| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi hiệu quả từ nuôi cá tự nhiên vùng lũ

Thứ Ba 22/11/2022 , 10:49 (GMT+7)

Đồng Tháp Tận dụng mấy tháng nước lũ về không thể cấy lúa, người dân 'dụ' các loại cá ngoài tự nhiên vào đồng, khi lũ rút, cá được thả nuôi trong ruộng lúa.

Ở những vùng có nước lũ, lúa chỉ trồng được 2 vụ, còn 1 vụ bỏ không. Mô hình nuôi cá thiên nhiên mùa lũ này không chỉ góp phần tăng thu nhập, mà lúa cũng sạch hơn do không sử dụng các loại phân bón hoá học, thuốc trừ sâu các loại.

Anh Giang Thái Bình, 42 tuổi, ở ấp Phú Thọ B, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, Đồng Tháp, đang làm mô hình này và thu nhập tăng lên đáng kể.

Cánh đồng đón lũ nuôi cá tự nhiên của anh Giang Thái Bình. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Cánh đồng đón lũ nuôi cá tự nhiên của anh Giang Thái Bình. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nói về việc chuyển đổi mô hình canh tác, anh Bình cho biết, vợ chồng anh có 2,5 ha ruộng, lâu nay vẫn trồng lúa. Với năng suất bình quân khoảng 5 tấn/ha, sau khi trừ chi phí, mỗi năm lời chưa tới 20 triệu đồng/ha. Với số tiền này, vợ chồng anh khá chật vật khi phải lo cho 2 con ăn học.

Sau khi mày mò tìm hiểu một số mô hình nuôi cá trong ruộng lúa, năm 2021, anh bắt tay đào ao trữ cá thiên nhiên, ngăn lưới để nuôi cá trong ruộng lúa. Vị trí ruộng lúa của gia đình anh khá thuận tiện khi nằm ngay bờ đê ngăn lũ và thấp hơn bên ngoài. Nhờ vậy, việc đón nước vào ruộng khá thuận lợi. Vào tháng 9, khi lúa thu hoạch xong cũng là lúc lũ về. Nước tràn vào ruộng, cùng với rất nhiều loại cá. Sau mấy tháng lũ rút, anh giữ nước lại nuôi, đồng thời, thả thêm một số loại cá khác. Đến vụ lúa, anh rút bớt nước, cá được dồn vào các ao, mương xung quanh. Cấy lúa xong, anh bơm nước từ ngoài kênh vào, mực nước được bơm theo chiều cao cây lúa. Đến khi thu hoạch lúa, cũng là lúc thu hoạch cá.

Dưới đồng nước này, có hàng tấn cá tự nhiên các loại, chỉ cần 1 đoạn lưới ngắn, anh Bình dễ dàng bắt được mấy con cá rô phi khá to. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Dưới đồng nước này, có hàng tấn cá tự nhiên các loại, chỉ cần 1 đoạn lưới ngắn, anh Bình dễ dàng bắt được mấy con cá rô phi khá to. Ảnh: Hồng Thuỷ.

“Nuôi cá trong ruộng lúa có nhiều cái lợi, cá ăn hầu hết các loại sâu bệnh hại nên lúa ít bị sâu bệnh, cá sục bùn cũng rất tốt cho sự phát triển bộ rễ cây lúa. Chất thải của cá làm phân bón cho lúa, góp phần giảm bón phân, không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không mất công làm cỏ, làm đất. Cá cũng không cần phải cho ăn gì, vì trong môi trường nước tự nhiên đã có rất nhiều thức ăn cho cá. Đặc biệt, việc không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật góp phần canh tác lúa theo hướng sạch. Lâu dần, có thể làm lúa hữu cơ”, anh Bình nói.

Anh Bình cho biết, cá lóc đầu nhím là loại cá dễ nuôi, phù hợp với môi trường tự nhiên, không cần hỗ trợ kỹ thuật, cá dễ ăn, nuôi kiểu tự nhiên nên chẳng lo bệnh tật. Còn nuôi các loại khác, giá trị kinh tế cao hơn thật, nhưng lại đòi hỏi khắt khe về quy trình, chi phí đầu tư lớn, rủi ro cũng nhiều. Ví dụ nuôi cá tra hay cá heo đuôi đỏ, cá chình, cá chạch, yêu cầu nguồn nước sạch, hệ thống bơm oxi, thức ăn… Vì thế, nuôi kiểu thiên nhiên thì cá lóc đầu nhím là phù hợp nhất. “Loài cá này thả ra ngoài tự nhiên, nó có thể ăn các loại cá nhỏ, cá tạp, cua ốc nhỏ. Cá lóc đầu nhím mang ra chợ, người ta dễ chấp nhận là cá tự nhiên, dù mình thả con giống. Còn nếu là cá lóc đầu vuông thì ai cũng biết, nó không thể tự kiếm ăn ngoài tự nhiên được. Đó là sự khác biệt của con cá lóc đầu nhím”, anh Bình nói.

Năm nay, anh Bình may mắn được ngân hàng Thế giới tài trợ làm mô hình “Nuôi cá mùa lũ”, tạo sinh kế cho người nông dân vùng ĐBSCL.

“Mô hình của tôi được tài trợ 13 ngàn con giống cá lóc đầu nhím. Sau khi ươm trong lồng lưới khoảng một tháng, ăn thức ăn công nghiệp, cá lớn, mình mới thả ra ngoài tự nhiên. Khi thả ra ngoài môi trường tự nhiên rồi thì không cho ăn nữa. Khoảng 5-6 tháng là có thể thu hoạch. Cá đạt trọng lượng khoảng 7-8 lạng/con. Mặc dù không lớn nhưng cá lại ngon, thuơng lái thu mua ngay tại ao giá từ 60-70 ngàn đồng/kg.

Năm 2021, anh Bình đã kiếm thêm hàng trăm triệu đồng nhờ thả gần 10 ngàn con cá lóc nuôi cùng cá thiên nhiên. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Năm 2021, anh Bình đã kiếm thêm hàng trăm triệu đồng nhờ thả gần 10 ngàn con cá lóc nuôi cùng cá thiên nhiên. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chương trình này không tài trợ 100%, mà chỉ từ 50-75%, còn lại mình phải đối ứng. Trường hợp mình không có khả năng đối ứng thì họ tài trợ bao nhiêu mình dùng bấy nhiêu. Họ cũng không yêu cầu kết quả cụ thể, nhưng khi thu hoạch, họ sẽ đến đánh giá cụ thể. Nếu họ đánh giá đạt thì năm sau sẽ tài trợ tiếp, ngược lại họ sẽ ngưng. Chính vì thế, mình phải nỗ lực để đạt hiệu quả cao nhất.

Dự án này ngoài hỗ trợ kinh phí con giống, vật tư, còn có cả tư vấn kỹ thuật. Đây mới là vấn đề quan trọng. Tôi sẽ cố gắng làm thật tốt mô hình này, không chỉ là để họ tin tưởng, tiếp tục tài trợ cho mình, mà quan trọng hơn là mình học hỏi được nhiều thứ. Dù sau này họ có không tài trợ đi nữa, mình vẫn lấy đây làm mục tiêu chính để mưu sinh”, anh Bình nói.

“Từ mấy năm nay, xã Phú Thọ có nhiều mô hình chuyển đổi canh tác từ độc canh cây lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi thuỷ sản với nhiều loại cá như cá lóc, cá trê, cá tra…tương tự mô hình của gia đình anh Bình. Các mô hình này đều thành công nhờ được cán bộ ngành nông nghiệp huyện tư vấn, áp dụng quy trình nuôi trồng khoa học, thu nhập của bà con tăng gấp 10 lần, thậm chí hơn”, anh Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thọ.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Sơn La thành lập thị xã Mộc Châu từ toàn bộ 1.072,09 km² diện tích và 148.259 dân của huyện Mộc Châu.