| Hotline: 0983.970.780

Chuyển đổi số không còn là chuyện 'trên cung trăng'

Thứ Tư 12/01/2022 , 08:30 (GMT+7)

Những năm gần đây, cụm từ 'chuyển đổi số' không còn quá xa lạ với nông dân Bình Định, nhiều vườn cây ăn quả và trang trại đã hào hứng áp dụng.

Chăm sóc cây trồng bằng điện thoại

Với nhà màng rộng 2.000m2 trồng dưa lưới, dưa leo, cà chua và nhiều loại rau gia vị, anh Trần Bảo Diệp (SN 1988) ở Thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân, Bình Định) chẳng phải “động chân động tay” là mấy. Bởi, hầu hết các công đoạn chăm sóc cây trồng từ khi gieo giống đến quá trình sinh trưởng đều được điều khiển, quản lý bằng công nghệ.

Anh Trần Bảo Diệp (bìa phải) ở Thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) là một trong những người đầu tiên ở Bình Định hào hứng với chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Trần Bảo Diệp (bìa phải) ở Thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) là một trong những người đầu tiên ở Bình Định hào hứng với chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo anh Diệp, trong quá trình sản xuất, từ việc ghi nhật ký trồng trọt, đến công đoạn tưới kết hợp bón phân và quản lý cây trồng đều được thực hiện trên chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính. Từ thực tế của trang trại, anh Diệp cùng các đồng sự mày mò nghiên cứu, viết phần mềm xử lý rồi tự cài đặt để sử dụng.

Bây giờ, anh có thể thong dong, suốt nhiều ngày không cần đến vườn, nhưng tốc độ phát triển của cây trồng, hoặc cây trồng bị bệnh anh được “báo cáo” từng lúc; tưới tắm, bón phân cho cây trồng cũng được điều khiển qua điện thoại.

“Từ giai đoạn ươm cây giống, công nghệ đã giúp tôi nắm bắt từng giai đoạn phát triển của cây. Nó cho tôi biết trong ngày thứ nhất hạt giống nẩy lá mầm lên được bao nhiêu phân. Những ngày sau đó, máy điện thoại cập nhật chiều cao của cây giống phát triển, lá thật có bao nhiêu lá, vòng thân của cây con to bao nhiêu. Tất cả những thông số nói trên được ghi hết vào nhật ký, khi cần, tôi chọn hạng mục và gõ vào là nó hiện ra hết trên điện thoại để mình theo dõi”, anh Diệp cho hay.

Theo anh Diệp, bộ cảm biến nhiệt độ và bộ cảm biến sâu bệnh giúp ích nhiều nhất cho chủ nhà vườn. Ví như chủ nhà vườn thiết lập nhiệt độ trong nhà màng là 30 độ C, mức nhiệt độ phù hợp để cây trồng phát triển. Khi nắng nóng, nhiệt độ trong nhà màng tăng lên trên 30 độ C, lúc ấy bộ cảm biến nhiệt độ lập tức hoạt động, truyền lệnh cho bộ xử lý. Bộ xử lý sẽ điều khiển hệ thống phun sương hoặc hệ thống máy quạt tự động bật lên nhằm làm giảm nhiệt độ trong nhà màng hạ xuống ngưỡng cần thiết.

Bộ cảm biến sâu bệnh hại sẽ phát hiện và cập nhật vào điện thoại vị trí cây trồng bị bệnh để chủ nhà vườn kịp thời khắc phục. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bộ cảm biến sâu bệnh hại sẽ phát hiện và cập nhật vào điện thoại vị trí cây trồng bị bệnh để chủ nhà vườn kịp thời khắc phục. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bộ cảm biến sâu bệnh hại được mặc định một số dấu bệnh, vết bệnh cây trồng hay mắc. Khi cây trồng mắc bệnh, nó sẽ báo ngay lên điện thoại để chủ nhà vườn xử lý. “Ví như bộ cảm biến phát hiện được bệnh thán thư của cây trồng qua nhận biết dấu bệnh, vết bệnh sẽ báo cho bộ xử lý. Khi đó, bộ xử lý sẽ báo ngay lên điện thoại của tôi vị trí cây trồng bị bệnh rất cụ thể. Trong nhà màng của tôi hiện trồng 16 hàng đôi cây dưa lưới, tức là 32 hàng đơn. Khi có cây bị bệnh, bộ cảm biến báo đích xác cây bị bệnh nằm vị trí số mấy, hàng nào, vậy là tôi tìm đến đó mà chăm sóc cho cây trồng bị bệnh”, Diệp nêu ví dụ.

Hệ thống tưới nhỏ giọt trang trại của anh Diệp cũng hoạt động thông qua bộ điều khiển trung tâm gồm bộ lọc và hệ thống châm phân. Từng loại phân cần bón cho cây trồng được pha sẵn theo từng loại trong 2 bồn, bồn A và bồn B. Đến giờ tưới, hệ thống tưới tự bật, từng loại phân trong từng bồn sẽ chảy qua bồn mẹ tùy liều lượng đã được hệ thống mặc định.

Máy bơm chính sẽ hút tất cả lượng phân trong bồn mẹ đưa ra tưới cho cây trồng, nên anh Diệp đỡ được việc pha chế phân để tưới cho cây trồng hằng ngày. Nước tưới từ bồn mẹ đưa ra tưới cây đi qua bộ bù áp để điều chỉnh liều lượng, do đó, tất cả các cây đều được hưởng cùng 1 lượng nước tưới, trong đó đã pha sẵn lượng phân như nhau nên phát triển rất đồng đều.

Được gắn mã QR, sản phẩm 'Bưởi Hoài Ân' được người tiêu dùng tin dùng và bán được giá cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Được gắn mã QR, sản phẩm “Bưởi Hoài Ân” được người tiêu dùng tin dùng và bán được giá cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Ứng dụng công nghệ vào sản xuất chủ nhà vườn đỡ tốn thời gian, đỡ tốn công lao động. Bây giờ tôi có thể vắng nhà cả tháng nhưng vẫn có thể theo dõi, chăm sóc cho cây trồng từ xa. Thêm vào đó, nhờ bộ cảm biến sâu bệnh nên năng suất cây trồng được bảo đảm. Bởi, có cây trồng bị bệnh là bộ cảm biến phát hiện ngay, báo cho mình để mình chăm sóc. Cây bị bệnh được chữa trị kịp thời sẽ phát triển đồng đều cùng với các cây khác. Đối với dưa lưới, cho quả đồng đều đồng nghĩa sản phẩm sẽ bán được giá cao”, anh Trần Bảo Diệp chia sẻ.

Nông dân hào hứng áp dụng

Trước đây, nghe nói đến “chuyển đổi số” trong sản xuất nông nghiệp, hầu như nông dân nào cũng lớ ngớ, cứ như nghe chuyện “lên cung trăng”. Thế nhưng những năm gần đây, nông dân Bình Định ngày càng áp dụng công nghệ vào sản xuất nhiều hơn, đây là bước “nhập môn” của công cuộc chuyển đổi số. Chính những người đi tiên phong đã góp tay hình thành cơ sở dữ liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất theo xu hướng mới, tạo bước đệm quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp Bình Định.

Nhiều nông dân ở Bình Định hiện đã hào hứng với chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhiều nông dân ở Bình Định hiện đã hào hứng với chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bây giờ, về Hoài Ân, vùng đất được mệnh danh là vựa cây ăn quả của Bình Định, mới thấy chuyện “chuyển đổi số” hiển hiện trên từng sản phẩm cây trồng. Cầm quả bưởi da xanh có gắn nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân” cùng mã QR, dùng điện thoại thông minh chụp quét mã là biết ngay nơi xuất xứ, quy trình chăm sóc và cả chất lượng sản phẩm.

Theo hướng dẫn của một cán bộ thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân, sau khi quét mã QR một quả bưởi, một nông dân chấm nhẹ lên điện thoại, cả quá trình chăm sóc bưởi từ khi ra bông đến khi kết trái, cho tới thời điểm thu hoạch đều hiển hiện trước mắt, anh nông dân không khỏi bật cười sảng khoái.

“Có mã QR, 1kg bưởi da xanh ở Hoài Ân bán ra thị trường được 40.000 - 50.000 đồng, một gốc bưởi cho quả đẹp, chất lượng, nông dân thu được hơn 1 triệu đồng. Giá trị của quả bưởi trước đây so với quả bưởi có mang mã QR bây giờ chênh lệch rất lớn, người trồng được nâng cao thu nhập”, ông Nguyễn Thanh Vương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân cho biết.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định) hướng dẫn việc cấp mã QR truy xuất nguồn gốc cho người trồng bưởi da xanh trên địa bàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hoài Ân (Bình Định) hướng dẫn việc cấp mã QR truy xuất nguồn gốc cho người trồng bưởi da xanh trên địa bàn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mã QR không chỉ để người mua nhận biết gốc gác sản phẩm, mà nhiều nông dân còn theo quy trình canh tác thể hiện trong đó mà áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Trước lợi ích thiết thực, chính quyền huyện Hoài Ân, vùng đất trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất Bình Định đang đẩy mạnh phát triển cấp mã QR cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

“Theo kế hoạch phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực huyện giai đoạn 2021 - 2025, ngoài bưởi da xanh, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn và cấp mã QR truy xuất nguồn gốc cho dừa xiêm, quýt, chè Gò Loi, tiêu hột, mít Thái. Mã QR là một trong các yếu tố để minh bạch nguồn gốc, càng minh bạch bao nhiêu thì mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng tăng lên bấy nhiêu, từ đó sản phẩm được nâng cao giá trị”, ông Nguyễn Thanh Vương chia sẻ thêm.

“Những năm qua, nông dân Bình Định có chuyển biến rất tích cực trong canh tác cây trồng. Thay đổi đáng mừng nhất là nông dân không còn bám riết thói quen, giữ kiểu canh tác truyền thống, mà đã biết ứng dụng công nghệ và các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Ở Bình Định hiện nay xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Sự thay đổi của nông dân bây giờ là sự mở đầu cho thay đổi của cả nền sản xuất nông nghiệp địa phương, hướng tới phát triển bền vững”, ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Định đánh giá.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.