Chuyển đổi số từ Bộ đến các cấp cơ sở
Ngày 15/3, Bộ NN-PTNT tổ chức phiên họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo báo cáo của Văn phòng Bộ NN-PTNT, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay, công cuộc chuyển đổi số đang có sự chuyển động mạnh mẽ từ cả phía Bộ và các Sở NN-PTNT.
Các thành viên của Ban Chỉ đạo đã tích cực tham mưu, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm quản lý của đơn vị mình. Một số đơn vị luôn tiên phong, làm tốt chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), cho biết, Cục BVTV đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) xây dựng phần mềm nhận diện sinh vật gây hại ứng dụng big data và trí tuệ nhân tạo. Tháng 10/2021, Cục và Viettel đã triển khai chạy thử mô hình tại tỉnh An Giang trên đối tượng cây lúa.
“Cây lúa có rất nhiều dịch hại trong khi một đối tượng dịch hại có rất nhiều pha, bệnh nên cần rất nhiều hình ảnh mới có thể nhận diện được. Trên cơ sở đó, Cục chỉ đạo các Trung tâm BVTV vùng xây dựng hệ thống hình ảnh dữ liệu kết nối, nhận biết khoảng 10 sinh vật gây hại, phổ biến nhất ở trên lúa tại Việt Nam. Sau đó có hướng dẫn đặc điểm phát sinh gây hại và biện pháp phòng trừ các sinh vật gây hại đó”, ông Nguyễn Quý Dương chia sẻ.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, chuyển đổi số trong lĩnh vực này có 2 nhiệm vụ trọng tâm đó là xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành trồng trọt và xây dựng, quản lý mã số vùng trồng. Thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp cùng các doanh nghiệp rà soát, hoàn chỉnh, bổ sung công tác xây dựng phần mềm quản lý mã số vùng trồng.
“Những vấn đề trong lĩnh vực trồng trọt có rất nhiều đối tượng nên cần phải chọn một đối tượng thử nghiệm, để từ đó rà soát, bổ sung, rút kinh nghiệm cho việc xây dựng phần mềm quản lý mã số vùng trồng”, lãnh đạo Cục Trồng trọt cho hay.
Theo đó, Cục Trồng trọt và các đơn vị đã lựa chọn cây thanh long. Ở Việt Nam, thanh long được trồng tập trung tại 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang và Long An. Sau khi phần mềm cấp và quản lý mã số vùng trồng được hoàn thiện, trong tháng 3/2022, Cục và các đơn vị sẽ hỗ trợ 3 tỉnh Bình Thuận, Tiền Giang, Long An triển khai, thực hiện trước, sau đó sẽ hỗ trợ các tỉnh có diện tích trồng thanh long khác. Trên cơ sở thử nghiệm thực tiễn đối với cây thanh long, Cục sẽ phối hợp, yêu cầu các tỉnh, thành bổ sung cây trồng quan trọng tại địa phương vào phần mềm cấp và quản lý mã số vùng trồng.
“Song song với đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành trồng trọt sẽ bao gồm các vấn đề từ sản xuất, trồng trọt, đất đai, quản lý đến thị trường… Cũng trong tháng 3/2022, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với các địa phương thu thập thông tin, dữ liệu cơ sở của ngành trồng trọt”, ông Nguyễn Như Cường thông tin.
Còn ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chia sẻ tại phiện họp, hiện nay, Cục Chăn nuôi đang phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành NN-PTNT trong đó có cơ sở dữ liệu về chăn nuôi.
Tính đến ngày 15/3/2022, VNPT đã hoàn thành phiên bản chạy thử của hệ thống cơ sở dữ liệu trên cả phiên bản web và phiên bản trên thiết bị di động. Cục Chăn nuôi đang phối hợp để rà soát, chỉnh sửa các nội dung chuyên môn.
“Dự kiến ngày 20/3 tới đây, cơ sở dữ liệu chăn nuôi sẽ được triển khai thử nghiệm, kết nối với 6 địa phương bao gồm Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bình Định, Quảng Nam, An Giang và 10 doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi, 10 doanh nghiệp chăn nuôi, 1 chuỗi quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm trong nông nghiệp”, ông Dương Tất Thắng thông tin.
Theo đó, cơ sở dữ liệu chăn nuôi sẽ số hóa thông tin nông hộ, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi; Xây dựng hệ thống tri thức ngành chăn nuôi; Chủ động phối hợp để đưa các sản phẩm chăn nuôi, vật tư phục vụ chăn nuôi lên sàn thương mại điện tử nhằm thức đẩy kinh tế nông nghiệp số.
Việc đưa sản phẩm chăn nuôi nói riêng và sản phẩm nông nghiệp nói chung lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp đảm bảo lợi ích giữa 3 nhà: Nhà nông - Nhà nước - Nhà kinh doanh, đồng thời giúp số liệu trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp đảm bảo các tiêu chí.
Không hành động ngay sẽ lạc nhịp
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã khẳng định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực quan trọng để mở ra cơ hội và những mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Qua đó để thấy chuyển đổi số là nhiệm vụ rất quan trọng để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm.
“Để có thể minh bạch nền nông nghiệp cần phải có căn cứ, dữ liệu trong bối cảnh Việt Nam đã và đang hội nhập sâu với độ mở của nền kinh tế 207% và đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền nông nghiệp Việt Nam rất đa dạng với 7 vùng kinh tế, sinh thái, thổ nhưỡng, khí hậu. Muốn đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới, không cách nào khác phải công khai minh bạch trên cơ sở thực hiện chuyển đổi số”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhận định, từ thực tiễn triển khai chuyển đổi số thời gian qua, có thể coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số. Năm 2021 là nắm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch. Năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.
Theo đó, Thứ trưởng đề nghị các Ủy viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ đạo đơn vị lĩnh vực phụ trách phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu dự án "Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu nền tảng ngành NN-PTNT" theo Nghị Quyết 11/CP của Chính phủ.
Văn phòng Bộ NN-PTNT, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo cần sớm hoàn thiện dự thảo Đề án Chuyển đổi số ngành NN-PTNT giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, xin ý kiến Ban Chỉ đạo trước ngày 30/4/2022, trình Thủ trướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 30/6/2022.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tổ chức triển khai kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Trung tâm Tin học và Thống kê cần đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng chuyển đổi số. Thực hiện nhiệm vụ giám sát an toàn hệ thống thông tin của Bộ, hoạt động ứng cứu, xử lý sự cố, phòng chống tấn công mạng.
Những nội dung trong công cuộc thực hiện chuyển đổi số trong thời gian tới đã được nêu rõ, giờ là lúc phải hành động. Cần xác định chuyển đổi số, như khoa học công nghệ, là một dòng thác cứ chảy liên tục. Nếu không có khởi đầu, chúng ta sẽ lạc hậu và không thể bắt nhịp được với xu hướng của khu vực quốc tế. Công nghệ là vị thế quốc gia, dân tộc. Muốn nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển đổi số sẽ là biện pháp đặc biệt quan trọng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.