| Hotline: 0983.970.780

Chuyện Hoàng Sa, 5 năm trước

Thứ Tư 07/08/2019 , 15:05 (GMT+7)

Trong những ngày nóng bỏng ở bãi Tư Chính, những ngư dân ở các làng chài miền Trung lại chia sẻ với báo chí về việc sẵn sàng lên đường.

Ngư dân Trần Ngọc Dược và Đỗ Đức Thạnh ở cửa biển Mỹ Á tỉnh Quảng Ngãi kể lại câu chuyện 5 năm trước và tất cả đều sẵn sàng ra bảo vệ chủ quyền biển đảo.

15-42-02_1_hi_ngu_dn
Ngư dân Đỗ Đức Thạnh (bên trái) và thuyền trưởng Trần Ngọc Dược (bên phải). Ảnh: Cẩm Dung.


Nhẹ gánh lên đường

Đêm 30/5/2014, bầu trời đầy sao và lặng gió báo hiệu biển đang vào mùa êm ả. Cả đoàn tàu 20 chiếc, với hơn 200 ngư dân ở cửa biển Mỹ Á, Lý Sơn, Sa Huỳnh, Sa Kỳ đều tập trung đông đủ tại cảng cá Tịnh Hòa, TP Quảng Ngãi. Các ngư dân vẫn thao thức vì chuyến đi kỳ lạ. 

Thuyền trưởng Trần Ngọc Dược suy đi tính lại và quyết định khiêng giàn lưới nặng nề bỏ lên cầu cảng. Sau này ông Dược mới nhận ra, quyết định nhỏ này nhưng rất đúng đắn. Vì sau này, khi tàu cá vỏ thép của Trung Quốc mang số 16855, rồi hàng loạt tàu khác nối nhau đâm thẳng vào con thuyền nhỏ, ông Dược đã bẻ lái gấp đến mức nước tràn qua tàu. Nếu lúc đó thêm giàn lưới nặng nề trên boong thì con tàu có thể lật úp và vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển Hoàng Sa.

Đoàn tàu neo tại cảng để sẵn sàng lên đường vào sáng 1/6. Sự khác biệt của đoàn tàu này với các tàu cá khác là đều treo nhiều lá cờ và tấm băng đỏ “Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; Quyết tâm ra khơi bám biển”. 

Sau này khi tàu tiến vào giàn khoan Hải Dương 981, tàu cá của Trung Quốc thường tỏ ra lồng lộn trước đội tàu treo cờ, những ngư dân giả dạng trên tàu Trung Quốc đu ra boong để chĩa máy quay phim, chỉ chỏ ra vẻ tức giận lồng lộn, sau đó cố tình lắc đuôi tàu trước mũi tàu ngư dân để tạo ra hình ảnh tàu Trung Quốc bị tàu cá Việt Nam đâm.

Ngư dân Đỗ Đức Thạnh ngồi bên thành tàu nhắn tin về cho gia đình chia sẻ công việc trong ngày và chuyến đi ngày mai. Chiếc điện thoại Nokia cũ của anh có chức năng quay phim đơn giản. Anh kể rằng, sau này khi tàu Trung Quốc lao vào đâm tàu ngư dân, anh quyết định quay sang làm bình luận viên, tường thuật lại sự việc và ghi âm diễn biến trên biển, tàu Trung Quốc số mấy đâm vào tàu nào. Đoạn tường thuật trên của anh sau này trở thành kỷ vật của thời trẻ xông pha.

Từ khi con tàu của ông Dược được khiêng lưới lên bờ, chiếc tàu chao lắc nhẹ nhàng và các ngư dân cũng vơi đi nỗi lo. Vì theo kinh nghiệm đi biển, ông Dược và các ngư dân đều biết rằng, con tàu nhỏ bé sẽ phải biểu diễn nhiều cú rẽ ngoặt trên biển và lúc đó mọi người phải bám thật chặt vào thành tàu để khỏi bị lăn xuống biển. Nếu lưới trên boong đổ dồn về một phía thì con tàu sẽ theo đà đó bị nghiêng lệch, khiến thuyền trưởng không thể đánh lái để tiếp tục thực hiện nhiều cú cua gấp cho đến khi lưới được kéo vào giữa tàu để tạo thăng bằng.
 

Yêu cầu hỗ trợ

“Nếu không đưa tàu kiểm ngư tới hỗ trợ thì bà con không xông vô nữa, tàu mình quá nhỏ”, đó là thông tin nhộn nhạo lan ra cả đoàn tàu từ ngày 3/5. Ý kiến của ngư dân đưa ra như vậy, vì cường độ tấn công của tàu sắt Trung Quốc ở thế áp đảo và luôn gia tăng. Tại khu vực gần nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, con tàu QNg 98288 TS của ngư dân Trần Ngọc Dược trở thành mục tiêu cho những chiếc tàu sắt Trung Quốc lao vào đâm húc. Chiếc tàu đeo bám dai dẳng nhất mang số 16855. Đây là một chiếc tàu vỏ thép có chiều dài gần 30m (tàu ông Dược 14,5m).

Con tàu Trung Quốc 16855 suốt ngày bám theo rồi lao thẳng vào tàu ngư dân và cứ 1 - 2 chiếc kèm một tàu ngư dân. Ông Dược phải liên tục đánh lái khiến con tàu chao đảo. Khi tàu Trung Quốc lao vào tàu gỗ nhỏ của ngư dân và thấy tàu gỗ né theo kiểu chạy hình vòng tròn thì Trung Quốc đổi chiêu, cho 3 tàu cùng một lúc tấn công. Khi tàu gỗ vừa né chiếc thứ nhất thì đụng chiếc thứ 2, 3. Do bị tấn công dồn dập nên sức kháng cự của những con tàu nhỏ kiên gan cũng yếu dần đi.

Ngày 3/6, đoàn tàu 20 chiếc cùng các ngư dân có phần thấm mệt. Ông Dược quyết định yêu cầu được Hải quân hoặc Kiểm ngư chi viện. Ông Dược nói: “Mình quá nhỏ mà nó như vậy, nếu rủi ro thì bỏ vợ bỏ con, nếu trên không chi viện giúp bà con thì tàu ngư dân không tiến vào nữa”. Cuối cùng, ý kiến của ông Dược và các ngư dân được chấp thuận. Hai tàu Kiểm ngư được phái đến và chạy song song phía ngoài đội hình 20 tàu cá để bảo vệ ngư dân. Lúc chưa có tàu Kiểm ngư thì Trung Quốc cho tàu Kiểm ngư áp đảo. Lúc tàu Kiểm ngư xuất hiện thì Trung Quốc cho tàu Hải cảnh đến áp đảo.

15-42-02_2_tm_nh_ky_niem
Đội hình tàu cá lên đường bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 2014. Ảnh: Cẩm Dung.

Lý do ngư dân cần sự xuất hiện của tàu Kiểm ngư để lấy lại thế cân bằng, vì những ngày đầu tiên, tàu Trung Quốc phun vòi rồng, tiếp đến là đâm trực diện, khi mũi tàu sắt đến sát tàu ngư dân thì tàu Trung Quốc chạy lệch qua một bên. Tàu của ông Thạnh bị ủi vỡ mạn và đèn, vài tàu cá khác bị vỡ mạn vì va đập tàu gỗ với tàu thép.

Khi thấy tàu ngư dân vẫn tiến vào thì bên tàu Trung Quốc bắt đầu ném đá ầm ầm. Ông Dược lúc đó nhận ra sự thận trọng của mình bị anh em cười, nhưng đến giờ đó lại đúng. Vì trước khi đi Hoàng Sa, ông Dược vẫn mang theo mũ bảo hiểm và nói bâng quơ “thế nào nó cũng tố đá”.
 

Ký ức còn mãi

Sau 20 ngày đấu tranh với những con tàu ma của Trung Quốc ở khu vực giàn khoan, các ngư dân trở về và lại bắt đầu với công việc của người dân chài. Tại làng chài Mỹ Á, các ngư dân từng tham gia đấu tranh tại giàn khoan Hải Dương 981 đều treo tấm ảnh chụp đoàn tàu treo cờ và khẩu hiệu bằng tiếng Trung Quốc tiến về phía trước. Thỉnh thoảng các ngư dân gặp nhau và vẫn kể lại những ngày tháng đấu tranh trên biển. Thời gian 20 ngày, nhưng trở thành thời gian nén, có nghĩa là dài như cả năm và tất cả mọi việc nhỏ nhất trên tàu đều được các ngư dân nhớ lại.

Chuyện mà các ngư dân nhắc lại nhiều là chuyện phá vây tàu Trung Quốc vào ngày 4/6. Buổi chiều đó, khi bị tàu Trung Quốc vây bọc, tàu của ông Thạnh chạy hướng kim la bàn 270, nhưng tàu bị sự cố tràn nước, bơm hút không kịp, tàu như người sắp đuối. Ông Thạnh dập máy, dừng con tàu dài 17m trước mũi tàu Trung Quốc và thách thức: “Có giỏi thì cứ đâm chìm luôn”.

2 tàu sắt Trung Quốc kẹp sát hông và muốn ép cho con tàu gỗ nát vụn như củi. Do sóng từ tàu Trung Quốc ập đến làm tràn lênh láng khắp bong, các ngư dân hốt hoảng kêu la, còn ông Thạnh thì cứ bình tĩnh nói “không chết đâu, mặc áo phao vô, nó quyết đâm chìm thì đã đâm rồi”.

Giữa lúc nhộn nhạo và căng thẳng đó, ngư dân Trần Ngọc Dược hé cửa nhìn ra và thấy một tàu Trung Quốc kè sát bên và 2 tàu chỉ còn cách 30m, một tên nghiêng người cố sức ném vỏ chai bia vào mặt ông Dược, khiến ông phải thụt ngay vào và sập chặt cửa. Ông Dược nhìn la bàn và ước tính, khi tàu Trung Quốc đâm thì ông rẽ lái bằng vòng cua khoảng 60m và cho tàu chạy 200 số, tức khoảng 400m thì tàu Trung Quốc mới đủ thời gian quay lại. Cuộc rượt đuổi và đâm va diễn ra liên tục 3 lần thì con tàu này vượt ra khỏi vòng vây.

Sau chuyến đi và trở về, ông Thạnh nghe tin Nhà nước triển khai dự án 67 nên đăng ký đóng ngay tàu vỏ thép. Ông cho rằng, Trung Quốc sẽ còn vào biển Việt Nam để quấy phá, nên ngư dân phải chuẩn bị sẵn sàng. Dự đoán của ông khá chính xác, vì sau 5 năm, biển Đông lại tiếp tục dậy sóng và ngư dân đều nói về bổn phận của mình trong việc sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Hồ Tha La phủ màu xanh cho đất

Hồ Tha La là một trong những công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh Tây Ninh, sau nhiều năm vận hành, công trình đã được đầu tư nâng cấp, đáp ứng đa mục tiêu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.