Tỉa cành sửa tán
Trong điều kiện tự nhiên, cây sầu riêng ra hoa kết trái trong mùa nắng và cho thu hoạch vào đầu mùa mưa. Sau thời kỳ mang trái, vườn cây bị suy yếu cần được chăm sóc đúng cách như sau:
- Sầu riêng không ra hoa ở ngọn mà ra hoa mang trái trên thân và cành chính, vì vậy tỉa cành giữ lại những cành khỏe mạnh cách mặt đất trên 50cm sau thu hoạch. Cắt bỏ cành khô, cành bị sâu bệnh, ốm yếu bị che khuất trong tán và những cành mọc không đúng vị trí theo mong muốn của nhà vườn.
- Sau khi tỉa, những vết cắt có đường kính trên 1 - 2cm cần được quét sơn, vôi hoặc thuốc trừ nấm hay dùng băng keo nilon bịt vết cắt sao cho không thấm nước.
- Sau mỗi lần cắt phải dọn vệ sinh cành, nhánh đã cắt để hạn chế mầm bệnh phát tán, có thể dùng vôi bột pha nước quét lên thân cây từ mặt đất đến khoảng 1m. Khi cây quá cao (trên 7m) cần cắt ngọn để hảm bớt chiều cao thuận lợi cho quá trình chăm sóc, thu hoạch.
Khai thông rãnh thoát nước
Trồng sầu riêng ở Đồng bằng sông Cửu Long, do đất có địa hình thấp và nhiều sét nên rút nước chậm trong mùa mưa làm cho việc rửa độc chất kém hiệu quả, do vậy phải làm rãnh và khai thông mương thoát để nước rút được nhanh.
Kích thước rãnh tùy theo kích thước líp, nếu líp khoảng 6m thì mương vườn là đường thoát nước chính, chỉ cần làm rãnh ngang (rãnh như xương cá để nước thoát xuống mương); còn líp rộng hơn thì phải làm rãnh thoát nước giữa 2 hàng cây, rãnh có kích thước ngang 30 - 40cm và sâu 40 - 50cm.
Trồng sầu riêng ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên, mặc dù đây là vùng đồi núi có địa hình cao, nhưng tình trạng úng cục bộ vẫn xảy ra ở vườn sầu riêng vào mùa mưa.
Cần phải khai thông mương rãnh để đất vườn luôn khô ráo, thông thoáng. Rễ sầu riêng ăn bàng lên mặt đất là dấu hiệu rễ thiếu oxy do úng nước trong đất.
Rửa độc chất trong đất
Trong thâm canh, đất vườn sầu riêng dễ bị chua hóa. Bên cạnh đó, ở những vùng đất chua, phèn, mặn các độc chất mao dẫn tích tụ trên tầng mặt trong mùa nắng cần được rửa bỏ. Bón vôi có tác dụng làm đất giảm chua, hạn chế ngộ độc sắt, nhôm và mangan cho cây.
Canxi trong vôi giúp đất phục hồi cấu trúc, ít bị nén dẽ, thấm nước tốt. Ngoài ra vôi còn ức chế sự phát triển của nấm bệnh trong đất, phát huy hiệu lực của phân hữu cơ và cung cấp dưỡng chất canxi cho cây.
Có thể bón 300 - 500kg vôi/ha, tốt nhất là bón 100 - 150 kg/ha Đầu Trâu Mặn-Phèn bằng cách rải đều trên mặt đất, xới nhẹ cho phân trộn đều vào lớp đất mặt rồi tưới nước hay chờ mưa để rửa các độc chất. Trong phân Đầu Trâu Mặn-phèn có nhiều canxi để đuổi mặn và chất lân để hạ phèn.
Bón phân sau thu hoạch
Bón phân hữu cơ: Mặc dù hàm lượng dưỡng chất trong phân hữu cơ ít nhưng cung cấp cân đối một cách từ từ cho cây. Phân hữu cơ còn làm gia tăng hiệu quả sử dụng phân vô cơ, cải thiện cấu trúc của đất, giữ nước và làm tăng mật số vi sinh vật có lợi trong đất.
Ngoài ra, phân hữu cơ còn kích thích cây trồng phát triển. Có thể bón phân hữu cơ truyền thống ủ từ rơm rạ, bả bùn, bả mía, mụn dừa, phân chuồng, phân xanh... với liều lượng từ 10 - 20 tấn/ha hoặc bón 8 - 15 kg/cây Đầu Trâu Organic Đa Dụng. Phân được bón bằng cách dùng cuốc răng xới nhẹ mặt liếp quanh gốc theo hình chiếu của tán cây.
Bón phân vô cơ: Để có năng suất và chất lượng cao, sầu riêng cần được bón phân vô cơ sau thu hoạch để cây mau phục hồi. Xới đất thành băng xung quanh gốc theo hình chiếu của tán, rộng khoảng 50cm và sâu khoảng 10cm. Nếu liếp trồng hai hàng và cây đã giáp tán thì xới một băng dài giữa liếp và băng xương cá giữa 2 cây trên hàng. Bón phân vào những băng đã xới.
Phân NPK bón cho cây giai đoạn này cần có tỷ lệ N cao để tạo cơi đọt, bằng cách trộn 2 phần urê + 2 phần DAP + 1 phần KCl hoặc sử dụng phân Đầu Trâu AT1 để bón với liều lượng 1,5 - 2,5 kg/cây tùy theo tuổi cây. Nếu cây sinh trưởng kém có thể bổ sung thêm 0,2 - 0,4 kg/cây phân Đạm vàng Đầu Trâu 46A+ - Các sản phẩm của Công ty CP Phân bón Bình Điền.