh nông sản lớn, nên hầu hết các loại trái cây thông dụng, trước khi đến tay người tiêu dùng, đều phải qua nhiều tầng nấc cung ứng trung gian, đã bị đội giá lên tới 25% so với sản phẩm cùng loại bán tại các nhà vườn. Kết quả khảo sát đã giúp anh Hoàng củng cố thêm quyết tâm lập dự án, xây dựng trang trại trồng tổng hợp các loại cây ăn quả. Mục tiêu chủ yếu là cung ứng các loại quả ăn tươi cho nhu cầu tiêu dùng của người dân tại chỗ.

Dự án của anh Hoàng đã được các cấp chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi như ưu tiên thuê đất công điền, hỗ trợ giá giống cây con, giới thiệu đi thăm quan học tập mô hình và tập huấn kỹ thuật canh tác cây ăn quả theo hướng VietGAP...

Nhờ vậy, chỉ sau 3 năm, anh Hoàng đã phát triển trồng được 2,5ha cây ăn quả các loại, bao gồm 0,5ha chuối tiêu hồng, 0,4ha ổi lê Đài Loan, 0,5ha bưởi và hơn 1ha cam Vinh, cam Canh, cùng hàng trăm cây mít đặc sản.

Kết quả đã đúng như dự tính ban đầu, hầu hết các loại quả sản xuất ra từ trang trại của anh Hoàng, đều bán được trực tiếp cho người tiêu dùng tại chỗ. Vào các ngày lễ tết, hội làng, tuần rằm, mùng một, gia đình không có loại quả nào phải bán ra ngoài địa phương. Từ 3 năm nay, trung bình mỗi năm trang trại của gia đình anh cho thu nhập trên 500 triệu đồng, lợi nhuận đạt 350 triệu.

Để gia tăng thu nhập và có nguồn thu rảI vụ trong suốt năm, một số năm gần đây, anh Hoàng đã sản xuất thêm một số giống cây ăn quả (cam, bưởi, mít, ổi) và các cây cảnh có múi như cam Canh, bưởi Diễn. Đồng thời anh còn lặn lội lên tận vùng núi Yên Bái, tìm mua giống bưởi đào đặc sản về trồng, giúp trang trại có bưởi thu hoạch ngay trong đầu tháng 7 âm lịch.

17-29-31_de_bo_ve_dt_trng_tri_ny_chi_lm_co_bng_my_khong_phun_thuoc
Làm cỏ bằng máy chứ không phun thuốc để bảo vệ đất

Trầm tư nhớ lại những ngày đầu mới thuê đất trồng cây, anh Hoàng vẫn cho rằng, mình làm liều và gặp may, bởi trang trại này trước đây là những chân ruộng chuyên màu, nhưng trồng khoai lang thì bị hà, gieo lạc củ cũng thối đen, vài cây lưu niên mọc hoang bên lối đi, góc ruộng, cũng sinh trưởng èo oặt, không thể phát triển.

Để có thể trồng được các cây ăn quả, anh Hoàng đã liều thuê máy xúc, đào sâu tới hơn nửa mét, bóc toàn bộ lớp đất canh tác bên trên vùi sâu xuống đáy cùng, lật tầng đất đáy cùng lên mặt trên, rồi tiến hành đào hốc, bón lót trồng cây. Thật bất ngờ, mọi cây trồng đều bén rễ hồi xanh nhanh chóng, sinh trưởng phát triển thuận lợi, cho những mùa vụ bội thu như hiện tại.

Từ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh hiệu quả của mình, anh Hoàng khuyến cáo: Với các nhà vườn chuyên canh cây ăn quả, những năm đầu nên cơ cấu tỷ lệ diện tích hợp lý, các cây sớm cho thu hoạch như chuối, táo, ổi... bên cạnh các cây trồng lâu cho thu quả như, cam, bưởi, nhãn mít, hồng xiêm. Như vậy sẽ nhanh có vốn để tái đầu tư cho sản xuất mở rộng, giảm thiểu rủi ro được mùa mất giá, được giá mất mùa.

Kế hoạch trong thời gian tới, anh Hoàng sẽ tiếp tục thuê thêm ruộng, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, gia tăng sản lượng, ngoài cung ứng các loại quả cho người tiêu dùng tại chỗ, xuất bán qua thương lái...

 

Xem thêm
Gần 3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi Quảng Ninh khôi phục tốt

3 tháng sau bão số 3, chăn nuôi của Quảng Ninh, nhất là đàn gia cầm tăng mạnh, cơ bản khôi phục sản xuất so với trước bão.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.