Liên kết chuỗi từ trồng tới tiêu thụ
Xã Ninh Đông, Thị xã Ninh Hòa là một địa phương có nghề trồng rau truyền thống của tỉnh Khánh Hòa với khoảng 200 hộ sản xuất chính, tập trung chủ yếu ở các thôn Quang Đông, Phú Nghĩa và Phước Thuận.
Các loại rau được bà con nơi đây trồng chủ yếu là xà lách, cải, rau thơm, ớt, bầu... Nhiều hộ dân nhờ vào trồng rau mà thoát nghèo. Thế nhưng bà con trồng rau còn tự phát, điều kiện canh tác, giao thông, thủy lợi rất khó khăn, khó quản lý về an toàn vệ sinh đối với sản phẩm rau quả…
Do đó, để phát triển nghề trồng rau, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân, tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt dự án và cấp kinh phí đầu tư chuyển đổi diện tích 12 ha đất trồng lúa kém hiệu quả thành vùng sản xuất rau tập trung. Cùng với đó, vùng sản xuất được đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nước tưới tiêu và các hộ tham gia trồng rau đều đã được học qua các lớp về sản xuất rau an toàn.
Tuy nhiên trải qua nhiều năm, việc sản xuất rau tại đây gặp nhiều khó khăn, bởi các hộ sản xuất vẫn theo kinh nghiệm chạy theo năng suất, lợi nhuận nên chưa quan tâm đúng mức về việc tuân thủ các quy định trong sản xuất rau an toàn.
Dự án nhằm hỗ trợ phát triển vùng sản xuất rau xã Ninh Đông đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao về an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người trồng rau. Từ năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản phối hợp với Phòng Kinh tế Thị xã Ninh Hòa, UBND xã Ninh Đông đã triển khai mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn trên địa bàn xã này.
Theo HTX Rau an toàn xã Ninh Đông, để triển khai mô hình, UBND xã đã thành lập Tổ liên kết sản xuất rau an toàn xã Ninh Đông (nay là HTX) với 18 hộ thành viên, diện tích 2,8 ha. Ban đầu, việc triển khai mô hình gặp nhiều khó khăn do bà con ngại ghi chép hồ sơ, nhật ký đồng ruộng. Sản xuất theo VietGAP, bà con phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt nhất là trong khâu sử phân bón, dụng thuốc BVTV.
Qúa trình triển khai dự án, nhiều thành viên lúc đầu hăng hái nhưng sau đó xin rút không tham gia sản xuất theo hướng VietGAP. Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan, ban ngành của tỉnh và Thị xã, mô hình trồng rau ở Ninh Đông đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Đến năm 2017, các hộ thành viên đã thống nhất thành lập HTX Sản xuất rau an toàn Ninh Đông. Hiện HTX hoạt động với 9 thành viên, với diện tích được chứng nhận VietGAP là 7 ha. Để nâng cao hiệu quả, HTX cũng đã đầu tư xây dựng nhà lưới để sản xuất, cung cấp sản phẩm ổn định ra thị trường.
Hiện nay, HTX còn ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 18 hộ nông dân sản xuất rau an toàn trên địa bàn xã Ninh Đông để cung ứng cho 5 siêu thị trên địa bàn tỉnh gồm Co.opmark, Quyết thắng, BigC (siêu thị GO), Mega Market và các trường học, các điểm bán lẻ, với tổng sản lượng mỗi tháng khoảng 23 tấn rau, củ, quả các loại. Doanh thu hàng năm của HTX ngày càng tăng lên, trong đó năm 2020 đã đạt hơn 6,2 tỷ đồng.
Hỗ trợ mở rộng diện tích rau VietGAP
Ông Chu Đức Hùng, Trưởng phòng Chế biến và thương mại (Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Khánh Hòa) đánh giá, mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn theo VietGAP tại xã Ninh Đông hiện hoạt động khá hiệu quả. Mô hình đã tạo sự chuyển biến tích cực cho bà con trong sản xuất rau, không còn tư tưởng chạy theo năng suất, lợi nhuận trước mắt mà chú trọng hơn vào chất lượng an toàn thực phẩm của sản phẩm.
Đặc biệt, sản phẩm rau sản xuất tại các hộ thành viên và các hộ liên kết với HTX được bao tiêu, tiêu thụ với giá cả ổn định. Từ đó góp phần ổn định thu nhập cho bà con trồng rau trên địa bàn xã, cũng như cải thiện chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm các sản phẩm rau, củ, quả, nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn xã Ninh Đông được chứng nhận VietGAP còn hạn chế so với thực thế diện tích thực tế. Đây cũng là kiến nghị, đề xuất mới đây của HTX với mong muốn tiếp tục được hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển, nhân rộng diện tích được chứng nhận VietGAP trên địa bàn.
Triển khai thực hiện Quyết định số 1261 ngày 13/5/2021 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Đề án phát triển, nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Khánh Hòa đã tập huấn, khảo sát vùng rau Ninh Đông.
Từ đó, sẽ nhân rộng mô hình diện tích rau VietGAP thêm 4 ha, trong đó 2 ha hẹ với khoảng 17 hộ tham gia và 2 ha rau với khoảng 10 hộ tham gia. Ngoài ra, trong năm 2021, Chi cục còn triển khai nhân rộng, phát triển mô hình chuỗi cung cấp hành, tỏi trên địa bàn xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh.