Nhà lãnh đạo Kim Jong-un |
Tờ North Korea News, có trụ sở tại Hàn Quốc, dẫn nhiều nguồn tin tình báo và lời thuật của những người Triều Tiên đào tẩu sang miền nam, khẳng định Do Sang-rok là cha đẻ chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng.
Cha đẻ hạt nhân Triều Tiên?
“Hoạt động đầu tiên liên quan tới hạt nhân ở Triều Tiên là vào những năm 1947, khi người Liên Xô khảo sát các mỏ monatize ở nước này”, Joseph S. Bermudez, người thuộc Tạp chí Quốc phòng Triều Tiên và các vấn đề Tình báo, trụ sở tại Hàn Quốc, cho biết.
Monatize, khoáng sản có chứa các kim loại đất hiếm như thorium và một tỷ lệ nhỏ uranium, nguyên liệu phóng xạ cần thiết để làm bom hạt nhân.
Báo Hàn Quốc cho rằng để truy dấu vết khởi nguồn chương trình hạt nhân Triều Tiên, cần bắt đầu từ Đại học Quốc gia Seoul, thời gian ngắn sau khi Triều Tiên mới giải phóng.
Tiến sĩ Do Sang-rok, sinh viên học về lý thuyết vật lý lượng tử, sau đó tốt nghiệp Đại học Hoàng gia Kyoto, đã trốn sang Bình Nhưỡng vào tháng 5/1946 do bất đồng với chính quyền Mỹ về giải phóng dân tộc và sự thành lập nhà nước Hàn Quốc.
Đến cuối năm 1946, ông Do giúp đỡ Triều Tiên trong việc thành lập trường Đại học Kim Nhật Thành. Tại đây, ông Do tự chế tạo máy gia tốc hạt và tiến hành các thí nghiệm đầu tiên của Triều Tiên về vật lý hạt nhân.
Dựa trên các thông tin này, tờ North Korea News đánh giá ông Do là “cha đẻ chương trình vũ khí hạt nhân Triều Tiên”.
Tiết lộ của cựu chuyên gia Triều Tiên
Truyền thông Hàn Quốc từng có mâu thuẫn về trường hợp của người được coi là cựu chuyên gia hạt nhân Triều Tiên, bà Lee Mi (tên giả).
Lee nói bà từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. Sau khi đào tẩu khỏi Triều Tiên năm 2000, Lee cho biết bà nắm được nhiều thông tin về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Giới chức Hàn Quốc đã hỏi bà Lee 13 câu hỏi. Những câu trả lời của nữ chuyên gia Triều Tiên, bản đồ vẽ tay về các địa điểm dưới lòng đất của các xưởng sản xuất hạt nhân tại bãi thử Punggye-ri, đã góp phần khiến Hàn Quốc và Nhật Bản nắm được nhiều thông tin về tham vọng của Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, cơ quan thông tấn Hàn Quốc Yonhap phủ nhận thông tin này. Yonhap cho biết tất cả người đào tẩu từ Triều Tiên đều được một cơ quan đặc biệt của Seoul thẩm vấn, song cơ quan này “không biết về người tên là Lee Mi”.
Dù vậy, báo Nhật Yomiuri Shimbun năm 2000 đã đăng tải bản đồ vẽ tay của Lee Mi, đồng thời khẳng định bà Lee từng làm việc trong “chương trình làm giàu uranium” của Triều Tiên. Bản đồ này được coi là một trong những thông tin công khai đầu tiên về những gì diễn ra dưới lòng đất tại Punggye-ri, nơi luôn bị các vệ tinh của Mỹ, Hàn Quốc giám sát chặt chẽ.
“Người đào tẩu Triều Tiên cho biết nước này bắt đầu làm giàu uranium từ năm 1998”, báo Nhật dẫn lời bà Lee.
Lee Mi kể: “Các cơ sở ngầm được Tập đoàn Công nghiệp số 66 của Triều Tiên xây dựng, sâu bên dưới núi Yak, bãi thử Punggye-ri với cái giá lớn về nhân mạng. Rất nhiều công nhân đã chết do hàng loạt tai nạn.
Việc xây dựng được bắt đầu từ năm 1965, hoàn thành năm 1970. Các hang động dưới lòng đất có nhiều nhánh kết nối. Khu phức hợp này cực kỳ rộng lớn và được chiếu sáng tốt. Lối vào của nó đủ rộng cho các xe tải.
Những bức tường bê tông chắn tại lối vào là một phần trong những biện pháp ngụy trang, che giấu trước sự theo dõi từ bên ngoài. Hang động được dùng để giấu thiết bị thí nghiệm và các bằng chứng khác về chương trình hạt nhân.
Trong cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Triều Tiên đã giấu các thiết bị và nguyên liệu vào những hang động trong núi Yak. Suốt cuộc thanh sát, các nhân viên phòng thí nghiệm hạt nhân Triều Tiên đều mặc quân phục”.
Lee Mi nói các nhân viên làm việc tại phòng thí nghiệm hạt nhân Triều Tiên đều được trả thêm 20-30% lương để đảm bảo an ninh, giữ bí mật.
Lee nói các nhà khoa học và cố vấn Liên Xô thiết lập phòng thí nghiệm Bungang ở Triều Tiên năm 1950. Các khu nhà đặc biệt được xây dựng dọc sông Guwol-gang. Gia đình các nhân viên làm việc về hạt nhân cũng sống ở đây.
Triều Tiên chọn một số nhân viên gửi tới Trung Quốc, Liên Xô và sau này là Nga để nghiên cứu vật lý hạt nhân và hóa học. Những người không được chọn sẽ không được phép du lịch ra nước ngoài, hay thậm chí đi lại ở Triều Tiên.
“Khoảng 200 cố vấn Liên Xô và nước ngoài làm việc tại Bungang. Hầu hết các thiết bị trong phòng thí nghiệm là của Liên Xô. Trong những ngày đầu, các thành phần của lò phản ứng cũng được đưa tới từ Liên Xô, song sau này là từ Trung Quốc”, Lee nói.
Một số lời kể của Lee bị cho là thổi phồng, bi kịch hóa những gì xảy ra ở Triều Tiên. Tuy nhiên, bản đồ vẽ tay về các phòng thí nghiệm ngầm dưới lòng đất tại Punggye-ri được cho là khá gần sự thật.
Lần đầu thừa nhận Tháng 10/2002, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, lần đầu tiên công khai thừa nhận nỗi lo ngại của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ: Bình Nhưỡng có chương trình vũ khí hạt nhân bí mật. Trước đó một tháng, Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi có cuộc gặp với ông Kim Jong-il. Tokyo ngỏ ý sẵn sàng đền bù một tỷ USD mỗi năm trong một thập kỷ, trả giá cho những thiệt hại gây ra trong giai đoạn chiếm đóng Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945, với hy vọng Bình Nhưỡng từ bỏ giấc mơ trở thành cường quốc hạt nhân. |